Nhà văn Võ thị Hảo:
"Cô đơn là bệnh của người giàu tình cảm"
(Dân trí) - “Tôi phải viết văn chẳng qua do sự ám ảnh và không có tham vọng viết cho tất cả mọi người đọc trên thế giới này. Âm thanh mà tôi cất lên có những tần số không vui tai với một số bạn đọc. Nhưng ai đọc được mình đó là tri âm…”, tác giả truyện ngắn "Máu của lá" tâm sự.
Những tập truyện ngắn mới nhất như: Goá phụ đen, Hồn trinh nữ, Người sót lại của rừng cười... đã ra mắt độc giả. Công ty Võ Thị cũng chính thức ra đời, chị cảm thấy thế nào?
Tôi cảm thấy vui vì đã thực hiện được một vài dự định. Tôi nhìn thấy mình dứơi một khía cạnh khác. Đó là ba mẹ con đã “liều mạng chụm chân nhảy bụp vào kinh doanh”. Đây là một lĩnh vực mà trước đây tôi rất sợ hãi. Thế mà cũng ổn. “Võ Thị cùng bạn đọc bồi đắp trí tuệ và tâm hồn Việt.”. Nghe cũng được đấy chứ nhỉ?
Khai trương công ty Văn hóa & Truyền thông Võ Thị, điều chị mong đợi nhất là gì?
Mẹ con tôi hy vọng, qua công việc kinh doanh, bằng nhuận bút, bằng việc kiếm tiền lương thiện bằng mồ hôi nứơc mắt, công khai tư cách pháp nhân, chúng tôi sẽ giữ thêm cho mình chút ít tự do. Muốn tự do, trước hết phải xác lập tự chủ về công việc, trách nhiệm và tài chính. Các con tôi lập công ty này là để thực hiện ước mơ hồi nhỏ: mẹ sẽ đỡ vất vả, sống được bằng nhuận bút, thanh thản hơn, viết được nhiều hơn.
Đọc truyện ngắn của chị người ta vừa cảm thấy nhẹ nhàng vừa cảm thấy khó khăn, nó giống như cảm giác vừa thoả mãn lại vừa không thoả mãn vậy. Những câu từ chọn lựa kỹ, kết cấu khác lạ, đặc biệt là cái kết. Cách kết thúc câu chuyện của chị luôn khiến người đọc suy nghĩ, day dứt. Xin được hỏi chị, trước khi đặt bút viết, chị có phải suy nghĩ viết sao cho thật ấn tượng và ám ảnh không?
Không. Tôi phải viết văn, chẳng qua do sự ám ảnh. Tôi chỉ cố gắng không lạm dụng văn chương. Tôi thường không chịu ngồi vào bàn nếu không có ám ảnh hoặc đang bất lực chưa thể hiện nổi nó. Cố gắng để không đến với người ta yêu trong một bộ dạng không đẹp. Văn chương, với tôi là một công việc cũng như trồng cây. Nhưng cũng là một thánh đường. Như tình yêu vậy thôi.
Những nhân vật nữ của chị vừa mong manh, bí ẩn vừa nồng nàn, vừa lạnh lùng, đau khổ. Dường như mỗi nhân vật là một nét tính cách hay góc khuất trong con người chị ( truyện Bàn tay lạnh, Goá phụ đen)?
Rất có thể. Có lẽ cộng tất cả họ lại, là tôi.
Chị rất ít để các nhân vật nữ của mình một cái kết có hậu, tại sao? Có phải chị viết văn như một sự giải toả mà không cần bận tâm đến tâm lý chung của độc giả - những mong muốn “ở hiền gặp lành”?
Tôi viết về những người ở hiền mà không gặp lành” nhưng họ vẫn tiếp tục ở hiền. Đó chính là phần lớn đàn bà. Đó là cái điều bền vững đã cứu rỗi thế giới. Cuộc sống quanh tôi đã diễn ra như vậy. Và tôi phải tôn trọng nó.
Chị có bao giờ nghĩ rằng đôi khi con người ta càng giàu tình cảm, càng viết văn hay lại càng cô đơn hơn?
Đúng. Cô đơn là bệnh của người giàu tình cảm. Người viết văn “thứ thiệt “ thì mong manh.
Khi chị buồn, chị tìm " quên" thế nào?
Tôi đi lang thang, "chõ mũi" vào các xó xỉnh. Tự cho phép mình xa hoa một chút. Và làm các việc như thế này đấy. Thực ra, làm việc mà mình thích, là thực hành thể dục thẩm mỹ. Tôi không được khóc và gần như không có thời gian để buồn.
Tài sản quí giá nhất đời chị là gì vậy?
Là hai cô con gái của tôi.
Xin cảm ơn chị!
Nguyễn Hằng