“Hoài cảm” với Thái Bảo
(Dân trí) - Với chất giọng khàn khàn, nồng nàn, hơn 40 năm qua ca sĩ Thái Bảo đã chinh phục trái tim người nghe. Gần đây nhất, chị ra mắt một album với tựa đề “Hoài cảm” như một lời tri ân tới những khán giả luôn ủng hộ mình.
Lý do gì chị lấy tựa đề chung cho cả album là “Hoài cảm”?
CD “Hoài cảm” tôi rất là tâm huyết vì đó là những tình khúc, ca khúc vượt thời gian. Hoài cảm - đó có thể là tấm lòng, sự đồng cảm của tôi với ca khúc của những người đã khuất cũng như những người đang sống.
Với album “Hoài cảm” khán giả có cảm nhận đây là một bước chuyển đổi về cách hát của Thái Bảo. Là người trong cuộc nghĩ sao?
Mỗi người nghệ sĩ lựa chọn cho mình một con đường, một cách hát. Họ không thể thay đổi cách hát mà chỉ có thể thay đổi cách xử lý bài hát cũng như cách biểu diễn. Ở đây Thái Bảo muốn rằng mình là nhịp cầu nối những người sáng tác đến với những người nghe.
Những ca khúc trong album “Hoài cảm” đã được rất nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam trình bày, liệu chị có chịu ảnh hưởng của một ca sĩ lớp trước nào không?
Tôi đã được nghe rất nhiều các nghệ sĩ nổi tiếng hát rất thành công những ca khúc đó nhưng đến với tôi, ca khúc đó được thể hiện theo chất giọng và tâm hồn của tôi. Tôi chọn cho mình một phong cách riêng.
Chị lựa chọn bài hát theo tiêu chí nào?
Bài hát phù hợp với giọng của tôi, âm vực của tôi, ca từ hay.
Chị đã hát rất nhiều ca khúc của cố nhạc sĩ Trần Hoàn và ngay trong album “Hoài cảm” này chị cũng chọn ca khúc của ông?
Tôi thể hiện khá nhiều bài hát của ông nhưng thành công nhất là bài Thăm bến nhà Rồng, Mưa rơi, Sơn nữ ca. Tôi không phải là người đầu tiên và chắc chắn không phải là người cuối cùng hát nhạc của ông. Với giọng hát của mình tôi muốn gửi lời tri ân tới người đã khuất.
Lúc sinh thời của nhạc sĩ Trần Hoàn, chị có kỷ niệm nào đó đối với ông không?
Lần đầu tiên cầm bản nhạc “Thăm bến nhà Rồng” của nhạc sĩ Trần Hoàn để hát, ông không hài lòng. Ông bảo “chị mà hát bài này nghe có khác Tây hát chèo đâu” nhưng tôi vẫn dũng cảm tập và hát bài hát đó.
Xin cảm ơn chị!
Hàn Nguyệt