Chùm kịch Tết ĐK1.com “tan đàn xẻ nghé”
(Dân trí) - <a href="http://dantri.com.vn/giaitri/anchoi/2006/9/142294.vip">Chùm hài kịch ĐK1.com</a> được Nhà hát Tuổi Trẻ “ém” đến Tết. Nhưng khi vừa duyệt xong, tác giả Đỗ Minh Tuấn đã viết đơn gửi nhà hát xin rút hai tiểu phẩm của ông ra khỏi chương trình, với lý do “tình trạng vở diễn như vở duyệt sẽ khiến tôi không dám mời ai đến xem vì xấu hổ!”.
Xưa nay, mâu thuẫn giữa các tác giả kịch bản và đạo diễn vẫn xảy ra như… cơm bữa. Nhà biên kịch nào cũng muốn giữ đến cùng ý tưởng của mình trong tác phẩm. Khi “đứa con tinh thần” ấy được chuyển đến tay một đạo diễn thì đạo diễn nào cũng muốn sáng tạo, thêm bớt, “nhào nặn” để tác phẩm được thăng hoa. Song, nhiều khi, những cái thêm bớt ấy lại khiến tác giả kịch bản… tức giận. Trường hợp của chùm hài kịch ĐK1.com, không phải là ngoại lệ.
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn - tác giả kịch bản của hai tiểu phẩm Thân làm tội đời và Ăn tiệc thuê trong chùm hài kịch ĐK1.com đã có buổi làm việc với phóng viên Dân trí.
Ông đã gửi kịch bản đến nhà hát Tuổi trẻ và được nhận lời dàn dựng của đạo diễn trẻ Anh Tú như thế nào?
Tôi đã có hai chùm hài kịch được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng thành công là Đời cười 3 (Đạo diễn Lê Hùng) và Internet về làng (Đạo diễn Chí Trung). Cả hai chương trình đều cháy vé và tạo thành hiện tượng của sân khấu hài phía Bắc. Vì thế, ông Trần Tiến Thuật - Giám đốc Nhà hát nhiều lần đề nghị tôi viết kịch bản cho Đoàn kịch I của Anh Tú và Đoàn kịch thể nghiệm của Lan Hương. Các nghệ sĩ Anh Tú, Lan Hương cũng ngỏ ý muốn công tác với tôi. Trong thâm tâm tôi rất muốn cộng tác với Anh Tú và Lan Hương vì họ là những nghệ sĩ tài năng, dám xông vào những lĩnh vực gai góc của nghệ thuật hàn lâm mà tôi rất quý trọng.
Từ trước khi ông Thuật gợi ý tôi, đã gửi cho Anh Tú hai vở hài kịch dài nhưng Anh Tú nói gai góc quá không dựng được. Năm nay, Anh Tú có ý định dựng chùm hài kịch mới, nên tôi đã chọn gửi cho Tú mấy vở ngắn trong đó có hai vở Đoàn II đã đọc nhưng không dựng và hai vở viết mới, với tinh thần là sẽ viết thêm cho Anh Tú chọn, nhưng Anh Tú đã có sẵn hai kịch bản dịch của Trung Quốc và một kịch bản chuyển thể từ truyện ngắn của Henrich Boll nên Đoàn kịch I chỉ chọn dựng hai kịch bản mà Đoàn II loại ra là Ăn tiệc thuê và Tiến sĩ (đạo diễn đổi tên là Thân làm tội đời).
Trước đây Đoàn II cũng đã có ý định dựng mấy kịch ngắn của tôi cùng mấy kịch bản khác, nhưng tôi không đồng ý vì muốn tạo ra thông điệp của cả một chương trình. Nhưng lần này tôi chấp nhận cho dựng chung với các kịch bản của người khác vì rất muốn cộng tác với Đoàn I, mặt khác, cũng thấy Anh Tú có bản lĩnh và thiện chí khi nhận dựng một kịch bản mà đoàn khác loại ra, không hề tự ái.
Gần đây, khi chùm kịch ĐK1.com chuẩn bị công diễn thì hai tiểu phẩm này của tác giả Đỗ Minh Tuấn bị…“loại” ra, và thay thế bởi hai tiểu phẩm hài khác. Tác giả có thể cho biết lý do của việc thay thế này?
Anh Tú phải thay hai kịch ngắn khác vì sau lần duyệt thứ hai, ngày 26/11/2006 tôi đã viết thư gửi Nhà hát và Cục biểu diễn xin rút hai kịch bản ra khỏi chương trình.
Vì sao anh lại rút khỏi chương trình? Có phải là do mâu thuẫn muôn thuở xưa nay giữa đạo diễn và tác giả kịch bản?
