Lưu Hiểu Khánh: Từ minh tinh màn bạc trở thành nhà tỷ phú

Điện ảnh vẫn chảy trong tim tôi (kỳ 4)

“Chao ôi! Điện ảnh là người yêu tuyệt đại phong hoa của chúng ta. Chẳng có sự nghiệp nào vừa ngọt ngào vừa đắng cay tuyệt đối và cực đoan như nó…”, nữ minh tinh điện ảnh Trung Quốc Lưu Hiểu Khánh thốt lên như vậy khi nghĩ môn nghệ thuật đã gắn liền với những thăng trầm trong cuộc đời chị.

Dấn thân vào thương trường

 

Vốn việc đóng phim và kinh doanh là hai con đường khác nhau. Nghệ thuật có tư duy tình cảm. Kinh doanh có tư duy lý tính. Nghệ thuật cần sáng tạo. Kinh doanh cần kinh nghiệm. Nói chung nhà nghệ thuật càng thành công thì càng không thể trở thành một nhà doanh nghiệp giỏi nhưng rồi tôi cũng dấn thân trọn vẹn.

 

Lúc đó, tôi buôn bán nhà đất… thật oanh liệt. Tôi còn sáng lập Tổng Công ty phát triển thực nghiệp Lưu Hiểu Khánh và ủy nhiệm cho người em rể làm tổng giám đốc.

 

Công ty của tôi từ nhỏ dần trở thành tập đoàn lớn có đến trên 1000 người làm việc. Phạm vi của tập đoàn vượt qua lĩnh vực buôn bán nhà đất mà kinh doanh thức uống, túi xách, phục trang và hóa mỹ phẩm. Các hàng hóa đều với tên hiệu Hiểu Khánh.

 

Đồng thời chúng tôi còn làm mậu dịch xuất nhập khẩu. Công ty của tôi có mặt ở khắp nơi, từ Tứ Xuyên, Thượng Hải, Côn Minh cho đến Yên Đài - Sơn Đông. Lúc đó tôi có 26 nhà. Số xí nghiệp còn hơn thế.

 

Tôi dùng nhiều phương pháp tích vốn, thu hút vốn từ nước ngoài, hợp tác với các tập đoàn có kinh nghiệm, có thực lực trong và ngoài nước, vay vốn ngân hàng. Trong kinh doanh tôi dựa vào nguyên tắc “không để hết tất cả trứng gà vào một giỏ” và cuối cùng tôi cho trứng vào gần 30 cái giỏ.

 

Tôi đi lại bôn ba. Bay cả ngày trên trời quan sát thương trường các nơi trong toàn quốc. Tôi bận rộn đến nỗi các nhân viên bảo “bà chủ như chiếc thuyền phá băng”. Tôi thì thấy mình giống đội cứu hỏa.

 

Điện ảnh vẫn chảy trong tim tôi

 

Rồi một hôm có người khách đến. Tôi cứ ngỡ anh ta đến về việc buôn bán. Hàn huyên một lúc mới rõ là anh ta đến để mời tôi đóng vai Võ Tắc Thiên. Anh ta là Lưu Đại Ấn, người chế tác, phát hành bộ phim này.

 

Tôi cười lặng một lát, nhẹ nhàng hỏi: “Anh có biết tôi đã không muốn quay phim nữa không?”. Sự thực 5 năm rồi, tôi chưa có vai trên màn ảnh. Tôi lại hỏi: “Anh trù tính bộ phim này phải bỏ ra bao nhiêu tiền?”. Lưu Đại Ấn bảo sẽ làm phim truyền hình ba mươi tập, sơ bộ bỏ ra bốn trăm vạn. Tôi cười ngất: “Số tiền đó cho mình tôi cũng không đủ. Anh có trả được cát-xê cho tôi không?”.

 

Anh Lưu thận trọng bảo: “Có lẽ không nổi đâu nhưng ngoài chị ra không ai làm được. Tôi tin rằng chị sẽ không bỏ qua cơ hội này… Vai này chỉ có chị gánh được”. Cuối cùng, phải sửa đi, sửa lại kịch bản mấy lần cho hợp thần thái của Võ Tắc Thiên trong tôi, tôi mới bắt tay vào việc. Thế là, tôi lại son phấn lên sân khấu, quyết hiến dâng tâm huyết.

