“Chat với Mozart” không vi phạm luật

(Dân trí) - “Các trích đoạn tác phẩm âm nhạc của tám nhạc sĩ nước ngoài được sử dụng trong đĩa nhạc “Chat với Mozart” đều thuộc loại tác phẩm đã hết thời hạn. Nhạc sĩ Dương Thụ đã sử dụng các trích đoạn từ các tác phẩm của các nhạc sĩ đó, không sửa, đổi để sáng tạo tác phẩm mới”.

Đó là nội dung công văn số 91/BQTG-BQ của cục bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật (do Cục trưởng Vũ Mạnh Chu ký ngày 24/4/2007) trả lời ông Cù Huy Hà Vũ về việc đặt tên và đặt lời tiếng Việt cho các tác phẩm âm nhạc được sử dụng tại đĩa nhạc “Chat với Mozart” do Cty TNHH Diệu Thanh phát hành.

 

Các trích đoạn tác phẩm âm nhạc đã được sử dụng trong “Chat với Mozart” là của các nhạc sĩ Bach, Borodine, Elgar, Gounod, Shumann, Saintc - Seans, Tchaikovsky, Vivaldi. Theo công văn, việc sáng tạo tác phẩm mới của nhạc sĩ Dương Thụ trên cơ sở sử dụng các trích đoạn đó được coi là "sáng tạo tác phẩm tái sinh”.

 

Cũng theo công văn, trên nhãn đĩa nhạc “Chat với Mozart” do Cty TNHH Diệu Thanh phát hành có ghi đầy đủ các thông tin về tác giả và các tác phẩm gốc; nhạc sĩ Dương Thụ là tác giả phần lời, nhạc sĩ Anh Quân và nhạc sĩ Huy Tuấn thực hiện phối khí.

 

“Căn cứ các qui định pháp luật, thực tiễn tại nước ngoài và Việt Nam, đã có các trường hợp sử dụng tương tự đối với tác phẩm âm nhạc không lời đã hết thời hạn bảo hộ, vì vậy việc đặt tên và đặt lời Việt cho các tác phẩm mới được sáng tạo từ các tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ nêu trên của nhạc sĩ Dương Thụ không vi phạm pháp luật”, công văn kết luận.

 

Trở lại diễn tiến vụ việc, tháng 1 năm 2007 ông Cù Huy Hà Vũ đã gửi kiến nghị “xử phạt các tác giả và nhà sản xuất album Chat với Mozart về hành vi xâm phạm quyền tác giả” tới GĐ Sở VHTT Hà Nội và Cục trưởng Cục bản quyền tác giả VHNT.

 

Trước đó, ông Vũ cũng đã gửi đơn kiến nghị xử phạt hành chính các tác giả và nhà sản xuất album “Chat với Mozart” tới Sở VHTT Hà Nội và báo chí.

 

Ông Vũ viết: “Theo Luật Sở hữu Trí tuệ, quyền nhân thân bao gồm bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, và quyền này được bảo hộ vô thời hạn... Rõ ràng phổ lời tác phẩm âm nhạc không lời là một hành vi xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm... và vì thế đã xâm phạm quyền nhân thân của tác giả... Điều 16 Công ước Berne quy định mọi tác phẩm phi pháp (xâm phạm quyền tác giả) sẽ bị tịch thu”.

 

Tân - Nguyệt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm