Vùng núi phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam nên ưu tiên phát triển du lịch?

(Dân trí) - Ngày 31/7, tại huyện Đông Giang, lần đầu tiên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và các chuyên gia đã ngồi lại với nhau bàn đến việc liên kết, phát triển kinh tế vùng tại các huyện miền núi Tây Bắc của tỉnh. Các chuyên gia cho rằng, vùng này nên đầu tư để phát triển ngành du lịch.

Vùng núi Tây Bắc tỉnh Quảng Nam gồm 4 huyện Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang có dân số trên 157 ngàn người (chiếm 10,8% dân số tỉnh) và chiếm 45% diện tích Quảng Nam. Cả 4 huyện là một tiểu vùng nghèo nhất tỉnh Quảng Nam, một địa bàn nghèo nhất cả nước tuy có “rừng vàng biển bạc” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

1-0b954
Các chuyên gia cùng lãnh đạo địa phương bàn giải pháp phát triển khu vực Tây Bắc Quảng Nam tại huyện Đông Giang ngày 31/7 

4 huyện này có thu nhập đầu người thấp, thấp xa mức bình quân cả nước, chỉ bằng 50-60%; tỉ lệ hộ nghèo, người nghèo còn rất lớn chiếm 40-60% dân cư trong khi cả nước chỉ số này năm 2014 chỉ còn khoảng 6%.

Nguyên nhân cơ bản vẫn là điều kiện tự nhiên quá khó khăn, rừng nhiều nhưng ruộng đất ít, điều kiện thiên nhiên không thuận lợi cho phát triển công nghiệp; giao thông kết nối kém, đời sống của người dân biệt lập với thế giới bên ngoài...

2-d87f0

Văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào miền Tây Bắc Quảng Nam lôi cuốn du khách. Trong ảnh: Múa cồng chiêng trong ngày làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang) mở cửa đón du khách 

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), trong 30 năm đổi mới vừa qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm phát triển không ít đến vùng nghèo khó này. Bằng chứng là các chương trình xóa đói giảm nghèo, các nỗ lực hỗ trợ phát triển không nhỏ từ các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế khác. Những sự trợ giúp này đã mang lại những kết quả tích cực không nhỏ. Đặc biệt, công cuộc đổi mới đã góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống người dân 4 huyện này.

Tuy nhiên, cũng theo ông TS. Trần Đình Thiên, dù những kết quả đổi mới mang lại rất lớn lao, đã thay đổi mạnh mẽ đời sống của người dân nơi đây thì chúng ta cũng không hề phủ nhận thực tế cho đến bây giờ, sau hàng ngàn năm sống với núi rừng, với nền văn hóa hồn nhiên như cây cỏ, đây vẫn là vùng nghèo khó.

3-4edc0
 Đồng bào Cơtu huyện Tây Giang múa điệu tung tung za zá trong lễ hội đâm trâu mừng lúa mới 

“Nếu cứ tiếp tục phát triển như vậy, vẫn dựa vào phương thức nông nghiệp – nông thôn – nông dân cổ truyền, bám chặt lấy rừng, phát triển tự cấp, tự túc, ít liên kết với bên ngoài thì chúng ta sẽ không thể trông đợi gì ở một sự thay đổi mang tính đổi đời thực sự”, TS. Trần Đình Thiên phát biểu.

Để thúc đẩy vùng này phát triển ngang bằng với các vùng khác, TS. Trần Đình Thiên đưa ra các đề xuất: Cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với miền xuôi, với các đô thị lớn như Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai... Có chiến lược hỗ trợ phát triển các cây con đặc sản với sự tham gia của doanh nghiệp với tư cách là lực lượng chủ đạo, dẫn dắt. Có chiến lược liên kết du lịch biển với du lịch núi, ưu tiên cho việc tạo ra sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc của các huyện miền núi...

4-7bcef
Đồng bào Cơtu dệt thổ cẩm phục vụ du khách 

Rất nhiều ý kiến của chuyên gia nhấn mạnh đến yếu tố du lịch để phát triển vùng đất này. TS. Quách Thị Xuân (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng) cũng cho rằng, cần huy động nguồn lực tài chính và nhân lực du lịch để thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng nên được coi là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển của các huyện này.

Còn PGS.TS. Phạm Trung Lương (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch) cũng cho rằng, ở vùng đất này có khí hậu mát mẻ quanh năm, có nhiều nét văn hóa độc đáo, nhiều thác ghềnh và nhiều giá trị về văn hóa của đồng bào dân tộc nên có thể tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù độc đáo.

Trong đó, nên chú trọng các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng núi và du lịch lịch sử dọc đường Hồ Chí Minh huyền thoại sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời đối với du khách.

5-17d88
 Một đoạn đường mòn Hồ Chí Minh qua huyện Tây Giang được du khách lựa chon để tham quan 

“Việc xác định hệ thống sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch đặc thù chính là căn cứ quan trọng cho hoạt động xúc tiến quản bá du lịch vùng Tây Bắc Quảng Nam trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung nói chung”, PGS.TS. Phạm Trung Lương phát biểu.

Đối với lãnh đạo địa phương, ông Bhling Mia – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang – thì cho rằng liên kết sản phẩm du lịch, cần phải tạo ra sản phẩm riêng lẻ mang tính đặc thù riêng. Ông Mia cho rằng, huyện Đông Giang, Tây Giang đều có sản phẩm dệt thổ cẩm, huyện A Lưới (TT-Huế) bên cạnh cũng có dệt thì người ta chỉ cần đến một địa phương và không cần đi đến những địa phương khác.

Còn ông Lê Trí Thanh  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – thì cho rằng cần thay đổi nhận thức người dân, bỏ tư tưởng tiểu nông sản xuất sang công nghiệp dịch vụ. Chọn lọc một số ngành nghề để đầu tư phát triển, trong đó chú trọng đến du lịch.

Theo phó Chủ tịch Quảng Nam, cần xác định tour tuyến điểm du lịch trọng điểm, kêu gọi các nhà lữ hành đến tư vấn. Gắn kết du lịch với Đà Nẵng, Hội An để kết nối du lịch rừng với du lịch biển. Trong đó, phát triển loại hình du lịch văn hóa bền vững. Chọn ra một sản phẩm liên kết ngắn ngày nhất, lợi ích phân đều để liên kết rồi từ từ nhân rộng ra các liên kết khác.

Bên cạnh đó, cần kiến nghị với Chính phủ xin cơ chế cho vùng Tây Quảng Nam như cơ chế của các tỉnh Tây Nguyên để 4 huyện này được đầu tư và có nhiều cơ hội hơn mới hy vọng khu vực này thoát nghèo bền vững.

Công Bính

Email: Congbinh@dantri.com.vn