Hoa hậu Ngọc Hân trần tình vụ “rắc gạo trên sàn diễn”
Trong Tuần lễ thời trang xuân hè 2012 vừa qua tại Hà Nội, phần trình diễn trang phục và rắc gạo trên sàn diễn của Hoa hậu Ngọc Hân đã khiến nhiều người bức xúc vì cho rằng, đó là hành động “mạo phạm” đến hạt “ngọc trời” vốn được người nông dân vất vả làm ra.
Đây là ý tưởng của nhà thiết kế (NTK) Chula, đến từ Tây Ban Nha. Lấy cảm hứng từ các loại hoa quả như cam, xoài, ổi, bưởi, cà chua hay những cốc sinh tố, dao, kéo, bát dĩa… trên nền chất liệu lụa Việt Nam, NTK Chula đã mang đến bộ sưu tập khá độc đáo và ấn tượng. Với màu sắc tươi mới, độc đáo trong họa tiết, các mẫu thiết kế đã mang đến cảm hứng và sự bất ngờ cho người xem.
Phần đông đều cho rằng Hoa hậu Ngọc Hân không có ý thức với phần trình diễn rắc gạo trên sàn catwalk. Nếu để thể hiện ý tưởng của NTK cũng có nhiều cách để thay thế và nên mang ý nghĩa tượng hình chứ không nhất thiết phải tả thực bằng hạt gạo. Với NTK, họ cho rằng, đây là ý tưởng tồi, vì hạt gạo là sự quý hiếm, mang ý nghĩa tượng trưng cho hình ảnh Việt Nam.
Trong khi đất nước ta còn nhiều người nghèo khổ thì hình ảnh đó thực sự khiến nhiều người phải suy nghĩ giữa độc đáo và đẹp. Gạo là hạt “ngọc trời”, là sản phẩm kết tinh từ sự lao động cần cù của người nông dân suốt mấy tháng ròng thì cần có sự nâng niu, trân quý chứ không thể biểu hiện bằng hành động không mang ý nghĩa giáo dục như thế…
Chấp nhận khen, chê
Về những phản ứng này, Hoa hậu Ngọc Hân cho rằng: “Là một người mẫu đứng ở vị trí vedette, tôi phải trình diễn đúng với ý tưởng của NTK. Việc hành động đó gây ra nhiều phản ứng khác nhau, đánh giá đó là ý tưởng tồi thì tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về NTK”. Với quan điểm này, Hoa hậu Ngọc Hân cũng thẳng thắn: Công chúng có quyền thể hiện sự bức xúc nếu họ không hài lòng cũng như được tự do bày tỏ chính kiến. Cá nhân tôi không quan tâm và cũng nghĩ mình không nhất thiết phải lên báo thanh minh vì thực ra đó cũng không phải là việc của mình. Mỗi người có một quan điểm, tôi tự xác định cho mình luôn phải đón nhận ý kiến khen, chê của công chúng.
Trong khi khán giả phản ứng thì hai nhân vật chính là người mẫu và NTK Mạnh Cường lại ra sức bảo vệ ý tưởng của mình. Để dẫn chứng hành động này không phải là phản cảm và khá phổ biến trên sàn diễn, Mạnh Cường đã đưa lên trang cá nhân của mình những show diễn người mẫu hút thuốc trên sàn catwalk. Nhưng cũng như NTK Chula, vì mải mê với ý tưởng của mình, các NTK đã không chú ý đến sự khác biệt về văn hóa.
Hành động rắc gạo, hút thuốc, trình diễn không nội y, cởi đồ trên sàn catwalk… được coi là bình thường với các nước có nền văn hóa cởi mở và phóng khoáng. Nhưng sẽ là tai hại nếu áp đặt nó lên một nền văn hóa khác. Rất khó để nhận diện được đâu là ranh giới của sự sáng tạo và độ phản cảm, điều này chỉ có thể trông chờ vào sự “may rủi” và sự nhạy bén, tỉnh táo của người làm nghề.
Theo Thảo Nguyên
Gia đình&Xã hội