Ca sĩ Anh Thơ: “Tôi từng đi buôn gạo, gà, cá, rau...”
(Dân trí) - "Cái gì cũng có thời điểm của nó. Lúc trước khổ, phải buôn bán, tính toán kiếm đồng ra đồng vào cho gia đình. Hiện tại, chỉ riêng đi hát đã quá nhiều mệt mỏi. Hân hoan nhiều trên sân khấu thế thôi chứ nhọc nhằn lắm...", ca sĩ Anh Thơ thổ lộ.
Tôi sẽ hát thêm chừng 5 đến 10 năm thì... dừng lại!
Khán giả vốn quen với hình ảnh một Anh Thơ "nghiêm trang" với những chiếc áo dài, hát các ca khúc dòng dân gian, thính phòng. Nay ở DVD "Tình ta còn mãi" là một Anh Thơ khác, trẻ trung, "lạ" hơn với những chiếc váy hiện đại, áo yếm... và thể hiện các ca khúc nhạc nhẹ. Đó là sự phá cách, thưa chị?
DVD Tình ta còn mãi có: Biển hát lời anh (Trần Thanh Tùng), Mai (Thế Hùng, nhạc Xuân Ba) là hai bài hát chưa ca sĩ nào thể hiện, còn các ca khúc khác như: Lời của gió (Duy Thái), Tháng tư về (Dương Thụ), Chuyện tình thảo nguyên (Trần Tiến)... mang hơi hướng nhạc nhẹ nhưng từng được một số ca sĩ khác hát. Bên cạnh đó, không thể thiếu những bài hát đã gắn bó tên tuổi của tôi như Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Đợi (Huy Thục - Vũ Quần Phương).
Ca sĩ Anh Thơ "hoá thân" thành thôn nữ. Hiện tại có quá ít những bài hát mới, hay để lựa chọn. Đây là một trong những thiệt thòi cho những người nghệ sĩ như chúng tôi. Tôi không có ý định làm mới mình bằng cách chuyển hẳn sang dòng nhạc khác vì tôi biết tôi là ai, đâu là những thế mạnh để khai thác. Thi thoảng "đá qua" những cái mới chứ không dám đi quá sâu. Nếu đi quá sâu có khi lại thành "lăng nhăng" ngay.
Việc mời một bạn trẻ thuộc thế hệ 8x làm đạo diễn cho toàn bộ sản phẩm mới của chị được cho là mạo hiểm?
Lúc đầu tôi có nghĩ mời một đạo diễn cũ, chững tuổi nhưng sau đó sợ họ đi vào lối mòn. Vì vậy tôi mạo hiểm mời một đạo diễn trẻ, hi vọng có những sáng tạo riêng. Nhiều bạn trẻ thổ lộ rằng muốn chứng tỏ khả năng nhưng không có việc để làm. Lần này tôi tạo cơ hội cho một trong số đó.
Xu hướng càng nhiều ca sĩ “nhảy” sang làm diễn viên, đóng hài, làm MC. Chị có định...?
Cái gì cũng vừa phải. Nghề ca hát đã đa đoan lắm rồi. Mong muốn của tôi là được một lần ra đảo Trường Sa để mang tiếng hát của mình phục vụ cho các chiến sĩ ngoài đó bởi tôi hiểu sự thiếu thốn về tinh thần của họ. Năm 2010, tôi muốn thực hiện một liveshow đánh dấu mốc. Chắc sẽ hát thêm chừng 5 đến 10 năm nữa thì... dừng lại. Lúc ấy, ngoài công việc giảng dạy có thể làm nhiều việc thiện khác như dạy không lấy tiền cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Luôn muốn làm "bạn" với các học trò của mình
Là một cô giáo, chị nói gì xung quanh những câu chuyện thời sự được báo chí đề cập gần đây như học trò đánh thầy giáo hay vụ thầy giáo "dính" vào chuyện... mua dâm?
Trường Học viện Âm nhạc quốc gia nói riêng, nhiều sinh viên đặt mục đích kiếm tiền lên trước. Tôi nghĩ nhu cầu đó không sai. Nhưng với tư cách một cô giáo, tôi luôn dặn các em dù làm thế nào vẫn giữ được sự tôn trọng với mọi người, giữ được mình, đừng vì vụ lợi làm điều không hay.
Ngày xưa lứa của tôi đi hát mấy chục nghìn một buổi, phải ăn tiêu ky cóp. Bây giờ các em đi hát cát sê cao hơn có thể tự mua điện thoại di động, mua xe, sắm đồ hàng hiệu... Đương nhiên, đồng hành với nó sẽ có nhiều sự sa ngã hơn. Nhiều gia đình do bố mẹ vì địa vị, mải kiếm tiền lơ là con cái nên để xảy ra những chuyện đáng tiếc.
Tôi nghĩ rằng, nền tảng của sự giáo dục trước tiên nằm ở trong mỗi gia đình, sau đó đến nhà trường và xã hội. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng cá nhân. Ví dụ cũng là con người Anh Thơ thì dù có vứt vào chỗ ăn chơi cũng không thể "hư" được. Tất nhiên, các bạn trẻ hiện nay vẫn có những người sâu sắc, có ý chí phấn đấu trong học tập và cuộc sống.
Đã khi nào học trò đưa chị vào tình huống "khó xử"?
Học trò bây giờ nhiều em cá tính lắm. Cô dạy không được là thẳng thắn phản ứng ngay. Tôi không có nhiều thời gian đầu tư như những cô giáo khác nhưng may mắn là vẫn nhận được sự tôn trọng của các học sinh. Có lẽ những học trò "phục" tôi không phải vì tôi hát hay, vì tôi nổi tiếng mà vì tôi là người có chuyên môn vững. Cách truyền đạt của tôi khiến học sinh cảm thụ được. Đến giờ, sau vài năm đứng trên bục giảng tôi chưa gặp một tình huống nào khó xử từ các học trò của mình.
