5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố
(Dân trí) - Chợ Bến Thành cùng 4 công trình khác ở TPHCM vừa được xếp hạng di tích cấp thành phố. Trong đó, có công trình đã xây dựng cách đây gần 170 năm.
Vừa qua, UBND TPHCM đã có quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với 5 công trình, di tích. Các công trình được công nhận xếp hạng di tích sẽ được xác định khu vực bảo vệ và khoanh vùng các khu vực bảo vệ theo hồ sơ.
Chợ Bến Thành (quận 1) là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng di tích. Công trình được xây dựng từ năm 1912, hoàn thành vào cuối tháng 3/1914, đưa vào hoạt động 110 năm. Chợ có diện tích 13.000m², nằm ở trục đường Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Lê Thánh Tôn - Công trường Quách Thị Trang.
Đây là địa điểm trung tâm thành phố, thu hút khách du lịch và được coi như biểu tượng của TPHCM. Công trình này từng được cải tạo, sửa chữa lần một giữa năm 1985.
Di tích chợ Bến Thành sẽ được Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận 1, UBND phường Bến Thành (quận 1) thực hiện quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Trụ sở UBND quận 1 được xây dựng năm 1876, trải qua gần 150 năm thế nhưng công trình này vẫn lưu giữ được nét kiến trúc như lúc mới xây dựng.
Ban đầu, nơi này được dùng để làm nơi vui chơi giải trí cho các sĩ quan cao cấp của Pháp. Sau năm 1945, chính quyền Sài Gòn đặt trụ sở Bộ Tư pháp ở đây.
Công trình được xây dựng một trệt, một lầu với lối kiến trúc đặc trưng của người Pháp. Sau ngày 30/4/1975 đến nay, công trình trở thành trụ sở UBND quận 1.
Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (quận 1) được xây dựng vào năm 1932, đây là một trong những địa điểm tín ngưỡng linh thiêng của TPHCM.
Công trình Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo được xây dựng bên trong khuôn viên của chùa Vạn An cũ. Ngôi đền này từng được tu bổ nhiều lần và là địa điểm tổ chức các ngày lễ lớn trong năm như lễ giỗ (20 tháng 8 Âm lịch) và lễ sinh (10 tháng Chạp) của Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
"Mình cùng người bạn chung công ty thường xuyên đến Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo để hành lễ, ở đây rất linh thiêng. Vào các ngày lễ lớn trong năm, Đền thờ Đức Thánh cũng thu hút khá đông đảo du khách, người dân đến hành hương", anh Trần Thanh Huy (bìa trái, 23 tuổi) chia sẻ.
Chánh điện ngôi đền có diện tích khoảng 200m², có hai khu vực là tiền điện và hậu điện. Không gian thờ cúng được bày trí đẹp và trang nghiêm với hương án, tàn lọng, đồ bát bửu, đôi hạc, hoành phi...
Người dân có thể vào hành hương vào tất cả các ngày trong tuần.
Trụ sở Cục Hải quan TPHCM (quận 1) được xây dựng lại vào năm 1885-1887 và là trụ sở Thuế và Hải quan của chính quyền thời Pháp. Sau năm 1975, công trình được dùng làm trụ sở Cục Hải quan TPHCM đến nay.
Công trình này từng được đánh giá mang tính độc đáo, ấn tượng với kiến trúc phong cách phương Tây vào hạng đẹp nhất Sài Gòn.
Tòa nhà có mô típ trang trí đầu cột và mái vòm tinh xảo. Toàn bộ hệ thống cửa ra vào, cửa sổ đều bằng gỗ, chiều cao gần như suốt lên đến trần, bên ngoài các dãy hành lang là hệ thống các ô cửa vòm, rèm cuốn, luôn đảm bảo thông thoáng và ánh sáng.
Có thể thấy, từ những năm cuối thế kỷ 19 đến năm 1975 và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, dù đã trải qua nhiều lần chuyển đổi, tên gọi vào mỗi thời kỳ có khác nhau, thế nhưng công năng chính của tòa nhà vẫn là sử dụng để làm trụ sở của cơ quan Thuế và Hải quan của chính quyền đương thời của từng giai đoạn.
Di tích Mộ ông Binh Bộ kiểm duyệt Ty Thừa vụ lang họ Trần nằm trên đường Trần Văn Đang (quận 3) được xây dựng cách đây 168 năm. Đây là đôi mộ của ông quan họ Trần giữ chức Thừa vụ lang của Ty kiểm duyệt thời vua Tự Đức (1848-1883) và vợ ông.
Công trình có tường bao bọc xung quanh, hai ngôi mộ nằm song song kiểu "ngưu miêu", được xây bằng đá ong, gạch, bên ngoài tô hợp chất.
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan (84 tuổi) sống cạnh mộ ông Binh Bộ kiểm duyệt Ty Thừa vụ lang họ Trần cho biết, vào những năm tháng chiến tranh, gia đình bà Lan dựng chòi trú ẩn cạnh ngôi mộ này. Sau ngày giải phóng đất nước, gia đình bà cất căn nhà cạnh di tích mộ ông Binh Bộ và sinh sống và lo hương khói cho đến ngày nay.
"Hay tin đôi mộ được xếp hạng di tích thành phố, gia đình tôi cũng rất mừng vì trong tương lai di tích này sẽ được nhà nước bảo vệ, tôn tạo để không bị mai một theo thời gian", bà Lan nói.
TPHCM hiện có khoảng 190 di tích được xếp hạng, bao gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia, còn lại là di tích thành phố. Các di tích được xếp hạng sẽ được bảo vệ, giúp ngăn chặn xâm hại và được ưu tiên tiếp cận các nguồn lực bảo tồn từ nhà nước hoặc xã hội hóa.