Đến lượt Châu Á tấn công show truyền hình Việt

(Dân trí) - Điều nhận thấy những chương trình có phiên bản từ các nước này dễ dàng ăn khách ngoài sự tương đồng về một số nét văn hóa thì việc họ dùng các ngôi sao nổi tiếng trong các lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, thời trang… vào chương trình để tạo sức hút.

Gameshow hay Truyền hình thực tế (THTT) ngoại không còn xa lạ với khán giả truyền hình Việt trong khoảng hơn chục năm trở lại đây. Đặc biệt với các phiên bản truyền hình nổi tiếng thế giới được du nhập từ Anh, Mỹ hay một số nước châu âu. Tuy nhiên trong thời điểm 3-4 năm trở lại đây những show truyền hình Châu Á bắt đầu gây chú ý và ngày càng được các nhà sản xuất “nhập khẩu” nhiều hơn trên các kênh sóng truyền hình.

Nhiều món ăn mới

Giữa một rừng các chương trình gameshow và THTT phiên bản ngoại đặc biệt là được mua từ các nước phương tây vẫn đang gây sốt và “tung hoành” trên các kênh sóng của truyền hình Việt. Thì việc có thêm các món ăn lạ từ các phiên bản đến từ các nước châu á như Nhật Bản và Hàn Quốc đang gây chú ý và khá nhiều trong đó tạo được tiếng vang.

Đến lượt Châu Á tấn công show truyền hình Việt

Đầu tiên phải kể đến “Bố ơi mình đi đâu thế” được mua bản quyền từ show truyền hình thực tế "Dad! Where Are We Going?" của đài MBC Hàn Quốc. Ngay tại bản địa nước này khi phát sóng nó đã thực sự gây cơn sốt lớn với khán giả truyền hình,  không chỉ gói gọn trong nội bộ nước này mà nó tạo sức hút ra rất nhiều nước châu á khác. Và sau Trung Quốc thì Việt Nam là nước thứ hai có được bản quyền và tham gia sản xuất. Có lẽ chính sự tương đồng trong nét văn hóa của các nước châu á về giáo dục, phong cảnh và ẩm thực… ngay lập tức chương trình tạo được tiếng vang trong cộng đồng khán giả Việt.

Các cặp bố con của MC Phan Anh, đạo diễn Trần Lực, ca sĩ Hoàng Bách, nhạc sĩ Minh Khang qua việc thể hiện sự chân thực và đáng yêu của mình họ nhận được rất nhiều sự yêu mến của các bà nội trợ, các em nhí, và cả khán giả trẻ. Thậm chí cậu bé Trần Bờm con trai của đạo diễn Trần Lực với sự tinh nghịch và đáng yêu của mình được ví như “sao” nhí sau khi chương trình kết thúc. Và đặc biệt chưa một chương trình THTT nào tại Việt Nam mà sau khi mùa một kết thúc tập cuối cùng thì tiếp tục mùa hai lên sóng ngay lập tức mặc dù không được phát sóng vào những khung giờ vàng buổi tối.

Tiếp nữa đang lên sóng là một chương trình gameshow vận động có quy mô lownsn được mua từ Nhật Bản “Sasuke- Không giới hạn”. Đây là chương trình cũng rất nổi tiếng tại Nhật thiên về sức mạnh cơ bắp và sự dẻo dai bền bỉ của các chàng trai. Không chỉ nổi tiếng trong nước mà chính tại Mĩ quốc gia có nền kinh tế cũng như công nghệ truyền hình phát triển bậc nhất thế giới cũng phải mua bản quyền sản xuất lại và cũng rất thành công với phiên bản “ American Ninja Warrior”. Mới chỉ phát sóng được vài số nhưng với mức độ đầu tư hoành tráng hơn 16 tỷ đồng xây dựng sân thi đấu trên khoảng đất hơn 20.000m2 và giải thưởng cho người thắng cuộc lên đến 800 triệu đồng. Rõ ràng mức độ quan tâm của nhà sản xuất khi họ đánh giá sự thành công lớn của chương trình, và khán giả hâm mộ cũng đang dần chú ý rất nhiều vào chương trình.

