Đạo diễn Lê Hùng: Đời biết mình là ai…

(Dân trí) - Có một đạo diễn Lê Hùng “ẩn” sau sân khấu, sau các tiểu phẩm trên truyền hình, khiến người xem muốn khóc, muốn cười... Cũng lại có một Lê Hùng ngoài đời với bộ ria rất “amazon” cùng lối trò chuyện vừa thẳng thắn vừa tưng tửng, mà không thiếu sự chân thành.

Là một đạo diễn “nổi tiếng”, ông có hay rơi vào tình thế bị so sánh hay tị nạnh không?

 

Uí giời! Nhiều là đằng khác. Nhiều người ganh ghét, ganh tỵ với Lê Hùng, nhưng kệ họ thôi. Tôi chỉ tâm niệm rằng, tôi không tranh miếng ăn của ai, tôi cũng không lấy tặng phẩm của ai cả. Ai có khả năng cứ làm, cứ ăn. Đất ruộng, thóc lúa trên đời đầy ra đấy, mọi người cứ việc khai thác. Tác phẩm cũng không thiếu, ai có khả năng cứ khai thác. Lê Hùng không định lấy của ai cả thì đừng ghét, đừng ganh tỵ với Lê Hùng, để cho Hùng làm. Ganh tỵ như thế khổ lắm- khổ cả người bị ganh tỵ lẫn khổ người ganh tỵ. Nhưng xét cho cùng, người ganh tỵ khổ hơn.

 

Thỉnh thoảng ông “gài” vào nhân vật trong tác phẩm của mình những câu triết lí hay những câu nói rất tưng tửng và thực tế sau khi xem xong, nhiều người cứ nhấn nhá, nhắc đi nhắc lại những câu ấy?

 

Thực ra, đó là những câu của các bậc tiền nhân, tôi chỉ “biến” đi thôi. Tôi từng đọc được rất nhiều câu như “thắng được kẻ thù là hùng mạnh, thắng được chính mình mới là kiên cường”, “Nhìn thấy cái xấu thì mới thấy được giá trị của cái đẹp”, “Trước sau theo nhau, dài ngắn tôn nhau, âm và thanh hoà vào nhau”... Chẳng hạn, từ câu “Thắng được mình mới là kiên cường” của Lão Tử, tôi chuyển thành “đời biết mình là ai” bởi biết mình mới thắng được mình...

 

Nếu ông có một triết lí trong nghệ thuật thì đó là triết lí nào?

 

Triết lí về nghệ thuật có nhiều câu rất hay. Chẳng hạn, vừa mắt ta ra mắt người- mình thấy hay là khán giả thấy hay... Nhưng câu mà tôi tâm niệm là làm thế nào đến được khán giả, đừng “mũ cao áo dài” quá. Nhiều người cứ nói vở của tôi hay nhưng khán giả không hiểu nên họ không muốn xem. Tôi cho rằng đó không phải là một vở diễn. Làm sân khấu để khán giả hoà nhập với nghệ sĩ thì khi ấy sấn khấu mới thành công.

 

Ông có quan hệ với nhiều đoàn, tiếp xúc với nhiều người làm nghệ thuật, ông có thấy đạo diễn trẻ nào có triển vọng trở thành tài năng không?

 

Nhiều lắm! Chỉ có điều họ chưa phát tiết thôi. Trong lớp đạo diễn tôi dạy 19 em, có em đã đạt giải cao như trường hợp Giang Mạnh Hoà ở Đồng Nai đã đạt giải đạo diễn xuất sắc nhất tại hội diễn sân khấu ĐBSCL. Hay các đạo diễn Hoài Huệ, Lan Hương, Anh Tú của Nhà hát Tuổi Trẻ rồi các đạo diễn Quốc Chiêm, Quốc Trượng, Trung Kiên là những học sinh của tôi đều đã bước đầu bộc lộ được tư chất đạo diễn. Nhưng họ có trở thành tài năng xuất chúng hay không thì không thể một sớm một chiều được. Như tôi, mãi khán giả mới công nhận: tốt nghiệp đạo diễn ở Liên Xô từ năm 1989, đến bây giờ mới tạm gọi là thành danh được.

 

Sự thành công của các đạo diễn được tích dần bằng các tác phẩm, các vở diễn. Có những ông xuất chúng được một vở rồi “chết” ngay, không bao giờ làm được nữa. Có những đạo diễn cả cuộc đời ngẫm nghĩ mà không chịu làm ra tác phẩm thì cũng không thành danh được. Tôi cũng rất hi vọng lớp trẻ bằng các tác phẩm của mình chứng tỏ được tài năng. Tài năng không ai tự phong, tự nhận được cả mà phải do khán giả, do cuộc đời trao tặng thông qua những tác phẩm của mình.

 

Đời biết mình là ai. Ông nghĩ mình là ai trong giới đạo diễn sân khấu bây giờ?

 

Lê Hùng là con sói già cô độc, hơi độc ác một chút - có người đã viết về tôi như thế. Theo họ, tôi làm cho khán giả phải khóc, thậm chí đang cười phải khóc ngay thế là ác. Thực ra, tôi không tham vọng gì, không ham hố gì, chỉ mong muốn phấn đấu làm được điều gì đó cho cuộc đời này đẹp hơn, mọi người thương yêu nhau thật hơn, tốt với nhau hơn. Bằng những tác phẩm của mình, tôi muốn kêu gọi tình cảm con người, muốn khán giả cười và khóc bằng những gì rất người. Với cái tâm ấy thì mình sẽ biết mình là ai...

 

Cấn Cường

(thực hiện)