Điện ảnh Việt năm 2011 - Vận đen hay bi kịch?
(Dân trí) - Vụ bê bối thất thoát tiền khiến lãnh đạo Cục Điện ảnh phải từ chức đã trở thành “giọt nước làm tràn ly” khiến nền điện ảnh Việt vốn đã khó khăn nay lại càng… “vật vã”. Việc tìm ra một lối thoát giống như tìm… “trăng nơi đáy giếng”.
“Đời cát”
Những khó khăn của điện ảnh Việt Nam vẫn được báo chí “kể lể” trong suốt 10 năm qua. Từ việc “vật vã” bán vé, “vật vã” mưu sinh, đến việc bị phim ngoại chèn ép. Từ việc đạo diễn đi xin tiền làm phim đến việc “nhảm nhí hóa” nội dung để câu khách, từ việc cả năm “ngồi chơi xơi nước” đợi Tết để “tung” phim đến chuyện cứ mỗi phim ra mắt lại bị giới phê bình “đánh cho tơi tả” vì chất lượng. Từ chuyện diễn viên đóng ngây ngô đến chuyện kịch bản xào xáo… Nếu ngồi kể cho hết những bi kịch của nền điện ảnh đương đại có thể sẽ bị phàn nàn, “Biết rồi. Khổ lắm! Nói mãi”.
Nghèo khổ, vật vã như “đời cát”, nhưng điện ảnh Việt lại có rất nhiều tiền để thất thoát. Gần 40 tỷ biến mất cùng người kế toán viên của Cục Điện ảnh chỉ là con số bề nổi. Còn những con số bề chìm khác cũng gồm rất nhiều tỷ. Đó là tiền sản xuất ra những bộ phim xếp kho. Là tiền sản xuất cho những bộ phim ế khách. Là tiền tổ chức những liên hoan phim tẻ ngắt. Là tiền giải thưởng trao cho những cá nhân, cho những bộ phim không xứng đáng tại các kỳ liên hoan phim…! Còn rất nhiều tỷ khác thất thoát mà chúng ta không được biết một cách công khai như con số gần 40 tỷ kia.
“Trăng nơi đáy giếng”
Nếu có một tín hiệu vui trong đống tro tàn ấy, có lẽ đó là sự đoàn kết, sự lạc quan của những người làm điện ảnh tại liên hoan phim lần thứ 17. Lần đầu tiên trên sân khấu một kỳ liên hoan phim, người hâm mộ được tận mắt nhìn lại đội ngũ nghệ sỹ hùng hậu của lịch sử điện ảnh nước nhà. Hình ảnh dòng sông điện ảnh chảy dài suốt lịch sử, vượt qua những năm tháng chiến tranh hào hùng, vượt qua khó khăn đương đại để vươn ra biển lớn đã trở thành hình ảnh đầy ấn tượng, đầy hứa hẹn với người hâm mộ. Khán giả đã hy vọng sẽ nhìn thấy bước chuyển mình, vươn dậy của điện ảnh.
Giải thích cho giải thưởng Sen Bạc dành cho Vũ điệu đam mê, đạo diễn Lưu Trọng Ninh - trưởng ban giám khảo hạng mục phim truyện nhựa có nói rằng, “Tâm hồn mẹ hay nhưng đề tài đã cũ…” và rằng, “BGK nhìn thấy ở Vũ điệu đam mê những yếu tố mới cho dù có thể giống ở đâu đó”. Xin hỏi, nếu “đã giống ở đâu đó”, liệu có thể xem là mới được không? Đạo diễn Trương Nghệ Mưu từng trả lời phỏng vấn khi ông bắt tay vào làm phim kiếm hiệp Anh hùng (Hero) rằng: “Mới nhất trong điện ảnh là cái nhìn của đạo diễn”. Năm ấy, bộ phim Anh hùng của ông được đánh giá cao, cho dù rõ ràng, đề tài của phim ấy không mới!
LHP 17 được tổ chức quy mô, hoành tráng với mong muốn điện ảnh có thể lấy lại niềm tin với công chúng, lấy lại niềm tin với những nghệ sỹ yêu nghề. Tuy nhiên, với cách thức chấm giải ấy, việc lấy lại được niềm tin vẫn còn là chuyện… “tìm trăng nơi đáy giếng”.
“Bao giờ cho đến tháng 10”
Tại sao khi điện ảnh còn khó khăn, thiếu thốn, “vật vã” hơn bây giờ, NSND Đặng Nhật Minh lại có Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê, Cô gái trên sông…?
Giữa cơ chế thị trường đề cao lợi nhuận, giữa lối làm ăn mùa vụ nhỏ lẻ, giữa những kịch bản phim dù giống ở đâu đó vẫn đoạt Bông Sen Bạc, giữa những vụ bê bối ầm ĩ… giữa "cánh đồng bất tận" ấy, điện ảnh đương đại sẽ đi đâu, về đâu?
Hiền Hương