Vợ chồng người Việt chi hơn 600 triệu đồng làm "nhà di động" vi vu nước Mỹ
(Dân trí) - Vợ chồng chị Mây Phạm đã chuyển vào sống trong "nhà di động" đi khắp nước Mỹ qua các tiểu California, Nevada, Utah...
Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới năm 2020, cũng là lúc vợ chồng chị Mây Phạm chuyển vào sống trong "nhà di động" đi khắp nước Mỹ qua các tiểu California, Nevada, Utah, Idaho, Colorado, Arizona, Wyoming và Montana.
Loại xe mà vợ chồng Mây lựa chọn là xe vận chuyển hàng hóa cũ hiệu Mercedez Dodge Sprinter, giá 15.000 USD. Nhìn từ bên ngoài, chiếc xe của vợ chồng chị giống như những chiếc xe thông thường khác, nhưng bên trong được thiết kế với đầy đủ tiện nghi của một "ngôi nhà di động".
Chồng chị Mây là người lên ý tưởng cũng như thiết kế xe. Chi phí để mua nguyên, vật liệu trong xe là 25.000 USD. Trong 3 tháng liên tục, anh dành mỗi ngày 10 tiếng để thi công và tới tháng 4/2020, chiếc xe đã hoàn thiện.
Trên xe có đầy đủ phòng ngủ, chậu rửa, bàn ăn, tủ lạnh, hệ thống quạt hút gió, hệ thống xả thải và điện năng lượng mặt trời... Từng chi tiết như bàn ăn, tủ đồ đều được thiết kế để gấp gọn nhất có thể. Ngoài ra, xe cũng có hệ thống cách âm, cách nhiệt. Ngoài nấu bếp điện, "ngôi nhà di động" còn được lắp bếp gas để nấu ngoài trời.
Trên xe cũng được trang bị thùng nước sinh hoạt khoảng 115 lít nước có thể duy trì cho hoạt động bình thường nhiều ngày. Còn hệ thống thùng thải có thể chứa 60 lít và xả ở nơi phù hợp, đặc biệt gia đình không dùng hóa chất nên có thể tưới cây và không gây ô nhiễm.
Với hai vợ chồng chị Mây, có hai loại du lịch là khám phá và nghỉ dưỡng. Đối với du lịch khám phá chị sẽ chọn những nơi không có du lịch để đi và phù hợp với chiếc xe của gia đình. Còn du lịch nghỉ dưỡng là chọn những nơi cảnh đẹp làm chỗ dừng chân trong nhiều ngày, hàng ngày đọc sách, nấu cơm, đi bộ...
Hai vợ chồng đã đi nhiều nơi nhưng ấn tượng nhất là đi khám phá những suối nước nóng tự nhiên ở Lake Mammoth. Di chuyển bằng "ngôi nhà di động" nên anh chị Mây có thể tìm thấy những suối nước nóng thiên nhiên ít người qua lại. Đậu xe ngay ở đó để có thể tắm nước nóng mỗi ngày. Cảm giác dậy sớm 5 giờ sáng khi khí trời lành lạnh khoảng 10 độ C cho dù là mùa hè, còn suối nước nóng thì khoảng 38 độ C, vừa tắm vừa ngắm cảnh bình minh, rất sảng khoái.
Qua chuyến đi này chị Mây học được một bài học quý giá. Những thứ đến từ thiên nhiên đều tốt, đều rẻ thậm chí là miễn phí. Lúc trước, một gói đi spa xông hơi chị phải trả khoảng 100 USD lại không thể ngắm cảnh. Còn bây giờ tắm suối nước nóng đầy khoáng chất tốt cho sức khỏe, bao quanh là núi non hùng vĩ… mà hoàn toàn miễn phí.
Cuối tháng 3 năm nay, vợ chồng chị Mây đã có chuyến đi 14 ngày dọc các bang Nevada - Idaho - Utah. Tại Nevada cô ghé thăm Công viên Lịch sử Ward Charcoal Ovens, suối nước nóng Bishop Creek... Tiếp tục hành trình, họ đến Idaho - tiểu bang có hàng trăm suối nước nóng.
Thời điểm đẹp nhất để du lịch nơi đây là tháng 5 đến tháng 9, tuy nhiên việc du lịch trái mùa đã cho vợ chồng chị Mây có một trải nghiệm khác biệt và đáng nhớ. Cảnh vật xung quanh vẫn phủ đầy tuyết nhưng trời đã ấm áp hơn. Được đi bộ đường dài trong tuyết lạnh rồi ngâm mình trong suối nước nóng với làn khói tỏa xung quanh như tại Pine Flats, Kirkham đối với vợ chồng chị là kỷ niệm khó quên.
Khoảng ngày thứ 10 trong hành trình, vợ chồng chị Mây đã tới công viên đảo Antelope, bang Utah, nơi sinh sống của đàn bò rừng lớn thứ 3 tại Mỹ, với khoảng 550-700 con. Nhưng khi tới đây họ đã gặp những cảnh đẹp ngoài sức tưởng tượng như các vùng nước phản chiếu, những bãi biển và động vật hoang dã.
Điểm đến cuối cùng trong chuyến đi là khu giải trí hồ Mead, một ốc đảo trên sa mạc. Nơi đây hội tụ những ngọn núi hiểm trở, thung lũng tươi tốt, sa mạc khô cằn và làn nước trong lành. Ở đây cũng có suối nước nóng để trải nghiệm spa và bể sục, với những con cá nhỏ làm nhiệm vụ tẩy tế bào chết trên da.
Mới đây, vào cuối tháng 6, vợ chồng chị Mây ghé thăm vườn thú The Living Desert, ở bang California. Đây là nơi bảo tồn khoảng 500 động vật hoang dã thuộc 150 loài và bảo vệ môi trường sống tự nhiên của chúng. Ở đây, du khách có thể ngắm báo Gêpa, ngựa vằn... Đây cũng là lần đầu tiên chị Mây lại gần và chơi đùa cùng hươu cao cổ, chi phí dịch vụ là 7 USD.
Đối với hai vợ chồng chị Mây, cuộc sống lưu động trên xe van chỉ có ưu mà không có nhược điểm. Trước khi chuyển lên xe van, họ đã dành 2 năm để lên kế hoạch, tính toán mọi tình huống nên hầu như không có khó khăn gì.
"Đậu xe ở những nơi hoang vu cũng tự tập tính đề cao cảnh giác, cẩn thận mọi chuyện. Nói chung đi những chuyến này vai trò người chồng rất quan trọng. Chị rất yên tâm khi đi với chồng chị, anh tháo vát (có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành xây dựng), có kỹ năng sinh tồn, lại có võ, vừa là thợ cơ khí (xe hỏng gì là anh biết sửa liền),...", chị Mây chia sẻ.
Việc sống trên xe với chị cũng là một kiểu tiết kiệm những chi phí thuê nhà, điện nước. Đặc biệt khi đi du lịch, sẽ không cần tiền khách sạn, vé máy bay. Sau khi biên giới mở lại, vợ chồng cô có thể lái xe tới Canada, Mexico. Sắp tới, hai vợ chồng có kế hoạch mua đất làm nông trại, để có thể tự cung cấp thực phẩm.