Đọc gì trong đại dịch?

Thảo Thảo

(Dân trí) - Nghe thì… kỳ khôi, nhưng giữa những ngày đại dịch, ngoài khẩu trang, nước rửa tay, điều ta cần cầm trên tay là một cuốn sách để có thể xoa dịu tâm hồn.

"Có quá nhiều sự hỗn loạn trong thế giới ngay bây giờ và việc đọc sách là một kiểu thiền định - Mitchell Kaplan, chủ một tiệm sách độc lập ở Miami, Mỹ, nói - Khi đọc sách, bạn ngắt kết nối khỏi những hỗn loạn quanh mình, trở về với bản thân. Và rồi không còn sự hỗn loạn nào nữa".

Chỉ trong chốc lát, sách có thể cuốn ta khỏi thực tại đầy âu lo, đưa ta ra thế giới bao la bên ngoài và kết nối với người khác, bù đắp cho cảm giác tù túng, cô đơn những ngày giãn cách. Không ngạc nhiên, trong năm 2020, khi nước Mỹ khốn đốn với Covid-19, doanh thu ngành sách nước này lại tăng hơn 17% so với năm 2019 (theo Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ).

Nhưng, nên đọc sách gì trong đại dịch? Dưới đây là gợi ý 5 dòng sách thiết thực cho bạn mùa Covid này.

1. Sách thiền

Sẽ tốt hơn nếu giữa những lo âu cần thiết, mỗi ngày, ta dành chút thời gian để ngồi yên lặng với chính mình, cho tâm trí được thả lỏng, từ đó tĩnh tâm, nhìn mọi chuyện thấu suốt hơn.

"Đường về tỉnh thức" cung cấp những hiểu biết khoa học rạch ròi về chánh niệm, đến từ tiến sĩ Tamara Russell - nhà khoa học thần kinh, chuyên gia tâm lý lâm sàng, giám đốc The Mindfulness Centre of Excellence ở London, Anh. Sách hướng dẫn cách thực hành chánh niệm, với lời hứa hẹn về hiệu quả: "Những mối quan hệ của chúng ta trở nên sâu sắc hơn, chúng ta trở nên sáng tạo hơn, kết nối tốt hơn với thế giới và với từng khoảnh khắc vốn làm cho cuộc sống thật sự ý nghĩa".

Đọc gì trong đại dịch? - 1

Ngoài ra, những tác phẩm của Eckhart Tolle cũng rất đáng cân nhắc. Là một trong những tên tuổi nổi bật nhất trong lĩnh vực tâm linh, Eckhart Tolle có biệt tài viết về sự tĩnh lặng nội tâm vừa thông tuệ, vừa dễ hiểu. Riêng cuốn "Sức mạnh của hiện tại" của ông đã được The New York Times bình chọn là một trong những cuốn sách bán chạy nhất, thiết thực cho cuộc sống tinh thần của con người trong thời đại mới. Sách đã được dịch ra gần 40 ngôn ngữ, với lượng phát hành đáng nể (3 triệu bản ở Bắc Mỹ, số liệu năm 2009).

Đọc gì trong đại dịch? - 2

2. Sách truyền "vitamin tích cực"

Để xả stress, cân bằng tâm lý, trong giai đoạn này, bạn nên thử tìm đọc những cuốn sách hài hước, ấm áp về cuộc sống.

Người viết gợi ý tác giả người Mỹ Robert Fulghum cùng 3 tác phẩm đã được xuất bản tại Việt Nam: "Trường mẫu giáo uyên thâm" (lọt top bán chạy của The New York Times); "Góc nhìn người thông thái" và "Có thể có, có thể không".

Đọc gì trong đại dịch? - 3

Robert Fulghum viết những mẩu chuyện ngắn, thuật lại trải nghiệm và suy nghĩ của bản thân, theo phong cách nửa hiện thực, nửa hư cấu, nửa nghiêm túc, nửa hài hước. Độc giả sẽ bật cười thích thú khi đọc văn ông, thấy cuộc sống hiện lên đẹp đẽ như ánh nắng chiều, nhưng cũng đọng lại đâu đó cái dư vị đăng đắng của "những thương tổn, đau khổ mà cuộc đời đã gây ra".

Đọc gì trong đại dịch? - 4

Dù sao, chất văn hài hước và ấm áp khiến đọc sách Robert Fulghum luôn là một trải nghiệm ngọt ngào. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy áp lực hay cô đơn, hãy thử giở ngẫu nhiên một trang trong sách của Robert Fulghum và đọc một truyện, chúng có thể xoa dịu trái tim bạn, nhắc bạn về những vẻ đẹp vĩnh cửu nơi cuộc đời này.

