Á hậu Ngọc Oanh thích một cuộc sống thật "đời"
(Dân trí) - Gió hồ thổi lồng lộng, nhìn đồng hồ, quá giờ hẹn một lát khá lâu. Có lẽ đó là sự muộn màng thường tình của những người đẹp. Thế rồi cô cũng xuất hiện. Ngọc Oanh nhìn chúng tôi, cười, nhẹ nhàng ngồi xuống và câu đầu tiên người đẹp cất lên: “Em xin lỗi để anh chị phải chờ...”.
Một thoáng thật nhanh tôi nhìn Á hậu VN. Cao dong dỏng, không quá trắng, nụ cười tươi tắn, thân thiện, thế cũng đủ để cuộc trò chuyện bắt đầu một cách thoải mái. Quá lâu rồi tôi mới trở lại các cuộc trò chuyện với những người đẹp.
“Anh chị đừng coi đây là cuộc phỏng vấn nhé...”. Nàng ngại. Cũng đúng, bởi phỏng vấn bao giờ cũng khiến người được phỏng vấn căng thẳng. Chúng tôi ngồi ngay sát chỗ nhìn ra mặt hồ. Tôi cất lời:
Ngọc Oanh có hay phải trả lời phỏng vấn không?
Trước đây khi em đoạt danh hiệu Á hậu cũng phải trả lời nhiều, bây giờ thì em là người bình thường rồi.
Bình thường theo nghĩa nào?
Em rất thích cuộc sống thật “đời”, đừng lên gân, cũng đừng cố cho mình là quan trọng. Sống như một người bình thường là cuộc sống em thích”...
(Đôi khi trong lúc trò chuyện, nàng chợt bật ra một câu tiếng Anh, có lẽ là thói quen của người học ngoại ngữ. Nói tiếng Anh rồi giải nghĩa sang tiếng Việt, một cách gián tiếp để người đối thoại biết “tôi không phải là người kém cỏi” hay là một thói quen?). Em đang học tiếng Anh à?
Vâng! Em đang học, ngoại ngữ rất cần cho công việc làm M.C của em.
|
Ngọc Oanh đoạt danh hiệu Á hậu 2000 khi đang là sinh viên sư phạm ở Hải Phòng. Có một câu hỏi mà BGK (hay nhà báo) đặt ra với cô lúc đó: “Ngọc Oanh khi ra trường sẽ làm gì?”, cô tự tin trả lời: “Làm cô giáo”. Một nghề thật đẹp. Nhưng rồi bây giờ thì công việc của Ngọc Oanh chẳng dính dáng đến nghề mà cô đã học. Một ngã rẽ trong cuộc đời, vì sao?
Thế mới là đời. Em rất thích nghề sư phạm, đấy là khi em chưa tham dự cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong. Nhưng khi có danh hiệu rồi, đôi khi mình chẳng thể nào tự quyết định con đường đi của mình. Chẳng hiểu sao em lại trở thành người của Đài Truyền hình VN...
Thế trước anh chị học gì? Oanh cười khúc khích khi nghe câu trả lời: “Cũng sư phạm à? Thế bây giờ anh chị làm gì, anh chị đang là nhà báo, phỏng vấn em đấy thôi. Chắc hồi trước anh chị cũng thích trở thành giáo viên, đúng không?
Ngọc Oanh bỗng trở thành người phỏng vấn ngược khiến tôi lúng túng. Mà nàng nói đúng. Có bao nhiêu người trách rằng: “Đấy, á hậu đấy, trả lời là mình thích nghề giáo, nhưng rồi bây giờ có theo nghề đâu”. Đừng nên trách nàng. Cuộc sống mà.
Á hậu báo Tiền Phong năm 2000. Ngọc Oanh sinh năm 1980, quê Hải Phòng, cao 1m67. Hiện đang công tác tại Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình VN. Là em út trong gia đình có 3 anh chị em. Hiện vẫn chưa cùng ai. |
Em mới chia tay với một người. Đôi khi em cảm thấy thật cô đơn, như lúc này. Hình như với những người đẹp thì yêu thường đi cùng với nỗi buồn. Nhiều người cứ hay cho rằng, khi đã là người đẹp nổi tiếng rồi thì hay có nhiều anh chàng đẹp trai, giàu có theo đuổi, tha hồ mà chọn lựa. Rồi các đại gia sẽ đến để cầu hôn, như trong những câu chuyện cổ tích, nhưng thực tế đâu phải vậy. Hình như khi đã có danh vị, đã nổi tiếng rồi thì trong chuyện tình cảm lại khổ hơn.
Thế Ngọc Oanh thích một người như thế nào? (Tôi chờ đợi câu trả lời của á hậu, một câu trả lời cửa miệng muôn thuở rằng: “Người đó phải cao hơn cả một cái đầu” (tất nhiên cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Nhưng Ngọc Oanh lại trả lời khác).
Một người bình thường. Tất nhiên, đừng có nghèo.
Vì sao?
Nghèo trong một xã hội phát triển như thế này đồng nghĩa với sự kém cỏi. Không cần biết anh là ai, nhưng anh không có việc làm, hoặc anh không kiếm được tiền nuôi mình và nuôi vợ con sau này, làm sao gọi là anh giỏi được.
Có nghĩa bây giờ Ngọc Oanh lại cô đơn? (Ngọc Oanh không trả lời hẳn vào câu hỏi, nhưng nhìn cô lúc ấy thì biết đúng là đang cô đơn. Cô đơn, rồi yêu, rồi lại cô đơn, có lẽ đó cũng là chuyện bình thường, mà đâu chỉ có người đẹp mới thế).