Một loạt chương trình đã và đang diễn ra như “Ngôi sao Việt” được sản xuất từ phiên bản cuộc thi tìm kiếm ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc, K-Pop Star Hunt, chương trình “Người đi xuyên tường” từ phiên bản gốc của Nhật, “Tìm kiếm tài năng châu á”, “Người mẫu châu á”… và chuẩn bị lên sóng “Ông hoàng hạnh phúc” được làm từ phiên bản Hàn Quốc “Thiên đường ẩm thực”, chưa kể “Running man” cũng “xuất sứ” từ Hàn Quốc đang trong kế hoạch của các nhà sản xuất Việt. Và còn kha khá các chương trình đang rất ăn khách đã nhanh chóng được các nhà sản xuất trong nước có được bản quyền và sẽ sớm ra mắt khán giả Việt trong thời gian tới.

Điểm gì gây chú ý ở các phiên bản Châu Á?

Không chỉ tại Việt Nam mà tại các nước Châu Á truyền hình thực tế đang “làm mưa làm gió”, đặc biệt các nên kinh tế có nền truyền hình phát triển vào bậc nhất khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc. Thì việc sản xuất và gây tiếng vang lớn trong khu vực những chương trình ăn khách không phải là điều khó.

Đến lượt Châu Á tấn công show truyền hình Việt

Điều nhận thấy những chương trình có phiên bản từ các nước này dễ dàng ăn khách ngoài sự tương đồng về một số nét văn hóa thì việc họ dùng các ngôi sao nổi tiếng trong các lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh … vào chương trình để tạo sức hút. Rất giống với cách làm của truyền hình thực tế Việt trong những năm gần đây, đặc biệt các show truyền hình đến từ Hàn Quốc. Khán giả việt vốn đã rất “mê mẩn” những sao K-pop, những diễn viên thần tượng, họ yêu mến luôn là phiên bản gốc khi trong nước chưa có được bản quyền sản xuất. Với tâm lý này khi các chương trình được Việt hóa họ cũng mong muốn có được sự ảnh hưởng đó ở phiên bản nội, ít nhiều trong đó đã thành công.

Hầu hết những phiên bản truyền hình nhập từ các nước châu á đang phát sóng trên các kênh sóng của truyền hình Việt Nam. Khán giả không khó để nhận thấy chất hài hước nhẹ nhàng, dí dỏm thiên nhiều về những tình huống giải quyết gia đình, những tình huống cảm động đậm chất nhân văn được cài đan xen trong chương trình. Không nhiều trong đó có tính ganh đua khốc liệt và có tính dàn dựng “làm trò” gây scandal  như các phiên bản đến từ các nước phương tây. Sự tương đồng này dễ dàng được khán giả trong nước chấp nhận và hưởng ứng, bởi suy cho cùng các chương trình thuần tính giải trí nhẹ nhàng dễ được chấp nhận hơn. Sự chuyển hướng “quay về Á” của các nhà làm truyền hình Việt có vẻ như họ nghiên cứu khá kỹ tâm lý khán giả trong nước. Bởi thế các chương trình đang nổi tiếng và thu hút khán giả tại các quốc gia này cũng nhanh chóng được họ nhắm tới.

Tuy nhiên liệu sự chuyển hướng này có tạo nên được cơn sốt mới với khán giả Việt khi mà ngày càng quá nhiều các chương trình được ồ ạt nhập khẩu và ồ ạt phát sóng. Sẽ không trách khỏi sự cả thèm chóng chán, sự cập rập trong sản xuất và vội vàng trong tính toán lợi nhuận có thể biến các chương trình lâm vào cảnh “đầu voi đuôi chuột”.

Hữu Đông

(Email: giaitri@dantri.com.vn)