Vụ trộm táo tợn lấy cắp 9 báu vật ở Tử Cấm Thành gây xôn xao dư luận
(Dân trí) - Tận dụng chiều cao nhỏ thó của mình, tên trộm đã trà trộn vào giữa đoàn khách du lịch mà không mua vé, đợi về đêm mới tiến hành gây án. Sau khi lấy trộm 9 món vật quý, hắn trèo tường tẩu thoát.
Tử Cấm Thành là một trong những công trình hoành tráng mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa của Trung Hoa. Đây là nơi ở của giới Hoàng tộc thuộc hai triều đại phong kiến nhà Minh và nhà Thanh, đồng thời là trung tâm chính trị của Trung Quốc suốt 500 năm.
Kể từ năm 1925, Tử Cấm Thành thuộc quyền quản lý của Bảo tàng Cố Cung - nơi sở hữu bộ sưu tập phong phú các tác phẩm nghệ thuật, hiện vật, dựa trên các bộ sưu tập từ thời Minh, Thanh.
Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm, Bảo tàng Cố Cung đón khoảng 6 đến 8 triệu lượt khách trong và ngoài nước. Là nơi trưng bày nhiều bộ sưu tập quý giá nên bảo tàng cũng bị nhiều tên trộm "nhòm ngó".
Kể từ năm 1949 đến nay đã ghi nhận 6 vụ trộm táo tợn xảy ra tại Tử Cấm Thành. Các vụ trước, có hai tội phạm bị xử tử hình, ba kẻ bị xử chung thân vì tội trộm trang sức, bát đĩa vàng và ấn tín cổ của cung đình xưa.
Trong đó, vụ trộm xảy ra vào năm 2011 được dư luận chú ý nhất. Bởi đây vốn là nơi có hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt nhưng lại để một tên trộm thiếu sự chuẩn bị kỹ càng thực hiện trót lọt và tẩu thoát thành công. Điều này khiến ban quản lý hứng chỉ trích nặng nề.
Vụ việc xảy ra vào đêm ngày 8/5/2011, nhân viên bảo vệ tại Tử Cấm Thành phát hiện đối tượng khả nghi nên yêu cầu người này ngồi tại chỗ để lấy điện thoại báo lại cấp trên. Thừa thời cơ, đối tượng vội bỏ trốn.
8h sáng ngày 9/5, trước khi Tử Cấm Thành mở cửa đón khách, nhân viên bảo tàng phát hiện có lỗ hổng tại bức tường trang trí ở Điện Thành Túc. Trong đó, 9 món trang sức quý bên trong bị lấy trộm.
Đó là những món trang sức dát vàng, khảm kim cương, bạch kim và đá quý được chế tác từ đầu thế kỷ 20, mang tính giá trị lịch sử cao. Chúng vốn thuộc về bảo tàng tư nhân Lưỡng Y tại Hong Kong (Trung Quốc) và là một trong những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm do hai bảo tàng phối hợp tổ chức.
10h sáng cùng ngày, nhân viên tại đây phát hiện 2 món tang vật nằm ở gần tường thành, một trong số đó bị hư hại nghiêm trọng. Sáng 11/5, bảo tàng Cố Cung và bảo tàng Lưỡng Y cùng tổ chức họp báo, công khai danh sách những món vật bị đánh cắp và 2 món bị vứt lại ở hiện trường nhằm ngăn chặn kẻ trộm mang bán ở thị trường chợ đen.
Ngày 11/5, cảnh sát Bắc Kinh thông báo đã bắt được nghi phạm Thạch Bách Khôi, 27 tuổi, tại một quán cafe ở Phong Đài, ngoại ô thành phố, cùng một số tang vật. Vụ trộm kết thúc sau 58 giờ phá án.
Tại cơ quan điều tra, Thạch khai nhận từng làm nghề nông ở tỉnh Sơn Đông. Sau đó, hắn bỏ nhà lên Bắc Kinh tìm việc. Lâm vào cảnh túng bấn, Thạch thấy nhiều món cổ vật đáng giá ở các bảo tàng nên nảy sinh ý đồ xấu, lên kế hoạch đánh cắp.
Lợi dụng vóc dáng nhỏ thó của mình, hắn lẩn vào đoàn khách du lịch tới thăm Tử Cấm Thành và trốn lậu vé. Tới Điện Thành Túc, hắn trốn vào một căn phòng nhỏ, đợi về đêm mới gây án.
22h ngày 8/5/2011, hắn đập vỡ cửa kính trong phòng trưng bày, để lại dấu vân tay trên hiện trường và lấy cắp 9 món vật. Khi bị phát hiện, hắn bỏ chạy. Trong quá trình tẩu thoát, 5 món bị rơi mất, chỉ còn lại 4 món.
Thạch tìm người nhờ giám định các món vật báu, nhưng lại được biết đó chỉ là "đồ giả" nên tức giận vứt hết vào thùng rác. Sau đó, hắn trốn vào quán internet cho tới lúc bị bắt.
Nếu bán được những món cổ vật này, Thạch có thể thu lợi bất chính 150.000 tệ (542 triệu đồng). Ngày 19/3/2012, Thạch Bách Khôi bị tuyên án 13 năm tù vì hành vi đột nhập và trộm cắp, phạt 13.000 tệ (46,9 triệu đồng).
Sau vụ việc, trên trang web chính thức của Tử Cấm Thành đã công khai các lỗ hổng an ninh đồng thời thừa nhận sai sót.