Đức Tuấn: “Khán giả sẽ được tới Thiên Thai”

Những ngày này, Đức Tuấn đang “thường trú” ở Hà Nội, ráo riết tập luyện cùng dàn nhạc giao hưởng cho liveshow có quy mô lớn nhất trong sự nghiệp của mình, một chương trình hòa nhạc được kỳ vọng là “ở Việt Nam nhưng có đẳng cấp quốc tế”.

Đức Tuấn: “Khán giả sẽ được tới Thiên Thai” - 1

Thiên Thai của anh sắp mở màn tại TPHCM và Hà Nội, cho đến giờ, anh đã có thể tự tin đến mức nào về những gì mình đã đặt ra và kỳ vọng?
 
Khác với lần tổ chức Music of the night 2 năm trước, lần này, chúng tôi thử làm theo đúng quy trình một chương trình biểu diễn theo chuẩn quốc tế, từ việc tuyển chọn diễn viên, nhạc công tới tổ chức thiết kế sân khấu, soạn hòa âm… và hy vọng “chuẩn” này sẽ làm thỏa mãn khán giả cũng như tạo một bước tiến mới về tổ chức biểu diễn ở Việt Nam.
 
Anh có tham vọng lớn lao tới mức muốn làm thay đổi cách nghĩ cách làm đã thịnh hành từ lâu nay sao?
 
Đó không phải là tham vọng, mà là nỗ lực hết mình. Tôi nghĩ nghệ sĩ chân chính nào có khi có cơ hội thì đều muốn làm như vậy. Các biên đạo múa đến từ Anh đã giúp tôi chọn được những diễn viên múa phải nói là “lý tưởng” cho một chương trình có sự pha trộn cả chất dân gian Việt Nam lẫn cổ điển và hiện đại phương Tây như ở Thiên Thai. Họ đều còn rất trẻ và những gì họ làm được khiến tôi kinh ngạc, không thua kém các diễn viên múa ở Broadway hay West End mà tôi từng xem. Tôi hy vọng cách làm này sẽ trở nên phổ biến, điều đó sẽ giúp các nghệ sĩ có thêm nhiều cơ hội, đồng thời cũng luôn phải cố gắng.
 
Lần này ông Paul Bateman - giám đốc âm nhạc cho nữ danh ca Sarah Brightman, sẽ chỉ huy dàn nhạc trình tấu cả các bài hát Việt Nam , mà nhiều bài trong đó đã được khán giả thuộc nằm lòng. Các anh sẽ dung hòa làm sao được tính Việt Nam với các suy nghĩ của người phương Tây?
 
Đây sẽ là điều hấp dẫn nhất của chương trình. Tôi đã chọn các bài hát của ba nhạc sĩ luôn được ca ngợi là những “đại thụ” của nền tân nhạc Việt Nam: Văn Cao - Phạm Duy - Trịnh Công Sơn. Đó là những tác phẩm đã trở thành kinh điển, và thú vị hơn nữa là đều chất chứa nhiều kịch tính, mỗi bài hát giống như một câu chuyện mà người hát khi phải độc thoại như Tình ca, Tình hoài hương, khi lại phải đóng nhiều vai Áo anh sứt chỉ đường tà, Đóa hoa vô thường, Thiên Thai, Trương Chi… . Khi chuyển các bài hát Việt Nam cho ông Paul Bateman, tôi đã dịch nghĩa các bài hát và trao đổi với ông về cái mà người Việt Nam hiểu về những bài hát này, và khi nhận được những bản hòa âm của ông, tôi vô cùng cảm động khi thấy ông đã truyền tải được hầu như trọn vẹn tinh thần âm nhạc của các bài hát ấy. Tôi tin là khán giả sẽ vô cùng thích thú khi nghe những bài hát quen thuộc được vang lên trên một nền hòa âm hoàn toàn mới lạ. Tất nhiên, nhiệm vụ “kể chuyện” của tôi cũng vì thế mà nặng hơn rất nhiều. Nhưng không sao, tôi luôn là người thích thử thách!
 
Ngay lúc này, khi Thiên Thai sắp mở màn, anh đã nghĩ tới những gì “hậu Thiên Thai” chưa? Vì anh luôn được biết đến là người tỉnh táo và tính toán rất kỹ cho con đường của mình mà?
 
Việc quan trọng nhất của tôi lúc này là đưa khán giả của mình tới được Thiên thai và chìm đắm trong không gian âm nhạc tuyệt vời ấy. Còn sau đó, việc “trần hoàn” thế nào sẽ được thông báo sớm nhất.
 
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này và chúc Thiên Thai của anh thành công tốt đẹp.
 
Xem thêm thông tin tại http://www.facebook.com/paradisoconcert