Chủ nhân câu nói “bình tĩnh sống”: Những lúc hết gạo, phải ăn cơm độn khoai mì

(Dân trí) - “Tôi trồng trà và hái đọt trà để bán, nhưng không sử dụng thuốc kích thích hay bón phân sinh học để tăng sản lượng, vì không muốn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Mặc dù làm như vậy sản lượng bán ra ít, có khi không đủ tiền mua gạo ăn trong tháng. Nhưng tôi không vì lợi nhuận, vì cuộc sống của mình mà làm sai. Thà thiếu gạo thì nấu cháo ăn hoặc trộn khoai mì”.

Những ngày qua, cộng đồng mạng dậy sóng bởi câu nói “bình tĩnh sống” của cô Nguyễn Thanh Thúy – thí sinh của cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam. Tham gia cuộc thi, cô đã thể hiện ca khúc “Riêng một góc trời” bằng chất giọng mộc mạc, truyền cảm nên thu phục được tình cảm của khán giả lẫn 3 vị giám khảo.

Đặc biệt hơn, chính những chia sẻ chân tình về cuộc sống của cô đã khiến nhiều người cảm phục và xúc động. Và câu nói “bình tĩnh sống” - một triết lý sống đơn giản của một người quanh năm sống ở núi rừng nhưng đã thực sự truyền được cảm hứng cho rất nhiều người. Như một mảng sáng trong những lúc bế tắc, khó khăn trong cuộc sống của bất kỳ ai.

Chủ nhân câu nói “bình tĩnh sống”: Những lúc hết gạo, phải ăn cơm độn khoai mì - 1

Trước sự quan tâm của độc giả, chúng tôi đã tìm hiểu và được cô chia sẻ rất nhiều về cuộc sống hiện tại cũng như từ đâu cô có được châm ngôn sống cho riêng mình.

Những lúc hết gạo, phải ăn cơm độn khoai mì

Khi phóng viên Dân Trí liên lạc, cô Thúy cho biết, mình đang cùng em gái làm hoàn thiện ống nước cho bể chứa nước mưa. Hai chị em cô đã làm việc từ sáng sớm đến chiều tối. Nhà có hai người nên những công việc nặng nhọc đều phải tự mình làm.

Cô Thúy và em gái đã đến mua đất và sinh sống trên ngọn đồi tại xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc, thuộc tỉnh Lâm Đồng đã gần 5 năm nay.

Trước đây, cô từng ở Định Quán, Đồng Nai, chuyên day ấn huyệt cho trẻ em câm điếc và trẻ bại liệt thành công. “Khi chữa bệnh thành công, tôi nghĩ mình sống ở đây để gần gũi những đứa trẻ mà tôi đã chữa khỏi. Khi thấy các cháu hàng ngày đi học, khỏe mạnh tôi cảm thấy rất vui. Thế nhưng, mảnh đất tôi ở là đường dẫn vào rừng. Tôi không cho phép những người phá rừng mở rộng đường. Vì thế, tôi lại bị những người chặt phá rừng hăm dọa đốt nhà, bị cắt điện sinh hoạt... Cảm thấy không thể yên ổn sống ở đây nữa nên tôi bỏ đi”. Cô chia sẻ ngậm ngùi.

Thời gian đó, cô cảm thấy cuộc đời mình rất bế tắc nên cô vào chùa sống. Khi vào chùa, cô dành thời gian nghiên cứu sách vở cùng với kiến thức trong ngành y để chữa trị một số bệnh cho những sư cô đang sống tại chùa. Cô cho biết, mình giúp được một số ni cô chữa khỏi bệnh ung thư ngực, duy trì cuộc sống tốt hơn.

