FranklinCovey: Sếp giỏi giữ người không bằng tiền mà bằng… trò chuyện
(Dân trí) - Thay vì mải miết săn tìm nhân tài hay chi mức lương khủng để mua lấy động lực từ những tài năng, lãnh đạo có thể tự mình làm việc đó chỉ với 0 đồng thông qua các cuộc trò chuyện.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường lao động Anphabe, trung bình một doanh nghiệp sẽ thất thoát khoảng 51% nhân tài sau một thời gian làm việc. Một thống kê cho thấy, trong năm 2018, tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên trong các doanh nghiệp là 20%, trong đó có tới 19% ra đi vì cảm thấy thiếu gắn kết với tổ chức.
Tại Việt Nam, cứ mỗi đầu năm, các công ty lại đau đầu về chuyện nhân viên "nhảy" việc. Nhiều doanh nghiệp dù bỏ ra bao nhiêu tiền vào khâu quản trị nhân sự, không tiếc tiền chi cho các bên "săn đầu người", nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan.
3 cuộc trò chuyện giúp lãnh đạo thu phục người tài
Trên thực tế, các bậc thầy về nhân sự cấp cao cho rằng doanh nghiệp không nhất thiết phải tốn nhiều tiền để giữ chân nhân viên. Michael Simpson - chuyên gia nhân sự có 30 năm kinh nghiệm, hay Roger Merill - nhà sáng lập trung tâm đào tạo lãnh đạo FranklinCovey với 50 năm kinh nghiệm đều cho hay, thay vì tiền lương, các lãnh đạo chỉ cần tập trung vào 3 cuộc trò chuyện khai phóng.
3 cuộc trò chuyện mà chuyên gia, tác giả từ FrankinCovey bàn đến trong cuốn sách "Kích hoạt tiềm năng" bao gồm: Cuộc trò chuyện về "tiếng nói", cuộc trò chuyện về "tính hiệu quả" và cuối cùng là cuộc trò chuyện về "sự khai thông".
Cuộc trò chuyện về "tiếng nói" giúp các thành viên xác định tài năng và sự đóng góp đặc trưng của mình. Theo đó, lãnh đạo giúp nhân viên cần làm rõ các câu hỏi: Nhu cầu của thị trường là gì? Niềm đam mê của tôi là gì? Lương tâm tôi nên làm gì? Tài năng, sở trường của tôi là gì? Những điều đó giao thoa lại với nhau tại nên "tiếng nói" - còn gọi là đặc trưng đóng góp của cá nhân đó với công ty.
Sau đó, cuộc trò chuyện về "tính hiệu quả" xác định vai trò của mỗi thành viên và thiết lập mục tiêu rõ ràng để có những đồng đội đáng tin cậy và một đội ngũ làm việc hiệu quả. Cuối cùng, cuộc trò chuyện về "sự khai thông" biến nhà quản lý thành nhà lãnh đạo có khả năng tháo gỡ chướng ngại trên đường để mỗi thành viên trong nhóm có thể hoàn thành vai trò mục tiêu đề ra.
2 nguyên tắc cơ bản của cuộc trò chuyện "kích hoạt tiềm năng" hiệu quả
Theo các tác giả, một trong những nguyên tắc đầu tiên để giúp cho các cuộc trò chuyện đạt hiệu quả là sự nhất quán, đều đặn của những cuộc đối thoại này.
"Sự tận tụy cao nhất sẽ xuất hiện ở các nhân viên thường xuyên giao tiếp với sếp của mình mỗi ngày. Có thể thông qua gọi điện, gặp gỡ trực tiếp hoặc liên lạc qua những phương tiện truyền thông khác", các chuyên gia nhân sự nhận định. Nhà quản lý xuất sắc không chỉ cho nhân viên biết những kỳ vọng của họ, áp đặt trọng trách nặng nề mà cần thường xuyên trò chuyện với nhân viên thay vì dành những lời phê bình cho cuộc họp đánh giá hiệu quả công việc diễn ra mỗi năm một lần.
Nguyên tắc thứ 2 chính là, lãnh đạo cần thật lòng quan tâm đến cấp dưới thay "cái tôi" của mình. Trong "Kích hoạt tiềm năng", các tác giả thuật lại trải nghiệm kinh hoàng của một nhân viên: "Tôi làm việc cho một người sếp luôn muốn kiểm soát mọi thứ. Nếu quyền lực là một chiếc bánh thì ông ta muốn có toàn bộ chiếc bánh đó cùng với món ăn kèm. Ông không cho phép tài năng xung quanh mình phát triển, không chấp nhận những sáng kiến, thử nghiệm mới vì sợ người khác lập được công trạng. Thời gian đó, mỗi ngày với chúng tôi đều mệt mỏi và chán chường vì phải luôn nghĩ ra nhiều cách khác nhau để làm việc có hiệu quả mà không cản trở con đường thăng tiến của sếp".
Ngược lại với vị sếp chỉ quan tâm đến "cái tôi" và quyền lực, nhà lãnh đạo tài ba không quá lo lắng về công trạng. Mà họ tập trung vào việc quan tâm đến người khác và cách truyền tải sự quan tâm đó, cũng như tạo ra cơ hội mới, phát triển những tài năng tương lai và đặc biệt là để lại di sản lãnh đạo.
Tóm lại, thay vì mải miết săn tìm nhân tài hay chi mức lương khủng để mua lấy động lực từ những tài năng, với "Kích hoạt tiềm năng", các lãnh đạo có thể tự mình làm việc đó chỉ với 0 đồng thông qua các cuộc trò chuyện cụ thể, từ đó giúp nhân viên khai phóng tối đa năng lực đồng thời gắn bó lâu dài với tổ chức.
Bốn tác giả của cuốn sách - Shawn Moon, Todd Davis, Michael Simpson, Roger Merrill - đều là chuyên gia cấp cao về cố vấn lãnh đạo và phát triển tài năng, từng chứng kiến cách những lãnh đạo tại hàng chục quốc gia khai phóng tiềm năng của cá nhân xung quanh họ. Phần lớn nội dung "Kích hoạt tiềm năng" được viết dựa trên kết quả của quá trình làm việc giữa 4 tác giả với hàng ngàn lãnh đạo trong 30 năm qua.
FranklinCovey là tổ chức toàn cầu, chuyên về đào tạo và phát triển lãnh đạo, kiến tạo văn hóa, triển khai chiến lược và thúc đẩy bán hàng cho các doanh nghiệp. Tính tới nay, FranklinCovey hoạt động tại hơn 160 quốc gia và tham gia kiến tạo đội ngũ lãnh đạo của gần 90% tập đoàn lớn nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Fortune.
Những cuốn sách khác từ FranklinCovey nhận được nhiều phản hồi tích cực gồm: 7 Thói quen của bạn trẻ thành đạt, Tư duy tối ưu, Lựa chọn tối ưu thứ 3, Thói quen thứ 8, Niềm tin thông minh…