Con đường âm nhạc của nhạc sỹ Hoàng Hiệp
(Dân trí) - Với sự tham gia của các ca sĩ trẻ: Mỹ Tâm, Mỹ Lệ, Mỹ Hạnh, Quang Linh, Xuân Phú, Anh Thơ, Anh Dũng, Nhóm AC&M, Nhóm Mặt Trời Mới chương trình Con đường âm nhạc số 24 mang tên “Lá đỏ” sẽ khắc họa chân dung và sự nghiệp sáng tác của nhạc sỹ Hoàng Hiệp.
Nhạc sỹ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn. Ông sinh ngày 01/10/1931 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Bắt đầu sáng tác năm 18 tuổi nhưng phải đến gần 10 năm sau, khi tập kết ra Bắc, học trường Âm Nhạc Việt Nam, sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Hiệp mới bắt đầu được đánh dấu.
Khởi đầu từ “Câu hò trên bến Hiền Lương” những người mến mộ âm nhạc biết đến Hoàng Hiệp - một nhạc sĩ miền Nam tập kết. Số lượng tác phẩm của nhạc sỹ cho tới nay lên tới con số khoảng 400 bài hát. Trong đó khoảng 100 ca khúc được nhạc sỹ sáng tác từ những năm kháng chiến kéo dài tới những năm 80 có lẽ được khán giả biết tới nhiều nhất. Đây cũng là thời điểm sáng tác sung sức nhất trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
Con đường âm nhạc số 24 sẽ đem đến cho khán giả yêu nhạc cả nước một chương trình tổng kết sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Mỗi ca khúc là một câu chuyên kể về những ký ức của nghệ sĩ lão thành miền Nam có gần nửa cuộc đời gắn bó sâu nặng với đất Hà thành. Để rồi sau những năm kháng chiến trở về, sống ở miền Nam mà lòng không nguôi nỗi nhớ về Hà Nội. Sự nghiệp âm nhạc cũng như cuộc đời của nghệ sĩ Hoàng Hiệp được chia làm hai phần: cảm hứng cách mạng và hồi ức trữ tình.
Nhạc sỹ Hoàng Hiệp chia sẻ: "Cuộc đời sinh tôi ra, kháng chiến giúp tôi viết nhạc. Còn tôi phải tự sinh ra mình. Tôi luôn tự thanh lọc, tự dặn mình đừng bực tức, chán nản. Đúng, sai, tốt xấu, thời gian sẽ trả lời".
Con đường âm nhạc của nhạc sỹ Hoàng Hiệp sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV3 từ sân khấu Lan Anh tại TPHCM vào ngày 02/12/2007.
Năm 2000 nhạc sỹ Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên Bến Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội. |
Trần Trung Thành