Không hẳn thế. Tôi cho rằng đây là tai nạn nghề nghiệp của cả hai người. Khi chương trình do Anh Tú dàn dựng, trong đó có hai kịch bản của tôi được duyệt lần đầu tiên thì tôi đang ở Singapore không có dịp xem. Khi về nước, được Nhà hát Tuổi trẻ cho biết chương trình phải sửa chữa, duyệt lại vì Hội đồng duyệt của Bộ Văn hoá chưa đồng ý.
Trước ngày duyệt lại, anh Nguyễn Tiến Thuật đề nghị tôi đến xem và góp ý cho Anh Tú sửa chữa. Nhưng khi tôi đến Nhà hát thì thấy Anh Tú đang cho đoàn tập lại, cảm giác như mới “vỡ”, diễn xuất và nói năng còn lộn xộn, lủng củng, lại thêm nhiều lời sáng tác “đầu bờ” do đạo diễn mới nghĩ ra diễn viên chưa nhớ. Vì thế tôi không xuất hiện mà ngồi xem ở phía sau một lúc rồi về.
Đến hôm duyệt lại, xem lần đầu thấy Anh Tú vẫn giữ tình huống chính, tình tiết chính và nhân vật chính, thêm vào nhiều trò vui. Tuy nhiên, tinh thần và lời văn của hai vở diễn hầu như không còn của tôi. Nhiều chi tiết và lời thoại thô thiển, dễ dãi thiếu tính văn học làm tôi ngượng chín người, cứ phải quay sang thanh minh với gia đình và bè bạn là câu đó, việc đó mình không viết.
Khi họp với Hội đồng duyệt tôi đã rất phân vân, không muốn đứng tên trong chương trình, nên phát biểu nói rằng Anh Tú đã thêm vào nhiều cái không đúng ý tôi. Hội đồng cũng hết sức băn khoăn về chất lượng, cho rằng Cục sẵn sàng cấp giấy phép, nhưng Nhà hát nên nghĩ đến thương hiệu của mình. Chính vì thế mà Nhà hát chần chừ không làm công văn lên Cục cho chương trình ra mắt.
Anh Tú giục tôi có ý kiến nhất trí để Nhà hát lấy giấy phép biểu diễn cho kịp kế hoạch. Theo Tú đó là kịch bản của tôi, Tú có thích thì Tú mới dựng. Nhưng tôi tâm sự chân tình cho Tú hiểu lý do không muốn đứng tên.
Trước đây, khi các chương trình Đời cười 3 và Internet về làng do Đoàn Chí Trung dàn dựng tôi rất vui được mời bạn bè đến xem, cứ rỗi là lại đến rạp xem lại vở diễn và xem công chúng. Tôi có niềm vui ngắm nghía đứa con chung. Vì thế, tôi rất mong tác phẩm do Anh Tú dàn dựng được ra. Nhưng tình trạng vở diễn như vở duyệt đã khiến tôi sẽ không thể mời ai đến xem vì xấu hổ.
Tôi muốn phát hiện sự khó khăn đầy bi hài kịch của người nghèo lương thiện khi nỗ lực thích nghi với văn hoá phong bì và tiệc tùng của người giàu, nhưng vở diễn đã hạ thấp và bôi xấu tất cả, minh hoạ lại những cái đầy rẫy trong đời sống, gây phản cảm. Anh Tú hiểu ra và tâm sự chân tình rằng, khi Anh Tú dựng vở tôi đi vắng nên anh thiệt thòi không có được sự theo dõi góp ý trong quá trình dựng vở. Tú cho biết bản dựng đầu tiên Tú thêm vào nhân vật con chó Tây thỉnh thoảng nhảy lên ôm bà chủ như động tác “đi tơ” với bà được khán giả rất thích nhưng Hội đồng duyệt và Nhà hát không chấp nhận. Anh em mới tập lại theo hướng mới nên còn chưa nhuyễn...
Tôi gợi ra một số hướng sửa chữa, Tú vui lắm hứa sẽ sửa theo tinh thần ấy. Tú nói: “Thế mà anh không ở nhà anh góp ý cho em. Em sẽ sửa thế này, em cho nhạc thế kia…” rất là hào hứng. Nhưng sau đó, không hiểu sao Tú lại không muốn sửa. Nghe nói Tú cho rằng việc dựng lại kịch chỉ để cho tôi xem và nhận là của mình là không cần thiết. Vì thế, tôi buộc lòng phải viết thư gửi Nhà hát và Cục biểu diễn xin rút hai kịch bản ra khỏi chương trình.
Đã có những trường hợp, khi không hài lòng với vở diễn, tác giả kịch bản có thể lấy tên khác như một bút danh, sẽ chẳng ảnh hưởng gì?
