Xem vó ngựa Bắc Hà đua tranh gay cấn ngay tại Hà Nội
(Dân trí) - Sau hiệu lệnh xuất phát của trọng tài, những nài ngựa rạp mình, thúc lưng để chú ngựa phóng vọt lên trên đối thủ trong tiếng reo hò cổ vũ của cả ngàn khán giả có mặt tại Đồng Mô (Hà Nội).
Tại ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” đang diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Hà Nội), một trong những nội dung được nhiều khán giả quan tâm nhất chính là cuộc đua ngựa của những kỵ sĩ “cao nguyên trắng” Bắc Hà.
Trải qua hành trình hơn 400 km từ Bắc Hà (Lào Cai) để về tới Hà Nội, 16 chú ngựa đua tái hiện hình ảnh cuộc đua ngựa truyền thống của đồng bào dân tộc vào mỗi dịp hoa mận trắng xóa miền non cao.
Không yên cương, không đồ bảo vệ phức tạp, các nài ngựa miền non cao vẫn cống hiến những màn đua cực kỳ hấp dẫn.
Sau hiệu lệnh xuất phát của trọng tài, những nài ngựa rạp mình, thúc lưng để chú ngựa phóng vọt lên trên đối thủ trong tiếng reo hò cổ vũ của cả ngàn khán giả có mặt.
Cho dù có những chú ngựa “bất kham” chưa kịp quen, thậm chí phi ra ngoài đường đua khiến nài ngựa cực kỳ vất vả để điều khiển thậm chí có những lúc bị ngã ngựa ở khúc cua khiến khán giả được phen “thót tim” nhưng chính sự mạo hiểm, tinh thần thượng võ và tính dân dã đã tạo nên tính hấp dẫn của cuộc chơi.
Sau các vòng loại trực tiếp, 4 chú ngựa xuất sắc nhất (đồng thời cũng là những chú ngựa từng giành giải cao tại cuộc đua năm ngoái) đã góp mặt ở vòng đấu chung kết.
Đây thực sự là sự so kè đầy căng thẳng với những pha bứt tốc, “chém đường” điêu luyện của những nài ngựa chốn sơn cước. Tuy vậy, đương kim vô địch năm trước Vàng Văn Huỳnh cùng chú ngựa số 416 tiếp tục khẳng định ngôi vị số một của mình khi cán đích đầu tiên…
Một số hình ảnh tại cuộc đua ngựa diễn ra tại ngày hội:
“Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc 2014” là hoạt động có ý nghĩa tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, đồng thời quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam nói chung và về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nói riêng.
Tham gia sự kiện có 12 cộng đồng dân tộc với khoảng 250 người đến từ 10 tỉnh đại diện cho các vùng, miền của Tổ quốc: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Bình Thuận, Kon Tum và Lâm Đồng.
Trong thời gian 3 ngày (từ ngày 15 - 17/02/2014), ngày hội sẽ tái hiện các lễ hội, nghi lễ mùa Xuân của cộng đồng các dân tộc như hội làng mừng năm mới của dân tộc Dao, hội Chá Chiêng của dân tộc Thái, hội Cồng chiêng mừng năm mới của dân tộc Mường (Hoà Bình), lễ cầu an, cầu mưa thuận gió hoà dân tộc Lô Lô (Hà Giang), lễ hội cầu mùa đầu năm mới của dân tộc Sán Chay (Phú Thọ) hay lễ hội bắt chồng của dân tộc Chu Ru (Lâm Đồng)… |
Bài và ảnh: Lê Trường