Thế công việc ở Đài Truyền hình có cuốn hút Ngọc Oanh không?
Bây giờ thì em thích, nhưng không biết sau này thì sao. Cuộc sống mà.
Hình như trong suốt cuộc trò chuyện, bao giờ Ngọc Oanh cũng thích nói đến chữ “đời”, có lẽ “đời” như một sự thể nghiệm, một sự khỏa lấp đi sự nổi tiếng mà nhiều khi vì nó mà Ngọc Oanh, một á hậu đã không còn là chính Ngọc Oanh nữa. Sống hình như phải lên gân hơn, giữ gìn hơn (ít nhất là giữ gìn để hình ảnh một người đẹp không thể nhầu nhì trong mắt người khác). Tôi thì chẳng nói với cô, nhưng tôi thầm nghĩ rằng có lẽ làm một người đẹp nhiều khi cũng thật khổ. Không được sống thật với mình.
Thế sao Ngọc Oanh không chọn trở về Hải Phòng để sống mà lại thích ở Hà Nội?
Cuộc sống luôn thay đổi mà. Thủy Nguyên, quê em cũng rất đẹp, đọng lại trong em rất nhiều kỷ niệm của tuổi thơ, nhưng để phát triển thì phải về thành phố lớn.
Và em chọn Hà Nội? Tại sao không phải là thành phố Hồ Chí Minh như nhiều người đẹp vẫn hay chọn?
Em không thích Sài Gòn. Thỉnh thoảng em có vào trong đó, nhưng hình như cuộc sống trong đó quay quá nhanh. Em lại thích sự tĩnh lặng. Như trên Potomac này, nhiều khi quá mệt mỏi, muốn tìm một sự tĩnh lặng, để giải tỏa em ngồi ở đây. Có khi chỉ là một ly nước ngọt, nhưng được để đầu óc trống rỗng, không nghĩ, không làm, không lên gân. Lúc đó mình mới là mình.
Tôi chợt nhớ đến một bài hát của nhạc sĩ Phú Quang, có một câu như thế này “Có nhiều khi tôi quá buồn, tôi ước mơ tìm về dưới bóng cây xưa. Cây Xấu hổ, đau gì mà rũ lá, tôi gục đầu trong bóng tôi...”. Nhạc sĩ cũng như người đẹp, đôi khi đỏng đảnh, chợt vui, rồi chợt buồn. Như Ngọc Oanh, đôi khi cô cảm thấy mình quá nhỏ bé giữa cuộc đời, muốn thu mình lại, dấu mình đi...
Ngọc Oanh biết khá nhiều những quán ăn bình dân nhưng lại ngon của Hà Nội. Á hậu rủ, dịp nào rảnh cô sẽ dẫn chúng tôi đến mấy quán bún riêu, hay ốc luộc của Hà Nội. “Em rất thích đi như vậy. Dép lê kéo lệt sệt, ngồi húp sì soạp, rất vui và thú vị, quên đi mình đã từng là một Á hậu”.
Nếu nói về cá tính, Ngọc Oanh thuộc loại người có cá tính mạnh không?
Em nghĩ là có. Em đã thích làm cái gì thì làm hết mình và cố gắng tự chủ trong công việc.
Ngọc Oanh kể về lần đầu tiên cô được xuất hiện trên truyền hình trong vai trò của một speaker. Ngọc Oanh quá run, tưởng không thể đảm nhiệm nổi, nhưng rồi cô nắm chặt tay lại, trấn tĩnh và thầm nhủ, mình phải cố gắng và nhất định phải làm được. Thế rồi mọi việc cũng tốt đẹp. Rồi khi cô bắt đầu cuộc sống ở Hà Nội, nhà vẫn đi thuê, ở cùng với một cô em họ. Cuộc sống cũng khá chật vật.
Câu chuyện chợt quay về với những câu hỏi mà đôi khi chính tôi cũng cảm thấy khô cứng:
Ngọc Oanh nghĩ thế nào về giới trẻ hiện nay?
Quá năng động, quá giỏi
Thế còn danh vị của các Hoa hậu, người đẹp, có cần thành lập một tổ chức để giám sát họ?
Có lẽ cũng nên, ít nhất là để hình ảnh những người đẹp đó được giữ gìn tốt hơn.
Thế nếu báo “Khuyến học & Dân trí” định thành lập một Trung tâm đào tạo những người đẹp, Ngọc Oanh có tham gia không?
Quá hay. Nhất định em sẽ tham gia, em rất thích những hoạt động này.
Trời bắt đầu tối. Nhìn đồng hồ, đã hơn 7giờ. Chúng tôi gọi đồ ăn. Chẳng lẽ nhà báo lại không thể mời một Á hậu ăn một món gì? Potomac vị trí đẹp nhưng đồ ăn thì lại dở, phục vụ cũng hơi tồi. Nàng ăn và nhìn đồng hồ. Lại một cuộc hẹn. Hình như những người đẹp luôn bận hoặc tỏ ra mình bận. Nàng xin lỗi và đi trang điểm lại.
Tôi không tò mò để biết rằng nàng hẹn với ai, nhưng có lẽ nàng cũng thấm mệt vì nhiều khi cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên khiên cưỡng bởi những câu hỏi chẳng ăn nhập gì mấy với câu chuyện, cái máy ghi âm của bạn đồng nghiệp lại cứ lăm lăm, thỉnh thoảng một chớp máy ảnh lóe lên...
Rồi nàng hòa vào dòng người đang trôi trên đường Thanh Niên.
Nhị Kiều