 

2 ngày sau khi ký hợp đồng với Lưu Đại Ấn, có một công ty ở Hương Cảng lật đật đến Bắc Kinh yêu cầu tôi đóng vai Võ Tắc Thiên trong hai tập phim nhựa có tên là Võ Tắc Thiên. Khách yêu cầu tôi một cách mãnh liệt và trả tiền cát-xê 300 vạn đồng, đến lúc phim phát hành, còn được chia thêm tiền.

 

Tôi đã bị dao động, đương nhiên là 300 vạn đồng hơn hẳn so với không được thù lao. Nhưng rồi khi nhìn sắc mặt của đạo diễn Lưu, bệnh ân hận lại quay trở về với tôi. Ngược lại với Tào Tháo “thà phụ người chứ không để người phụ mình”, tôi thì “thà để người phụ mình chứ không phụ người”. 

 

Lưu Đại Ấn nói, nếu tôi không diễn thì anh ta không quay phim Võ Tắc Thiên này. Chỉ cần tôi diễn thì anh ta sẽ tự nguyện làm người gác cổng cho công ty tôi ba năm không lấy tiền công. Đến thế thì làm sao mà “phụ người” đây.

 

Tôi nghĩ lại, chừng cách đây khoảng mười năm, trong cuộc họp với những người thành đạt tại Hương Cảng có người đã bảo với tôi, bí quyết của sự thành công là: “Sinh mệnh thứ nhất, tín nhiệm và vinh dự là thứ hai”.

 

Đến lúc làm doanh nghiệp tôi lại thấy tín nhiệm và vinh dự là thứ nhất, sinh mệnh chiếm thứ hai. Hai câu nói này đã dẫn tôi đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong buôn bán, tôi nói một là một, hai là hai. Tôi là người thực hiện câu nói: “Người quân tử nhận tiền tài qua đạo”. Từ một minh tinh màn bạc nhảy sang kinh doanh, tôi phải dựa vào tín nhiệm. Nhờ thế, tôi và công ty của tôi được vinh dự với khắp thiên hạ. 

 

Bộ phim Võ Tắc Thiên được quay đúng thời gian quy định. Cùng lúc đó các hóa mỹ phẩm nhãn hiệu “Hiểu Khánh” cũng được tung ra thị trường khắp nước, cùng với đồ uống và các loại sản phẩm khác. Có lúc tôi phải vừa đóng phim, vừa tranh thủ ký mọi giấy tờ ngay trường quay.

 

Trong những giờ phút đóng phim, tôi hòa mình vào nhân vật, theo Vũ Mỵ Nương từ khi còn nhỏ, trở thành “tài nhân” rồi “chiêu nghi”, “hoàng hậu”, làm mẹ và ngồi lên bệ hoàng đế. Tôi ngồi trên bệ ngọc rực rỡ vàng son, già nua tàn tạ đi… Vĩ đại nhưng bi thảm lạnh lùng.

 

Trong cái mặt nạ chất dẻo là linh hồn của một Võ Tắc Thiên nhợt nhạt và cô đơn. Tôi đã tan biến vào thời gian và không gian của Võ Tắc Thiên. Tôi thể nghiệm toàn bộ con người Võ Tắc Thiên. Trong tôi có sinh mệnh của bà. Tôi cảm thụ đại hỷ, đại nộ, đại bi, đại ái của bà như thể tôi được sinh ra một lần nữa.

 

Vĩ Thanh

 

Viết xong cuốn sách này, tôi mới phát hiện ra rằng cuộc đời của tôi là do nhiều khúc gian nguy, nhiều tai họa mà tạo nên. Một lần nữa, tôi lại thể nghiệm, lại nhớ lại tất cả những ác mộng nặng nề đã làm cho tôi tàn héo cả tâm và lực.

 

Tính lại tôi cũng là một thân phận. Dù rằng không phải là cái thân phận mà tôi thiết kế trước. Biết đâu mà lường tới vận mệnh. Với tôi chưa bao giờ có miếng mồi ngon từ trên trời rơi xuống. Mỗi thành công nhỏ đều phải đấu tranh với nhiều nỗi gian khổ mới có được. Mỗi chút tài phú đều do tự tay mình mang lại.

 

Trời đầy sao lấp lánh. Tôi chọn một vì sao thuộc về tôi và biết rõ vị trí của nó.

 

Kỳ 1: Điện ảnh - Sự nghiệp tàn khốc

 

Kỳ 2: Bi kịch hôn nhân

 

Kỳ 3: Khát khao chân tình

 

Theo Mạnh Minh

Sài Gòn Giải Phóng