3. Sách giúp vượt qua nghịch cảnh

Trong "Đi tìm lẽ sống" (Man's search for meaning), nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần người Áo Viktor Frankl viết về khoảng thời gian nghiệt ngã ông trải qua ở trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã. Sách đã được dịch sang gần 30 ngôn ngữ khác nhau, bán ra hơn chục triệu bản trên toàn thế giới.

Cuốn sách, trước tiên là câu chuyện về sinh tồn, kể về những giây phút khốn cùng của thể xác và tâm lý trong trại tập trung. "Một ngàn rưỡi người bị giam trong một khu được xây dựng có sức chứa tối đa khoảng hai trăm người. Chúng tôi lạnh và đói. Không đủ chỗ cho mỗi người ngồi trên nền đất trống, nói chi đến ngả lưng. Khẩu phần ăn của chúng tôi trong suốt bốn ngày chỉ là một mẩu bánh mì ít ỏi", tác giả viết.

Đọc gì trong đại dịch? - 5

Nhưng "Đi tìm lẽ sống" còn là nguồn sức mạnh, giúp Viktor Frankl xuyên qua hoàn cảnh đó. Viktor nhắc lại lời triết gia Đức Nietzsche: "Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh". Phần sau của sách viết về "liệu pháp ý nghĩa" giúp mỗi người nhận ra ý nghĩa trong sự tồn tại, một lý do để tiếp tục sống. Victor Frankl chỉ ra 3 con đường mà qua đó con người đạt được ý nghĩa sống: Một là làm việc, hai là trải nghiệm tình yêu thương, ba là vượt lên số phận và thay đổi bản thân.

Việc đi tìm cho mình một lý do sống, một sự kết nối với cuộc đời, suy cho cùng là điều nên làm trong mọi giai đoạn, chứ không chỉ là trong thời dịch bệnh. Ngoài "Đi tìm lẽ sống", cuốn "Thức tỉnh mục đích sống" (Eckhart Tolle) cũng đưa ra một góc nhìn khác về chủ đề này.

4. Sách làm giàu, phát triển sự nghiệp

Đại dịch đẩy nhiều người vào cảnh kiệt quệ kinh tế. Những ai ôm mộng "hồi sinh" kinh tế sau khi cuộc sống trở lại bình thường rất cần những cuốn sách về quản lý, cải thiện tài chính cá nhân, làm giàu.

Những tác phẩm của Napoleon Hill: "Nghĩ giàu và làm giàu", "Đường đến thành công", "Để thế giới biết bạn là ai", "Những nguyên tắc vàng của Napoleon Hill"… sẽ giúp bạn vạch lộ trình đi đến thành công. Hill là người viết về sự thành công nổi danh nhất lịch sử, được gọi là "người tạo nên những triệu phú", người từng phỏng vấn Thomas Edison, Henry Ford… Những chia sẻ của Napoleon Hill tuy ra đời từ rất lâu nhưng vẫn cốt yếu, tối quan trọng cho bất cứ ai muốn gầy dựng một sự nghiệp vững chắc sau đại dịch.

Đọc gì trong đại dịch? - 6

Bên cạnh đó, "Bí mật tư duy triệu phú" (T. Harv Eker) và "Người giàu có nhất thành Babylon" (George Samuel Clason) là hai ấn phẩm kinh điển khác mà bạn nên cân nhắc.

5. "Tử tế đáng giá bao nhiêu?", "Sức mạnh của sự tự tế" và những tựa sách giúp đời

Cuối cùng, nếu bạn vẫn có thể chọn sách để đọc trong những ngày này, đây hẳn đã là một may mắn lớn. Đại dịch đã cho bạn thấy nhiều mảnh đời khó khăn, đó là: Những lao động thời vụ, lao động vỉa hè "ráo mồ hôi là hết tiền", những bà con đang sống lay lắt, thiếu ăn trong các ngõ hẻm ở Sài Gòn…

Đọc gì trong đại dịch? - 7

"Thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối, hãy thắp lên một ngọn nến". Xã hội luôn cần nhiều hơn những cá nhân hành động để tác động tích cực lên cuộc sống của người khác. Để lòng trắc ẩn thêm phần thiết thực, bạn hãy thử đọc "Tử tế đáng giá bao nhiêu?" (Bernadette Russell), "Sức mạnh của sự tử tế" (Jack Canfield, Mark Victor Hansen). Những câu chuyện, chia sẻ bình dị về lòng tử tế xuất phát từ trái tim, sẽ giúp bạn có thêm động lực, kiến thức làm điều tốt cho người khác.

Đọc gì trong đại dịch? - 8

Còn với những người đọc muốn có cái nhìn vĩ mô hơn về đại dịch, thiên tai và tác động tích cực có thể có từ một cá nhân lên xã hội, hãy thử đọc "Muôn kiếp nhân sinh" (phần 1 và 2) để có những câu trả lời cho riêng mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm