11 niềm hy vọng – Đường là do mình đi mà thành
Chọn đề tài thể thao khó nhằn, đầu tư kinh phí lớn, đặc biệt là cho phần kỹ thuật quay và kỹ xảo vốn không phải là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam, liệu bộ phim 11 Niềm Hy Vọng đang đặt mình vào một thách thức lớn cho lần đầu ra quân.
11 Niềm Hy Vọng là câu chuyện được xây dựng theo mô típ dễ xem, dễ hiểu. Một chàng trai nghèo với tình yêu mãnh liệt dành cho trái bóng, đã vượt qua mọi thử thách để chạm đến ước mơ cao nhất của anh là khoác lên mình màu áo đỏ, chiến đấu cho màu cờ sắc áo.
Nhịp phim vừa đủ để khán giả hiểu câu chuyện và những thăng trầm của Phong (Nhan Phúc Vinh), trên con đường đi tìm chính mình. Cho đến khi bước vào những trận bóng đá thì nhịp phim được đẩy nhanh để làm tăng kịch tính. Điều bất ngờ mà bộ phim làm được là ở 15-20 phút cuối phim rất xứng đáng với sự trông chờ của khán giả bằng một trận cầu nghẹt thở và vỡ oà cảm xúc. Người xem sẽ thực sự được sống trong những giây phút thăng hoa như chiến thắng kỳ tích của U23 mang lại.
Từ sự đầu tư cho hình ảnh…
Ấn tượng đầu tiên 11 Niềm Hy Vọng là một bộ phim có sự đầu tư hình ảnh rất kỹ lưỡng. Từng khung hình đều thể hiện sự chăm chút và đầy tính sáng tạo. Cách mà bộ phim chạm đến cảm xúc của người xem, có lẽ là những góc máy mà khán giả chưa bao giờ nhìn thấy được trong những trận cầu trên màn ảnh. Dưới con mắt tài hoa của D.O.P (đạo diễn hình ảnh) Trang Công Minh, bộ phim đã để lại những ấn tượng khá tốt cho khán giả qua những cảnh quay đẹp và chuyên nghiệp.
Biểu cảm của cầu thủ trên sân, những pha đi bóng cận cảnh hay những va chạm nảy lửa thường thấy ở những môn thể thao đối kháng, đã được tái hiện một cách sinh động và chân thật. Có thể nói, những thước phim của 11 Niềm Hy Vọng thật sự khiến cho khán giả cảm thấy mãn nhãn như đang xem một bộ phim hành động.
Bên cạnh yếu tố con người, nhà sản xuất của 11 Niềm Hy Vọng còn rất “chịu chơi” khi mạnh tay đầu tư cho máy móc thiết bị trên trường quay. Dàn khung 8m với 36 máy quay chuyên nghiệp xếp thành hình chữ C thẳng đứng phục vụ cho cảnh quay “đinh” của bộ phim: cú vô lê của nhân vật Phong (Nhan Phúc Vinh thủ vai) trong trận chung kết. Kỹ thuật quay “ngưng đọng thời gian” (freeze time) có lẽ không mấy xa lạ với phim nước ngoài, nhưng lại là lần đầu tiên xuất hiện trong một tác phẩm điện ảnh Việt Nam. Theo chia sẻ từ nhà sản xuất thì để thực hiện được ảnh quay này ekip đã thực hiện nghiên cứu suốt gần nửa năm và thực hiện liên tục những buổi quay thử trước khi thực hiện.
… Đến bước đột phá của kỹ xảo
11 Niềm Hy Vọng sử dụng tổng cộng 4 cầu trường thật và 2 cầu trường “ảo” với kích thước bằng một nửa kích thước thật của sân vận động được phủ phông xanh. Cùng với hệ thống đèn 80 cái, dàn trải khắp phim trường để có được một không gian lý tưởng nhất cho hậu kỳ. Sau đó sẽ sử dụng kỹ xảo để tách lớp phông nền và thay thế bằng sân vận động rợp cờ hoa với hàng chục ngàn khán giả.
Phải nhắc đến đội ngũ “phù thuỷ điện ảnh” Cyclo VFX, đảm trách kỹ xảo cho 11 Niềm Hy Vọng, đã dành gần 1 năm để thực hiện và hoàn thiện cầu trường xuất hiện với thời lượng hơn 20 phút trong bộ phim. Kỹ xảo trong 11 Niềm Hy Vọng vẫn chưa thực sự mượt mà nhưng là một niềm tin mới vào khả năng phát triển và nỗ lực của đội ngũ Việt. Cầu trường hàng ngàn người được tái hiện lại khá ăn khớp với các cảnh quay thật, khiến cho khán giả cảm thấy như đang thưởng thức một trận cầu thật sự trên màn ảnh cine. Phương pháp mà chỉ có những hãng thể thao đại gia mới dám sử dụng trong những quảng cáo đắt đỏ trong vài mươi giây.
Có thể nói 11 Niềm Hy Vọng là một dự án rất dung cảm của đạo diễn Robie Trường và ekip sản xuất dành quá nhiều tình yêu cho bóng đá Việt Nam. Như một câu thoại của vị HLV trưởng trong phim (NSƯT Võ Hoài Nam đảm nhận) “Đường là do mình đi mà thành”, chưa nói đến yếu tố thắng thua của bộ phim nhưng cái cách mà bộ phim được thực hiện cùng với thông điệp về tinh thần dân tộc đầy ý nghĩa đã trở thành “món lạ” trong thị trường phim vẫn còn sơ khai của điện ảnh Việt Nam.
Phim khởi chiếu ở tất cả các cụm rạp trên toàn quốc.