Hồ Hoài Anh: Thích dân dã

Sống giữa lòng Hà Nội nhưng Hoài Anh tự nhận mình như một người dân quê thực thụ. Không có "món" gì mà anh không làm được từ câu cá câu lươn đến mò trai, mò ốc... Đó cũng là thú vui của anh mỗi khi có được chút thời gian rảnh rỗi.

Nhà Hoài Anh ngay cạnh Nhạc viện Hà Nội. Ngày trước, đất quanh trường còn trũng chứ không cao như bây giờ. Mỗi lần trời mưa là nước lại ngập đến 3-4 ngày mới rút. Sân trường tự dưng thành một cái ao. Cá ở sông tràn lên và Hoài Anh lại bì bõm lội trong cái "ao trường" ấy để "chộp" cá.

Hoài Anh kể, cứ mỗi lần như thế là lại lấy xô của mẹ (xô bằng nhôm hay tôn gì đó), len lén đục thủng đáy xô rồi đi úp cá. Đó là cái trò mà anh mê mẩn cho đến bây giờ. Cảm giác khi chụp được một con cá giống như vừa chiến thắng trong một cuộc chơi. "Ác chiến" hơn, Hoài Anh còn soi đèn và bắt cá bằng tay nữa. Thật khó tưởng tượng được, dân Hà Nội mà lại giỏi mấy trò của nông dân thế.

Những chiến tích câu lươn cũng được Cu Tí tả rất hỉ hả, say sưa. Nào là lưỡi câu lươn phải dài hơn lưỡi câu cá, rồi xoắn 2 sợi cước vào nhau cho chắc vì lươn rất khoẻ... "Đi câu lươn sướng lắm. Quanh bờ mương có rất nhiều lỗ. Nhưng lỗ cua thì ngang còn lỗ lươn thì thẳng. Tìm được lỗ lươn là mình thả mồi giun xuống. Khi nào nghe thấy lươn cắn mồi kêu "choạp" một cái thì kéo lên. Nhưng lươn bám rất khoẻ nên phải lôi một lúc mới được".

Đến bây giờ, mỗi khi có thời gian là Hoài Anh lại vù về quê ở Hà Tây. Nhà anh có một mảnh đất ở đó, cũng gần hồ, đầm nên Cu Tí nhà ta thoả chí mà mò cua bắt ốc. Về đến nơi là Hoài Anh xắn quần xắn áo, nhảy ngay xuống hồ để... mò trai. "Mình cứ nhảy xuống, lấy chân giẫm giẫm, chỗ nào thấy cong cong giống lưng con trai, thò tay xuống là chính xác. Trong hồ thỉnh thoảng có những cái hố sâu do người ta đào để lấy đất sét làm gạch, thụt vào những chỗ đó là ngập đầu nhưng sướng lắm vì rất nhiều trai. Bắt thích tay thì thôi", Hoài Anh kể đầy hào hứng.

Có lẽ vì thế chăng mà Hoài Anh không phải tuýp người đỏm dáng và quan tâm đến việc ăn mặc của mình. Anh tự nhận mình lúc nào cũng... lôi thôi. Có bao nhiều tiền anh đắp hết vào máy móc, đồ đặc, nhạc cụ trong phòng thu. Còn quần áo thì mặc thế nào chẳng được.

Phải công nhận nhìn Hoài Anh, không mấy ai nghĩ anh lại cổ điển, mộc mạc như vậy. Dù được biết đến nhiều hơn với vai trò một nhạc sĩ sáng tác nhạc nhẹ nhưng đam mê lớn nhất của Hoài Anh vẫn là đàn bầu. Anh nói rằng không có chuyện một ngày nào đó anh phải lựa chọn hoặc đàn bầu, hoặc nhạc nhẹ. Nhưng cho một chữ "giả sử" thì anh sẽ chọn đàn bầu. Đó là nghiệp của anh, "phản bội lại đàn bầu giống như phản bội lại chính bản thân mình".

Hoài Anh luôn tự hào và trân trọng vì anh được sinh ra trong một gia đình nề nếp, được là con của mẹ anh. "Nếu như không có mẹ thì tôi không là cái gì cả. Mẹ là người sinh ra tôi, dạy dỗ tôi. Mẹ vừa là người thày lại vừa là đồng nghiệp, giúp tôi rất nhiều để tôi được như ngày hôm nay". Phải công nhận, Hoài Anh là một người chăm chỉ, đi đúng hướng nhưng anh cũng biết rằng nếu như không được sự dìu dắt của các thày cô trong Nhạc viện, đặc biệt là cô Hoa, cô Dung thì anh khó mà vững vàng được như vậy.

Hiện tại, Hoài Anh đang ấp ủ làm một đĩa nhạc đàn bầu với những sáng tác của anh. Những bản nhạc mang đậm âm hưởng Á Đông và theo trường phái của riêng Cu tí. Sẽ có sự kết hợp giữa đàn bầu và dàn nhạc điện tử, có cả hát và những đoạn vocal ngẫu hứng. Hoài Anh chắc chắn rằng hơi thở âm nhạc mà anh mang đến trong album đàn bầu này chưa hề có ai làm. Anh muốn tạo ra một hình tượng khác hẳn và thể hiện được cảm nhận riêng của bản thân anh.

Anh vẫn đang làm, tự mình âm thầm làm và không vội vàng gì. Anh không muốn nhắc đến những việc làm của mình vì anh thấy chưa có gì đáng kể. Tất cả anh có bây giờ mới chỉ là sự bắt đầu và anh còn phải cố gắng nhiều cho con đường âm nhạc của mình trong tương lai.

Theo Mỹ Dung
Ngôi Sao