“Còn lâu chúng ta mới có phim người hùng, mỹ nhân”

(Dân trí) - Những người hùng mạnh mẽ, chạy rầm rầm qua toà cao ốc, lao mình vào bom nổ chậm, đu mình trên dây, lái xe như vũ bão. Những mỹ nhân kiều diễm, vừa đánh vừa bay đẹp như mơ. Tất cả những hình ảnh ấy lại xem ra rất “khan hiếm” trong phim Việt Nam.

Nhà phê bình lý luận Ngô Phương Lan

 

Theo tôi, thật khó để so sánh nền điện ảnh của chúng ta với nền điện ảnh của Mỹ. Cái gốc để xây dựng mỗi nền điện ảnh bao gồm cả văn hoá, đời sống, quan niệm, thẩm mỹ… của mỗi dân tộc, mỗi đất nước.

 

Tôi cũng nghe có ý kiến cho rằng, điện ảnh chúng ta đang thiếu những nhân vật nam chính, mạnh mẽ, cá tính, kiểu “manly” (nam tính) hút hồn hàng triệu khán giả… Thật ra, chúng ta không thiếu diễn viên, nếu có điều gì thiếu ở đây thì nằm ở sự khai thác, quan niệm, cách làm của đạo diễn.

 

Chúng ta cũng không nên quan niệm rập khuôn về cái đẹp. Tôi đơn cử, diễn viên Công Ninh chẳng hạn, không cao to, không đẹp trai, ở anh đượm một vẻ xù xì, thô ráp, nhưng Công Ninh có rất nhiều vai chính diện ấn tượng. Hay hàng chục năm trước, điện ảnh chúng ta có một diễn viên đẹp trai, cao to nhưng thường đóng vai phản diện là Lê Tuấn Anh. Trong phim Vị đắng tình yêu, vai của Tuấn Anh đẹp trai là thế, cao to là thế mà bị số đông khán giả ghét!

 

Như thế có nghĩa là, điều quan trọng không nằm ở những người hùng hay mỹ nhân, mà quan trọng hơn cả là vai diễn như thế nào để diễn viên bộc lộ được khả năng diễn xuất nhiều nhất, vào vai tốt nhất, chân thực nhất để phim thành công. Người Mỹ chinh phục thế giới bằng những hình ảnh người hùng, mỹ nhân, chúng ta không bắt chước, chúng ta chinh phục khán giả bằng cách của điện ảnh Việt Nam. 

 

“Còn lâu chúng ta mới có phim người hùng, mỹ nhân” - 1
 

ĐD Phi Tiến Sơn.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn

 

Vì không xây dựng được những hình tượng người hùng, mỹ nhân nên điện ảnh chúng ta không có ngôi sao. Theo tôi, có những lý do như sau:

 

Thứ nhất, do các nhà quản lý, không ai có ý định tuyên truyền, hay cổ động, hay gợi ý cho điện ảnh phải xây dựng hình ảnh người hùng và mỹ nhân cả! Thứ hai, do đào tạo. Diễn viên chúng ta học trong trường cùng lắm chỉ học diễn xuất, khóc cười, chứ không hề được học võ thuật, đao kiếm… để có thể thực hiện được những vai hành động. Hơn thế nữa, với mỗi nền điện ảnh trên thế giới, người ta có cả nền công nghệ làm đẹp cho các ngôi sao. Nhìn xa hơn, là nền công nghiệp mỹ phẩm thời trang phát triển. Tất cả những điều đó, chúng ta đều không có. Vậy làm sao có thể đòi hỏi được điện ảnh có anh hùng hay mỹ nhân?

 

Thêm một khó khăn nữa, nằm chính ở những nhà làm phim. Có thể, đạo diễn chúng ta không đủ tài năng, để xây dựng được những hình tượng điện ảnh làm mê đắm hàng nghìn khán giả như thế. Mức cát-sê eo hẹp, đóng những cảnh hành động khó khăn, mạo hiểm, mức bảo hiểm trả cho vai diễn, cho diễn viên thì không có, diễn viên nào dám nhận lời? Rồi chưa kể đến các diễn viên vào vai người hùng, mỹ nhân cũng cần phải có phông văn hoá, phông kiến thức nhất định, chứ vào vai mỹ nhân mà mặt cứ… đần ra thì khán giả nào chấp nhận?

 

Diễn viên Hồng Ánh

 

Phim cổ trang lịch sử ngợi ca những người hùng, mỹ nhân kiểu như phim Lục Vân Tiên vô cùng khó khăn và tốn kém. Nhưng, chẳng lẽ cứ vì sợ khó khăn mà chúng ta không làm? 

 

Khi nhận được lời “chuyển” vai Kiều Nguyệt Nga từ “sự cố” của chị Hà Kiều Anh, tôi không được hài lòng về mình cho lắm. Khi phim Lục Vân Tiên bắt đầu, đoàn làm phim đã lên kế hoạch tuyển chọn diễn viên rất kỹ lưỡng, Hồng Ánh không đủ tiêu chuẩn để được chọn và vai Kiều Nguyệt Nga ngay từ đầu.

 

Vai Kiều Nguyệt Nga là một vai khó. Bởi mỗi người yêu tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ đồ Chiểu, mỗi người yêu nhân vật Kiều Nguyệt Nga đều đã có một hình tượng Nguyệt Nga hoàn hảo của riêng mình. Tôi đã phải tập luyện rất nhiều, gần nửa tháng trời, từ giọng nói, nhả từ, đến dáng đứng, lễ nghi, pha trà, học đánh đàn tranh, học khi nói phải để tay như thế nào, gặp nam giới không được nhìn thẳng vào mắt… Phong thái của người xưa rất khác với bây giờ, tôi gần như phải học từng ly từng tý. Đoàn làm phim Lục Vân Tiên ròng rã suốt hơn 2 năm trời mới hoàn tất là vì thế. Phim phải làm chi tiết, cụ thể, kỹ lưỡng với từng nhân vật. 

 

Còn với phim về các mỹ nhân hiện đại, tôi nghĩ, phim chúng ta khó có đủ sự chuyên nghiệp cũng như tài chính để làm. Hy vọng, với thế hệ diễn viên sau chúng tôi, sẽ có cơ hội vào những vai như thế!

 

“Còn lâu chúng ta mới có phim người hùng, mỹ nhân” - 2

DV Võ Hoài Nam.

Võ Hoài Nam

 

Vấn đề theo tôi nằm ở khâu kịch bản. Kịch bản theo kiểu người hùng, mỹ nhân không có thì làm sao diễn viên chúng tôi mơ tới? Hơn nữa, chúng ta không có chủ nghĩa anh hùng cá nhân... Tôi nghĩ, còn lâu lắm chúng ta mới có phim người hùng, mỹ nhân. Nên, thế hệ tôi có “thèm đứt lưỡi” cũng phải chịu thôi!

 

Hiền Hương