Cô miệt mài với công việc bấm huyệt, chữa bệnh được cho nhiều người nên cảm thấy cuộc đời của mình thật sự hữu ích. Nhưng sau đó, một lần cô bị té – hậu quả là gãy xương cổ tay. Chính vì vậy việc chữa bệnh cũng không thể tiếp tục như trước. Khi không còn làm việc được nữa, cô không còn được đối đãi như trước. Cảm thấy buồn nên cô quyết định ra ngoài đời, không ở trong chùa.

“Tôi lên Lâm Đồng sinh sống vì ở đây cũng có một số trẻ tôi cũng từng chữa bệnh thành công. Tôi mua đất trên ngọn đồi và cất căn nhà nhỏ để hai chị em sống”. Cô Thúy nói.

Thoạt đầu, cô Thúy cứ nghĩ cuộc sống ở đây sẽ rất lý tưởng, tự trồng rau ăn, hái chè bán để sinh sống... Thế nhưng, khi đào 2 cái giếng đều không có nước. Lúc này đây, thay vì lo lắng hoang mang, cô tự nhủ lòng mình “bình tĩnh sống”. Không có nước sinh hoạt hai chị em cô tìm cách tự làm máng xối để truyền ống hứng nước mưa. Khi đó cũng không còn tiền nhiều, ai cho được thùng gì thì cứ mang về chứa nước mưa.

Cô cho biết, với diện tích đất không lớn nên những đọt chè hái bán không đủ chi phí sinh hoạt trong tháng.

“Tôi trồng trà và hái đọt trà để bán, nhưng không sử dụng thuốc kích thích hay bón phân sinh học để tăng sản lượng, vì không muốn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Không sử dụng các loại thuốc, nên tôi phải hái sạch lá trên cây chè, để cây có thể ra đọt mới. Làm như vậy sản lượng bán ra cũng ít, có khí không đủ tiền mua gạo ăn trong tháng. Nhưng tôi không vì lợi nhuận, vì cuộc sống của mình mà làm sai, thà thiếu gạo thì nấu cháo ăn hoặc trộn khoai mì”.

Và cuộc sống hiện tại của cô và em gái vẫn trôi qua như thế.

Ngoài bán đọt chè, cô không có nguồn thu nhập nào khác. Rau củ tại nhà không trồng được, có một người bỏ mối rau củ lên Bảo Lộc cho cô rau quả hàng tháng để ăn. Đây là người từng được cô Thúy cứu. Cô kể, một lần tình cờ người này bị ngất xỉu, cô đi ngang qua đó và bấm huyệt giúp họ tỉnh lại. Người phụ nữ này còn bị cơn đau thắt ngực và xụi cánh tay trái, cô Thúy đã bấm huyệt cho cánh tay bình phục, hoạt động bình thường.

Cô Thúy đã có những chia sẻ đầy xúc động: “Cô ấy nghe hoàn cảnh của tôi thì có nói, sau khi bỏ mối còn lại rau củ quả thì tôi đến lấy về ăn hàng ngày. Tôi cảm nhận họ buôn bán cực khổ nên nếu ủng hộ tôi, hãy cho rau héo, trái cây héo, rau củ héo... tôi mới nhận mang về ăn. Còn cho đồ tươi tôi không dám nhận. Nhưng cũng phải cho tôi phát tâm phụ dọn hàng với họ, nếu không cho tôi làm thì tôi cũng không nhận. Cô đó cảm thấy đau lòng khi tôi nói như vậy, nhưng tôi không thể chấp nhận sự giúp đỡ của người khác mà không đền đáp. Tâm tôi sẽ không yên. Muốn tâm thanh tịnh hãy giúp lại người đã giúp mình”.

Vì sống trên đồi nên việc đi lại khá khó khăn, hàng ngày cô phải tự mình đi bộ, có khi hàng chục cây số để chữa bệnh cho người dân quanh vùng. Dù có khi rất mệt mỏi nhưng cô cũng không than thở, không ngại nhọc thân. Vì điều đó giúp ích cho bệnh nhân.