Lúc đầu, tiếc công sức của đạo diễn và diễn viên tôi cũng có ý nghĩ hay là đứng tên Minh Tú. Khi họp với Hội đồng duyệt tôi cũng đưa khả năng có thể đứng tên khác. Anh Tú cũng đề nghị tôi đứng tên khác để cho xong thủ tục giúp cho vở được. Nhưng sau nghĩ lại thấy rằng tất cả đều biết đó là kịch bản của mình mà mình đứng tên khác chưa chắc đã thuận về pháp lý, mặt khác, dù được Cục biểu diễn chấp thuận, mình cũng chẳng có niềm vui mời bè bạn đến xem như trước, lại phải suốt ngày thanh minh rằng mình không viết thế. Đó là chưa kể có thể sẽ bị hiểu lầm là vì mười mấy triệu tiền nhuận bút mà phải lén nhận đứa con tinh thần không phải của mình.
Xưa nay, những mâu thuẫn giữa tác giả kịch bản và đạo diễn không phải là chuyện hiếm? Cót lõi của mẫu thuẫn này, theo ông, chủ yếu là do đâu?
Nếu hiểu mâu thuẫn là những xung đột cá nhân thì không đúng trong trường hợp này. Tôi không biết Anh Tú nghĩ gì về tôi, nhưng tôi vẫn luôn tôn trọng Tú và Tú cũng luôn tỏ ra tôn trọng tôi. Có thể, quan điểm của hai người chưa gặp nhau trong trường hợp cụ thể này, có thể hoàn cảnh kinh tế của Đoàn không cho phép Tú dựng lại kịch theo đúng lời văn và tinh thần trong kịch bản của tôi, có thể sự háo hức muốn tung vở diễn ra đã khiến Tú ngại dựng lại, hay cũng có thể Tú thấy mệt mỏi khi phải sửa chữa nhiều lần… Tất cả đều có thể thông cảm và chia sẻ được.
Còn việc đạo diễn phá kịch bản thì đó là quyền của đạo diễn, miễn là làm thế nào để tác giả chấp nhận. Tôi là một đạo diễn phá kịch bản nhiều nhất. Hàng chục phim tôi dựng từ kịch bản của người khác tôi đều viết lại chỉ giữ khoảng 10% đến 30% của họ, ý tưởng xuyên suốt thì hầu như hoàn toàn mới nhưng các tác giả không ai rút kịch bản, trái lại còn rất vui khi bước lên nhận giải kịch bản trong Liên hoan phim quốc gia. Trừ khi tác giả đề nghị cộng tác từ đầu, dù viết lại gần 100% tôi cũng không đề tên chung cũng như không đòi chia nhuận bút với tác giả kịch bản, như nhiều đạo diễn khác.
Vì thế tôi rất hiểu và thông cảm với việc các đạo diễn sân khấu như Anh Tú xoay xở kịch bản thêm bớt để đúng với cảm xúc và ý tưởng của mình. Các chùm hài kịch Đời cười III và Internet về làng do Đoàn II Nhà hát Tuổi trẻ dựng trước đây các đạo diễn Lê Hùng, Chí Trung cũng thêm vào nhiều trò diễn, nhiều chi tiết, nhưng tôi vẫn thấy vở diễn là của mình vì về cơ bản họ đã trung thành với kịch bản của tôi, ngoài việc giữ nguyên tình huống chính, nhân vật chính, ý tưởng chính, họ đã giữ nguyên hầu hết những lời thoại quan trọng nhất của tôi.
Được biết, ĐK1.com sẽ là chùm kịch Tết của Nhà hát Tuổi trẻ, việc hai tiểu phẩm không được công diễn, có ảnh hưởng gì tới tác giả Đỗ Minh Tuấn hay không?
Chẳng ảnh hưởng gì cả, chỉ mong Anh Tú và anh em Đoàn kịch I thông cảm cho việc tôi rút kịch bản ra khỏi chương trình, đừng cho rằng tôi đã gây khó khăn cho họ. Tôi mong chương trình do Anh Tú làm lại sẽ thành công và hy vọng sẽ có dịp cộng tác với Anh Tú và Đoàn kịch I suôn sẻ hơn.
Ngay sau khi làm việc với tác giả Đỗ Minh Tuấn, phóng viên Dân trí đã liên lạc với đạo diễn Anh Tú, song anh từ chối trả lời về vấn đề này. Và có thông tin, đoàn kịch I đã tìm được hai tiểu phẩm khác thay thế hai tiểu phẩm của tác giả Đỗ Minh Tuấn. Ngày 19/1 tới, chùm hài kịch ĐK1.com sẽ chính thức ra mắt khán giả với cái tên mới: "Tưởng bở"! |