1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa: “Tôi hạnh phúc!”

(Dân trí) - “Chồng tôi - anh Maneesh rất yêu thương vợ con. Ba cháu Diệu My (Sonali), Diệu Ly (Nikita), và Hoàng Phi (Ishan) ngoan ngoãn, vâng lời. Công việc của hai vợ chồng đều ổn định, tiến triển. Tôi hạnh phúc với những gì mình đang có”, Hoa hậu VN 1990, Nguyễn Diệu Hoa tâm sự.

Nếu làm một phép so sánh tương quan, chị thấy mình khác gì so với các nhan sắc được đăng quang sau này?

Các em bây giờ đẹp hơn nhiều chứ! (cười), chiều cao lý tưởng hơn. Chế độ dinh dưỡng cũng như tập luyện ngày một khác, nên vóc dáng và nhan sắc của các hoa hậu bây giờ ngày càng chuẩn mực hơn thế hệ chúng tôi ngày xưa.

Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, BTC các cuộc thi hoa hậu vẫn chưa có những kế hoạch định hướng cụ thể cho các hoa hậu sau khi đăng quang về việc giữ gìn danh hiệu, theo tôi điều này rất quan trọng. Danh hiệu và vương miện của hoa hậu dường như chỉ có giá trị vào đêm đăng quang, xong rồi là thôi. Chưa ai định hướng, góp ý với các hoa hậu về trách nhiệm giữ gìn vương miện và danh hiệu của mình như thế nào cho xứng đáng.

Nói như vậy, nghĩa là...?

Tôi lấy đơn cử, ví dụ một doanh nghiệp làm ăn phát đạt, trong một lễ tổng kết cuối năm chẳng hạn, họ muốn có sự xuất hiện của hoa hậu với mục đích làm sang cho buổi lễ. Họ sẽ sẵn sàng trả mức cát-sê rất cao. Nhưng thật ra, các hoa hậu xuất hiện ở những nơi đó là rất không nên. Vì khi đã xuất hiện, cô ấy sẽ không xuất hiện với tư cách cá nhân, mà xuất hiện với tư cách là Hoa hậu Việt Nam, đại diện cho nhan sắc, cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Có doanh nghiệp mở một showroom về ôtô, mời một hoa hậu đến dự, hoa hậu cũng đến. Xuất hiện nhiều và “bình dân” như vậy, vô hình chung, hoa hậu đã đánh mất đi danh hiệu và vương miện của mình.

Tất nhiên, nhìn ở khía cạnh nào đó, chúng ta không thể trách được các em ấy. Bởi khi đăng quang, các hoa hậu thường còn rất trẻ về tuổi đời, chỉ khoảng 18-20 tuổi. Cuộc sống sau khi đăng quang nhiều va chạm và cạm bẫy. Hơn nữa, tài chính cũng là một lý do cần được thông cảm.

Theo cá nhân tôi, BTC các cuộc thi hoa hậu nên có những hoạch định rõ ràng, và chặt chẽ về các hoạt động của hoa hậu sau khi đăng quang. Đơn vị, tổ chức nào muốn mời hoa hậu tham dự trong các chương trình cần phải có sự thông qua của BTC. BTC nên có trách nhiệm theo sát, định hướng cho các hoa hậu. Để sự xuất hiện của hoa hậu một quốc gia trở nên thực sự có ý nghĩa.
 
Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa: “Tôi hạnh phúc!”  - 1
Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa sau 18 năm đăng quang

Theo chị, các hoa hậu không biết rằng, họ đã và đang “bình dân hóa” danh hiệu?

Tôi không đánh giá điều đó là tốt hay xấu. Theo tôi, phần nhiều do các em ấy còn trẻ, chưa đủ kinh nghiệm, chưa đủ bản lĩnh, chưa đủ chững chạc để suy nghĩ, cân nhắc về những chương trình nên hoặc không nên tham gia. Đôi khi, các em chưa ý thức được vương miện quan trọng như thế nào. Bởi thế, sự xuất hiện của hoa hậu quốc gia phải có sự định hướng và theo sát của BTC.

Sắp tới, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hoa hậu hoàn vũ 2008 (Miss Universe), cá nhân chị quan tâm như thế nào đến thông tin này?

Tôi có nghe nói đến thông tin này. Theo tôi, phụ nữ Việt Nam rất đẹp, đã có chiều cao lý tưởng, có nhan sắc, nhưng chưa được rèn luyện, đầu tư kỹ càng. Tôi đơn cử như ở Venezuela, hoa hậu được đào tạo từ nhỏ, tất cả đều cần phải qua đào tạo: từ nụ cười, dáng đi, phong cách, giao tiếp, sự tự tin trước đám đông... Quy trình đào tạo bài bản cần phải có tài chính. Việt Nam muốn có nhan sắc xứng tầm quốc tế thì cần phải đầu tư.