Các học trò có hay tâm sự chuyện tình yêu, gia đình với chị? Giả sử một học sinh gặp "khúc mắc" khi có bố (mẹ) của cô (cậu) ấy ngoại tình, "nhận hối lộ" và đặt vấn đề này nhờ chị tư vấn. Chị sẽ xử lý thế nào?
Chỉ số ít em hay tâm sự với tôi chuyện tình cảm, gia đình vì phần nhiều các em vẫn cho rằng đó là "góc riêng" cần... giấu. Còn những tình huống bạn đề cập - tôi chưa gặp phải ở học sinh của mình. Nhưng giả sử có sự việc ấy thì tôi sẽ ở bên cạnh để động viên học sinh, sau đó cùng học sinh tìm hiểu nguyên nhân để có cách giải quyết sao cho hợp lý nhất. Trong tâm khảm, tôi luôn muốn làm "bạn" với các học trò của mình ở cuộc sống đời thường.
"Tôi từng đi buôn gạo, gà, cá, rau... "
Trong cuộc sống, đã khi nào cách cư xử của bố mẹ khiến chị... chạnh lòng?
Từ xưa đến giờ, với báo chí tôi ít khi nói về cuộc sống của mình. Nay thì phá lệ nhé! Có một lần đi cùng Trọng Tấn, Việt Hoàn, Hương Mơ đến Đà Nẵng. Xuống sân bay, bố mẹ Hương Mơ ôm chầm lấy con gái, vuốt tóc khiến tôi bật khóc vì chạnh lòng. Bố mẹ chưa bao giờ làm điều đó với tôi. Có thể là các cụ không biết thể hiện sự quan tâm nhưng làm nghệ thuật nên tôi cũng có sự nhạy cảm nhất định.
Tôi từng có những oan ức trong cuộc sống khi gia đình nghèo quá. Cấp 2, cấp 3, tôi làm việc quần quật từ đi cấy, mò cua, bắt ốc..., đã thế thi thoảng còn bị mắng oan. Có đau bụng cũng chỉ ngắt 7 ngọn ổi non rồi gói với muốn ăn, cảm cúm thì đi làm toát mồ hôi ra thì... đỡ. Là người nhạy cảm lại hay cả nghĩ nên có những đêm, bố mẹ có thể đã ngủ rồi, anh chị ngáy ầm ầm bên cạnh nhưng tôi thì vẫn thức.
Sau này, nghĩ lại tôi thông cảm cho bố mẹ - nhà đông con, lại ở quê, làm sao biết thể hiện tình cảm như thế được?! Bây giờ bố mẹ tôi khác rồi. Trong gia đình (6 người con), tôi là thứ 3 nhưng cũng là người gánh vác nhiều cho gia đình. Từ ngày xưa, mẹ đã hay bảo tôi: "Con này vứt đâu cũng sống được!"...
Ngoài việc đồng áng, được biết, chị từng đi buôn ?
(Cười)... Chuyện này kể ra hơi ngại. Trước khi vào học ở Trường Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Thanh Hoá, ngoài việc đồng áng, tôi có đi buôn thật. Nào gạo, nào gà, nào cá, nào rau, nào tranh... có "hàng" bán sinh lời dù ít hay nhiều tôi đều buôn tất. Từ nhà tôi đến chợ chừng 30 cây số, tôi và một cô bạn hay phải đi giữa trưa vì sợ nhóm thanh niên chăn trâu bắt nạt. Thường chúng tôi đi buổi trưa nay thì chiều hôm sau mới về. Đêm ngủ nhờ lại nhà một người quen của cô bạn đi buôn cùng.
Có kinh nghiệm buôn bán, vậy với việc giá vàng lên xuống thất thường như thời gian qua, chị có "nổi hứng" trổ tài để... kiếm lời?
Không đâu. Cái gì cũng có thời điểm của nó. Lúc trước khổ thế thì phải buôn bán, tính toán kiếm đồng ra đồng vào cho gia đình. Chứ giờ chỉ riêng đi hát không thôi đã quá nhiều mệt mỏi rồi. Nhiều khi mệt vì nổi tiếng. Hân hoan nhiều trên sân khấu thế thôi chứ nhọc nhằn lắm. Ca sĩ bây giờ nhiều người đi buôn bất động sản, lãi lắm, họ cũng xui nhưng tôi vẫn không dám.
“Con gái tôi (đôi khi) là khán giả khó tính”
Với báo chí, chị rất ít khi nói về ông xã của mình, vì sao thế?
Gia đình là góc riêng, tôi muốn giữ. Nói ra ai thông cảm được thì không sao còn không lại tạo dư luận thế này thế khác. Cũng mệt lắm.
Nhưng chia sẻ về cô gái 6 tuổi thì chắc chị sẵn sàng?
Đôi khi con bé còn làm "trọng tài" phân xử mỗi khi bố mẹ có những va chạm. Có hôm ngồi trên xe, ông xã nói: "Em đi xe hơi vội", tôi cãi lại này kia thì con bé nói: "Bố nói đúng đó mẹ. Mẹ phải nghe để sửa thôi".
Chị có dành nhiều thời gian chăm sóc, dạy dỗ con? Khi nào chị có kế hoạch sinh bé thứ hai?
Dù bận nhưng tôi vẫn dành thời gian chăm và quan tâm tới con gái. Tôi muốn làm mọi điều tốt nhất cho cháu để sau này không hối hận. Tôi cũng có kế hoạch sinh bé thứ hai vào năm tới.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!