Diễn viên Hồng Sơn: dứt rồi cơn nghiện!

Nhớ lại ngày đầu tiên khi bước vào trung tâm cai nghiện, biết bao con mắt nhìn anh. Ngỡ ngàng có, đồng cảm có. Một cậu thanh niên khi giáp mặt anh đã bật ra rằng "chú vào đây ở để đóng phim cho thật ạ". Một câu nói bình thường mà anh đau lắm.

Sự vắng bóng của anh trên màn ảnh lâu nay khiến nhiều người yêu quý thấy nhớ. Họ đặt ra nhiều câu hỏi: Phải chăng sau vai diễn ông chồng bị cắm sừng trong phim Người Hà Nội anh đã giải nghệ? Người khác lại lý giải có lẽ anh chuyển sang kinh doanh để kiếm tiền nhiều hơn.

 

Dù tự đưa ra lý do nào để viện dẫn cho sự vắng bóng này thì mọi người vẫn thấy tiếc. Tiếc cái anh chàng diễn viên đã từng đoạt giải nam diễn viên xuất sắc trong Người đàn bà nghịch cát, tiếc những dấu ấn anh đã để lại qua những nhân vật có nhiều u uẩn trong cuộc đời. Một buổi chiều giáp Tết Ất Dậu, tôi đã ngồi cùng anh trong quán cà phê Bằng Lăng cuối phố Thợ Nhuộm, một con phố nhỏ nổi tiếng bởi loài hoa tím đến ngơ ngắt lòng để nghe anh bộc lộ mình khi anh đang trong cái say lâng lâng của bia Heineken.

 

Tôi đã vào đề bằng một câu rất vô vị, anh bảo vậy bởi anh đã nghe hỏi như vậy đến hàng trăm lần. Có lúc anh tự hỏi, hay trong giáo trình đào tạo báo chí người ta đưa ra cái môtíp như vậy? Hoặc giả do các cô phóng viên trẻ măng, nhìn đời qua trang sách cộng một chút vốn liếng èo uột từ cái cuộc đời chưa mấy trải nghiệm chỉ biết hỏi có vậy. Tôi không tự ái vì những câu nghe có vẻ hơi nặng nề anh dành cho các bạn đồng nghiệp cùng trang lứa và cả mình. Tôi im lặng lắng nghe anh vì tôi biết mỗi khi trút giận, người ta phải có một lý do gì đấy. Trước mặt tôi lúc này không chỉ là một nam diễn viên nổi tiếng mà đấy còn là một người đàn ông xấp xỉ ngũ tuần với khuôn mặt đầy những nếp nhăn.

 

"Em có biết tôi đã từng làm những gì không?", tôi gật đầu rồi lại lắc đầu. "Em biết tôi là một diễn viên, đương nhiên. Em cũng biết tôi từng là một tỷ phú ở cái đất Hà Nội những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước chứ. Và hôm nay, em cũng biết tôi là một thằng đàn ông trắng tay đang ngồi cùng em với gương mặt nhầu nhĩ. Nhưng đấy chỉ là những cái bề nổi mà người ta biết về tôi thôi". Nghe anh nói, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi tôi đâu có biết nhiều về anh đến thế (tôi dám chắc cũng nhiều người như vậy). Những cốc bia màu vàng óng là tác nhân kích thích anh nói hay vẻ khờ khạo của tôi khiến anh phải nói. Có khi cả hai. Cùng với sự trôi đi của thời gian, độ ngấm của bia, những lời nói đó cho tôi biết tại sao trong giờ khắc của buổi chiều tà anh lại bực mình với những câu hỏi sách vở, vô vị như vậy.

 

Anh đã từng chuẩn bị cái chết cho mình. 2 triệu đồng là số tiền cuối cùng anh gom góp được của một cuộc đời mà những ngày tháng "lên voi" tưởng như bất tận để chuẩn bị cho sự ra đi khỏi thế gian. Anh thuê một căn phòng trong thế giới nhà nghỉ ở dưới Giáp Bát và chuẩn bị mọi thứ cần thiết một cách chu đáo. Hương, hoa quả, làm thủ tục tẩy trần. Và một thứ quan trọng không thể thiếu - 2 phân hêrôin. Đời anh đã "bết" vì nó, nay anh cũng sẽ dùng nó để ra đi. Đó là sự lựa chọn xứng đáng.

 

Không chọn giờ để "đi" nhưng anh biết, nếu bơm 2 phân thuốc vào tĩnh mạch thì cũng đồng nghĩa thời khắc đấy sẽ từ giã cõi đời. Anh đã làm cái việc tự tước đi sinh mạng của mình, tự đón chờ thần chết, nhưng hôm nay anh vẫn ngồi đây với tôi. Điều kỳ diệu đã xảy ra sao? Anh bảo rằng chỉ chích một phần số thuốc ấy thôi cũng đủ "sốc" mà chết rồi. Thế tại sao anh lại...? "Tôi đã rơi vào trạng thái mơ màng, tôi thấy ông bà tổ tiên về đón. Rồi tôi thiếp đi". Ai đã đánh thức anh dậy giữa bốn bức tường trơ trơ? Không ai cả. Anh đã tự tỉnh dậy sau 2 ngày, 2 đêm. Tử thần đã hất anh ra sau 48 giờ thử thách!

 

Anh trở về như một kẻ mất hồn. Đứa con gái duy nhất, tình yêu thương và bổn phận người cha khiến anh nghe lời nó. Con gái chở bố vượt 60km đến Trung tâm cai nghiện ở Ba Vì. Cứ nghĩ chỉ ở lại đó 6 tháng đến một năm là cùng nhưng hai năm sau anh mới trở về. Nhưng trở về không có nghĩa là trở lại như trước. Giam mình một năm trong căn nhà trọ tồi tàn ở xóm bãi, anh mới có phần nào tự tin để bước ra đường.

 

Với những người bình thường thì đi ra đường đâu có gì đặc biệt. Nó cũng là một nhu cầu như ăn cơm, uống nước hàng ngày. Thế nhưng với anh đó là một bước ngoặt. Ngày đầu tiên bước chân vào trung tâm cai nghiện, anh cắt cơn trong sự im lặng đến ghê người. Không vật vã, không kêu gào. Anh nằm im. Đầu óc trống rỗng. 3 ngày sau lật mình ngồi dậy đón ánh nắng ban mai. Ai cũng bảo anh cai gan. Mà đúng là gan thật, anh đã chứng kiến cảnh nhiều người cắt cơn vật vã, đau đớn, có người còn đâm đầu vào tường, la hét om xòm. Sự im lặng của anh là cả một nỗ lực chứ chẳng phải trời cho anh không phải "vật".

 

Anh bảo rằng, chỉ những người có tuổi mới đủ sức chịu đựng, mới đủ can trường để làm được như vậy. Những ngày sau đó, ma tuý vẫn lởn vởn trong đầu, nó vẫn là cái anh nhớ nhung nhất. Nhưng rồi kỷ luật, nguyên tắc, lao động đã làm xa dần khoảng cách chết người đó.

 

Ở trung tâm, sở trường của anh được phát huy nhằm cải thiện đời sống văn hoá, văn nghệ cho anh em học viên. Anh là người viết kịch, đạo diễn kiêm diễn viên. Vở diễn Đồng đội đã đem về cho trung tâm giải nhất trong cuộc thi văn nghệ do Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức. Trong vở có đề cập tình bạn của hai người lính. Một người bị thương, mỗi lần vết thương trở chứng, anh lại dùng ma tuý và nghiện lúc nào không hay.

 

Thương bạn, người lính kia đã kiên trì giúp bạn cai nghiện và thành công đã đến với cả hai. Những hoạt động đoàn thể đã cuốn hút anh, tình cảm của cán bộ, của học viên trong trung tâm đã níu chân anh ở lại hai năm liền. Đó là khoảng thời gian chỉ bằng những ngày tháng anh dần đánh mất mình nhưng nó thật có ý nghĩa.

 

 

Theo Cao Hồng

Công An Nhân Dân