Nhưng tuyệt đối cô không bao giờ nhận tiền của người bệnh, cô nói, mình phát tâm chữa bệnh, những ca bệnh viện trả về, nếu liên quan đến tiền bạc chắc chắn người nhà hoặc cha mẹ các bé sẽ không đồng ý cho cô can thiệp. Mục đích chính của cô chính là chữa bệnh nên cô luôn theo phương châm đó của mình mà làm.

Cuộc sống nhẹ hơn một chút từ sau khi tham gia cuộc thi

Cô tham gia cuộc thi như một cái duyên. Ngày đi thi, cô phải đi lúc 2h sáng xuống quốc lộ 20 để lên TPHCM. Khi lên thành phố, có một vị tu sĩ phát tâm đã nhờ phật tử cho cô tá túc trong thời gian đi thi ở tại thành phố.

Khi được chọn vào vòng trong, cô cảm thấy vui và an ủi vì không uổng công mình đã lặn lội đi thi trong đêm.

Cô cho biết sau khi tham gia cuộc thi và nhận được sự hỗ trợ của giám khảo Trấn Thành và Bằng Kiều thì cô đã có thể thực hiện được mong ước của mình.

Hơn 4 năm nay, cô và em gái đều sử dụng đèn dầu, cách đây vài tháng mới có bóng đèn thắp sáng bằng bình ắc quy nhỏ.

Với số tiền 10 triệu của 2 vị giám khảo, cô mua được 3 bể chứa nước và 3 bình ắc quy mới, cuộc sống của hai chị em cô đã cải thiện được rất nhiều. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của cô. Tuy nhiên, cô cũng cảm thấy suy nghĩ và áy náy khi nhận sự giúp đỡ này, vì đồng tiền ai làm ra cũng cực khổ.

Có một phần trong chương trình không lên sóng, khi giám khảo Huy Tuấn cũng có ngỏ ý muốn giúp cô một điều gì đó nhưng cô không dám nói gì. Khán giả đề nghị nhạc sĩ Huy Tuấn hỗ trợ cô xây căn nhà mới nhưng cô đã từ chối, mặc dù căn nhà hiện tại không quá tốt nhưng cô cũng đã cảm thấy hài lòng.

“Khi chương trình phát sóng, nhà không có tivi nên tôi không có xem, tôi cũng không có tiền gọi điện nên nhắn tin điện thoại. Những bệnh nhân của tôi có gọi lại nói tôi hát hay, đánh đàn guitar hay, vậy là vui lắm”. Cô Thúy rất hào hứng khi chia sẻ niềm vui của mình khi tham gia cuộc thi lần này.

“Được mọi người quan tâm, trò chuyện như thế này tôi cảm thấy an ủi lắm vì bao nhiêu năm rồi tôi bị “bỏ rơi vào quên lãng”. Mặc dù tôi cứu người nhưng trong âm thầm, không nhiều người biết. Được mọi người quan tâm tôi rất xúc động. Lần này thi dù được thành công hay không tôi cũng cố gắng, vì thi tôi chắc chắn sẽ thi đến nơi, đến chốn”.

“Nơi tôi ở người ta không tin tôi đi thi vì họ nói, gương mặt tôi cằn cỗi, nghèo nàn, ốm o, già khú, tài năng gì.” Cô cười lớn.

Cô cũng mong, trong cuộc thi này, được vào vòng trong là kết quả của tài năng mà cô có được chứ không phải là sự ưu ái hay thương hại. Cô cũng chuẩn bị rất kỹ cho cuộc thi lần này. Sắp tới, vòng thi tiếp theo của cô sẽ được quay hình vào tháng 4.

“Năm nay không có tiền ăn Tết, cũng không có năm nào tôi ăn Tết” cô chia sẻ khi được hỏi về cái Tết của mình trong năm nay...

Băng Châu

Chủ nhân câu nói “bình tĩnh sống”: Những lúc hết gạo, phải ăn cơm độn khoai mì - 2