Xây dựng Sa Pa thành trung tâm du lịch cấp quốc gia

Tối 2/11, tỉnh Lào Cai long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa, với nhiều hoạt động đặc sắc mang đậm dấu ấn của con người và văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc.

Tới dự Lễ kỷ niệm có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đông đảo du khách, nhân dân các vùng trong khu du lịch.

 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ  tướng Hoàng Trung Hải chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai chào đón Sa Pa 110 năm tuổi, địa danh du lịch nổi tiếng, 1 trong 10 tuyến du lịch đi bộ lý tưởng nhất thế giới, 1 trong 7 quần thể ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất châu Á...

 

Để đưa Sa Pa trở thành Trung tâm du lịch cấp quốc gia, đồng thời là đô thị đặc sắc của vùng Tây Bắc, Phó Thủ tướng mong muốn tỉnh Lào Cai làm tốt công tác quy hoạch và xây dựng đô thị, đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng một cách đồng bộ nhằm xây dựng Sa Pa thành đô thị du lịch, dịch vụ văn minh đặc sắc trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế về phát triển du lịch.

 

Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Ảnh: VGP/Nguyên Linh



Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ, phát triển du lịch gắn với bảo vệ, tôn tạo các di tích, lịch sử văn hóa, cảnh quan môi trường sinh thái. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển du lịch, đầu tư theo phương châm Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm du lịch.

 

Lễ Kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc như: Lễ hội đường phố, khu ẩm thực, triển lãm mang đậm bản sắc các dân tộc trong khu vực, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên, góp phần xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo của Sa Pa-Lào Cai, tạo động lực phát triển kinh tế văn hóa-xã hội của địa phương.

 

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cũng kỳ vọng Lễ hội là cơ hội để Sa Pa có dịp tuyên truyền quảng bá, khai thác tiềm năng du lịch, xúc tiến thương mại-du lịch và đầu tư, thu hút du khách đến với Lào Cai và Sa Pa.

 

Tại Lễ kỷ niệm, Sa Pa đón nhận những danh hiệu kỷ lục về ruộng bậc thang lớn nhất và đèo dài nhất cùng nhiều danh hiệu văn hóa khác.Từ đầu năm đến nay, Sa Pa đón 610.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đến từ 70 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới, tăng trưởng doanh thu du lịch tăng từ 35-40%/năm.

 

Sa Pa nằm trên độ cao 1.600 m so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38 km, trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, với đỉnh Fansipan được mệnh danh là "nóc nhà Ðông Dương", cao 3.143 m, có hệ động, thực vật vô cùng phong phú của Vườn quốc gia Hoàng Liên, được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Sa Pa có cảnh sắc thiên nhiên hữu tình và khí hậu độc đáo, bốn mùa trong một ngày. Buổi sáng là tiết trời mùa xuân; buổi trưa tiết trời như mùa hạ, thường có nắng nhẹ, khí hậu dịu mát; buổi chiều mây và sương rơi tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông.

 

Năm 1897, chính quyền thuộc địa Pháp mở một cuộc điều tra về người dân tộc thiểu số miền núi vùng cao. Mùa đông năm 1903, trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ, đoàn thám hiểm của Sở Ðịa lý Ðông Dương đã khám phá ra cảnh quan mặt bằng Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Sự kiện này đánh dấu việc ra đời của thị trấn Sa Pa. Năm 1905, người Pháp đã tiến hành thu thập những thông tin về địa lý, khí hậu, thảm thực vật...

 

Sa Pa bắt đầu được biết tới với không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan đẹp. Năm 1909, một khu điều dưỡng được xây dựng. Năm 1917, một văn phòng du lịch được thành lập ở Sa Pa và một năm sau, người Pháp bắt đầu xây dựng những biệt thự đầu tiên. Năm 1920, tuyến đường Hà Nội-Lào Cai hoàn thành, người Pháp đã xây dựng ở Sa Pa gần 300 biệt thự, được mệnh danh là "kinh đô nghỉ mát mùa hè" của toàn cõi Ðông Dương thời ấy.

 

Theo Nguyên Linh

Chinhphu.vn