Có một cô bé phương Tây đã mơ về phương Đông (kỳ 3)

(Dân trí) - Trong những bài trước bạn đọc đã được biết câu chuyện tiên tri về tương lai của cậu bé PK, và ở một nơi xa xôi Thủy Điển có một cô bé luôn nghĩ và mơ về một miền đất phương Đông.

Lotta cô bé phương Tây

Đến tận bây giờ Lotta - cô bé vẫn còn nhớ hương vị Đông phương đầu tiên được nếm trải khi cả lớp được cho xem một bộ phim về sông Hằng. Cô bé chăm chú theo dõi mặt trời mọc trên dòng sông trong tiếng rù rì của máy chiếu phim. Cô bé còn nhớ như in tiếng đàn sitar lảnh lót phát ra từ những thùng loa, tiếng chuông ngân rền của những ngôi đền và tiếng nước văng tung toé khi những người hành hương theo các bậc cấp bước xuống sông, cho tới khi nước ngập đến bụng.

Bộ phim trắng đen ấy là những hình ảnh đầu tiên giới thiệu Ấn Độ với Lotta. Bộ phim gây tác động sâu xa đến cô bé hơn bất kỳ thứ gì khác đã học ở trường. Cả lớp phải làm bài luận về đề tài này, bài Lotta viết rất dài và đầy cảm xúc.

Có ngày mình sẽ đến đó, Lotta nhủ thầm.

Cô bé muốn trở thành nhà khảo cổ. Cô bé thích đào bới trong đất, tìm kiếm các thứ. Cô bé mơ tưởng đến những khám phá chấn động, lý giải những câu chuyện đầy uẩn khúc của lịch sử. Ở lớp học, Lotta muốn vẽ một bức tranh lớn về các kim tự tháp, đọc sách về nhà Ai Cập học Howard Carter của Anh Quốc và chuyện ông phát hiện ra lăng mộ Tutankhamun. Lời nguyền của vị pharaon này khiến Lotta say mê, lòng đầy nao nức khi cô bé đọc về những cái chết bí ẩn của hai mươi người trong đội khai quật của Carter. Lotta muốn dành cả cuộc đời để làm sáng tỏ những bí mật như thế.

Trong tuổi niên thiếu của cô bé, niềm say mê không gian bắt đầu lấn lướt. Lotta đến thư viện mượn sách về đĩa bay và đi tới Gothenburg nghe diễn thuyết về sự sống trên các hành tinh khác. Cô bé đặt mua dài hạn một tạp chí chuyên ngành và háo hức đọc từng số báo, lòng tin chắc rằng con người không thể nào lẻ loi trong vũ trụ này.

Lotta lại quan tâm hơn hết đến những đời sống khác biệt với đời sống xung quanh mình. Cô bé từng tưởng tượng mình sinh ra trong thế kỷ 16 và sống cùng gia đình trong một túp lều giữa rừng. Không hề có những thứ xa hoa hiện đại hay máy móc tân kỳ. Chỉ có những thứ thiết yếu nhất, đơn giản, gần gũi với thiên nhiên.

Có một cô bé phương Tây đã mơ về phương Đông (kỳ 3) - 1

 

Tuổi thơ của Lotta thường hướng về phương Đông

Gia đình Lotta là những người chăm đi lễ nhà thờ. Mẹ Lotta được nuôi dạy biết kính sợ địa ngục, bị ám ảnh bởi những mô tả của linh mục về sự trừng phạt đời đời đang chờ những kẻ tội lỗi ở kiếp sau. Cha cô bé cũng cùng vợ con dự lễ hàng tuần dù bản thân ông không phải là tín đồ. Lotta không bao giờ biết bố nghĩ gì về tôn giáo và giáo hội; ông hiếm khi bày tỏ ý kiến về bất cứ chuyện gì. Ông là người khó hiểu. Có nhiều lúc cô bé tưởng là mình hiểu bố, nhất là khi họ im lặng ngồi bên nhau. Không hiểu sao, cô bé cảm thấy hết sức gắn bó với bố dù hai cha con ít khi chuyện trò.

Lúc Lotta lên tám, một bà dì của Lotta ngã bệnh khi đang mang thai. Gia đình cầu khấn Chúa nhưng bệnh tình người dì càng lúc càng nặng hơn. Rồi dì mất, chết cả mẹ lẫn con và đức tin Lotta từng cảm nhận đã pha lẫn với sự tức giận và thất vọng.

Cô bé theo đạo Tin Lành của Giáo hội Thuỵ Điển, nhưng không phải vì có đức tin. Không, Lotta theo đạo chủ yếu là vì ai cũng theo. Cô bé dễ bị cha mẹ và bạn bè tác động. Khó mà sống khác người, làm theo ý mình. Người ta không thích những kẻ phá vỡ lề thói, quá khác biệt. Dù sao thì Lotta cũng không hề có niềm tin mạnh mẽ nào; cô thấy khó lòng coi trọng quá mức một quan niệm duy nhất nào. Làm sao có thể đặt lòng tin trăm phần trăm vào một đảng phái, hay một ý thức hệ? Làm vậy có nghĩa là mọi người khác đều hoàn toàn sai. Không, chuyện chính trị đảng phái không phải việc của cô.

Có lúc cô bé thấy mình ngâm nga một bài hát đã học được từ lúc lên ba. Ý nghĩa bài hát là: ánh sáng soi rọi toàn nhân loại, bất kể mọi phù phiếm, tham vọng và hèn hạ của con người.

Ánh sáng ấy cũng tồn tại trong bản thân mình nữa, Lotta nghĩ thầm. Nhưng đó không phải Chúa, nó là cái gì khác kia:

Mây bay đến, mây bay đi

Trái tim buốt giá nhiều khi

Nhưng trên cao, trên cao xanh

Kìa ánh sao băng long lanh

Ngược lại, từ tuổi niên thiếu, trí tưởng tượng của cô bé đã hướng về phương Đông. Lotta đã đọc Áo Nghĩa Thư rồi tiếp tục đọc kinh Vệ Đà và bài thuyết pháp của Thích Ca. Có nhiều điểm tương đồng giữa cổ kinh Ấn Độ giáo và Bài giảng trên núi trong Thánh Kinh, cô bé thấy vậy. Nhưng có gì đó sai lầm thể hiện trong giáo lý đạo Cơ Đốc. Lý tưởng của nó có tính loại trừ hơn là bao quát. Người Cơ Đốc giáo hình như thích vẽ ra các ranh giới giữa người với người. Dù có phải tín đồ hay không, ai ai cũng được thúc đầy bởi cùng một một nguồn sinh lực. Trái tim đập trong lồng ngực tất cả chúng ta đều cùng một lý do đó, bất kể đức tin của riêng ai, Lotta nghĩ thế. Mọi nguyên tử trong vũ trụ đều lệ thuộc vào nhau. Tất cả đều có liên kết.

Các triết lý châu Á đã hấp dẫn cô bé, đặc biệt là quan niệm cho rằng tất cả con người và sinh vật đều tan biến sau khi chết để rồi sống lại trong một sinh linh hiện thân khác. Đúng, thế mới phải, Lotta nghĩ. Nếu muốn rõ quá khứ, hãy nhìn hiện tại. Nếu muốn biết tương lai, cũng hãy nhìn hiện tại, như Thích Ca đã nói.

Sự sống là luân hồi và tái tạo liên tục. Tất cả chúng ta từng là đất và nước và rồi sẽ lại trở thành đất và nước, cô bé Lotta từ tuổi niên thiếu đã nghĩ như vậy.

Trích “Đạp xe vì tình từ Á sang Âu”

Theo First News