Việc gửi người đẹp đi dự thi các cuộc thi nhan sắc quốc tế mới nở rộ ở Việt Nam vài năm trở lại đây. Có khi nào chị thấy tiếc, khi năm 1990 chị đăng quang, việc gửi hoa hậu Việt Nam đi thi Hoa hậu Thế giới còn quá... xa xỉ?

Không, trở thành hoa hậu năm ấy đã là một may mắn và hạnh phúc quá lớn với tôi rồi. Khi ấy, tôi đang là sinh viên năm thứ 4- ĐH Ngoại ngữ HN. Tôi không có ý định đi thi, vì việc học bận bịu, lại chuẩn bị thi tốt nghiệp nữa, nhưng bạn bè cứ kéo đi thi, không ngờ lại được (cười). Thế là đã đủ hạnh phúc với tôi rồi.

Sau 18 năm nhìn lại, vương miện đã mang đến cho chị điều gì lớn lao nhất? Danh tiếng hay cơ hội? Có khi nào chị nghĩ, nếu không đoạt vương miện hoa hậu Việt Nam, cuộc đời chị đã khác?

Không đoạt vương miện, cuộc sống của tôi sẽ vẫn như thế thôi, tôi vẫn tốt nghiệp Đại học, vẫn xin đi làm vào một doanh nghiệp nào đó. Nhưng tất nhiên, vương miện sẽ mang lại may mắn và cơ hội cho tôi nhiều hơn. Song, nỗ lực của bản thân mới là quan trọng.

Điều lớn lao nhất mà vương miện đã mang đến cho tôi có lẽ chính là... ông xã. Tôi vẫn nhớ đó là vào năm 1992, anh Maneesh đến xem đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam năm ấy. Tôi được mời đến để trao vương miện cho tân hoa hậu.

Anh Lại Văn Sâm (MC của chương trình) mới hỏi một câu “Nếu năm nay Diệu Hoa đi thi, Diệu Hoa có nghĩ mình sẽ đoạt vương miện?”. Bạn anh Maneesh phiên dịch lại câu hỏi, đó là một câu hỏi khó, bởi thế, Maneesh chờ đợi câu trả lời của tôi. Khi ấy, tôi đã trả lời: “Ai đi thi cũng muốn mình đoạt giải. Nếu năm nay tôi đi thi, tôi cũng sẽ như bao thí sinh khác, đều mong muốn và hy vọng mình đoạt giải, nhưng để đoạt giải hay không thì điều đó chưa thể nói trước được. Là hoa hậu còn cần có thêm một chút may mắn”. Anh Maneesh đã rất thích câu trả lời này của tôi. Sau đó, bạn của anh lại quen với bạn của tôi. Nhóm bạn có gặp gỡ và trò chuyện với nhau.

Rồi chúng tôi yêu nhau và cưới năm 1993. Đến nay, đã trải qua 15 năm chung sống, tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận, vì Maneesh là một người chồng rất tốt và yêu thương vợ con hết lòng. Tôi phải cảm ơn cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vì đã cho tôi được gặp Maneesh.
 
Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa: “Tôi hạnh phúc!”  - 2
Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa hạnh phúc với những gì chị có

Từng là hoa khôi của ĐH Ngoại ngữ, hẳn chị luôn có rất nhiều người đàn ông vây quanh. Điều gì ở Maneesh (Ấn Độ) đã khiến tất cả những người đàn ông khác trở nên thua cuộc trong trái tim chị?

Chồng tôi là một người rất giỏi. Anh sang Việt Nam năm 24 tuổi, khi ấy anh chỉ là đại diện của một công ty nước ngoài. Anh gặp tôi năm 1992 là khoảng thời gian anh vừa sang Việt Nam. Khi ấy, sự nghiệp của Maneesh chưa có gì. Anh là thạc sỹ năm 18 tuổi, và được một công ty Thái Lan sang tận Ấn Độ tuyển dụng.

Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất gắn kết tôi và anh là tình cảm. Vật chất rồi cũng mất đi, chỉ có tình yêu là còn lại. Hôn nhân phải được nuôi dưỡng bằng tình yêu giữa hai người.

Có một hôn nhân vững bền, một công việc như ý... Chị hẳn hạnh phúc với những gì chị có?

Vâng, tôi hạnh phúc. Vợ chồng tôi được ba cháu, hai gái một trai. Diệu My (tên Ấn độ Sonali), Diệu Ly (Nikita), Hoàng Phi (Ishan) đều rất ngoan và nghe lời. Tôi cho các cháu học trường quốc tế, để nói tiếng Anh giỏi nhưng cũng phải học tiếng Việt. Tôi đã học xong bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh hai năm ở Học viện công nghệ châu Á ở Thái Lan. Tôi bảo vệ xuất sắc và được tận tay công chúa Thái Lan trao bằng.

Hiện tại tôi làm trong một công ty kinh doanh thương mại. Công việc của chồng tôi cũng ổn định. Tôi hài lòng với hạnh phúc mà mình đang có. Và thật sự, không mong gì hơn nữa.

Hiền Hương