Vĩnh Phúc nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh
(Dân trí) - Là địa phương nằm ở cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh và nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Bên cạnh những điểm đến trở thành thương hiệu như khu du lịch quốc gia Tam Đảo, khu danh thắng quốc gia Tây Thiên, khu du lịch hồ Đại Lải, Vĩnh Phúc được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh độc đáo để phát triển thành chuỗi kết nối những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch MICE, du lịch khám phá...
Đó đều là những yếu tố đặc biệt trong tài nguyên du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần tạo sự đa dạng cho du lịch địa phương. Điều này cũng thể hiện qua những con số tăng trưởng trong ngành du lịch tỉnh nhà những năm qua.
Cụ thể, năm 2018 thời điểm trước dịch, Vĩnh Phúc thu hút 5,2 triệu lượt khách đạt doanh thu gần 1.700 tỷ đồng. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, năm 2022, lượng khách tăng lên đáng kể đạt mức 8,2 triệu lượt, doanh thu trên 3.200 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đón hơn 8,7 triệu lượt khách du lịch, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 82,3% kế hoạch năm đề ra.
Được biết, việc phấn đấu đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nằm trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn tới năm 2050 và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cùng với Luật Du lịch được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018. Qua đó, Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước.
Ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, bên cạnh những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, hệ thống di tích lịch sử và các giá trị văn hóa phi vật thể, Vĩnh Phúc đang khẳng định thế mạnh là du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo du lịch, du lịch kết hợp chơi golf và du lịch tâm linh.
Trong đó, lãnh đạo phòng Quản lý du lịch Vĩnh Phúc cho rằng, yếu tố con người trong phát triển du lịch luôn được địa phương quan tâm và đề cao.
Bên cạnh việc đào tạo đội ngũ phục vụ trực tiếp các dịch vụ du lịch, xây dựng cộng đồng dân cư văn minh sẵn lòng chia sẻ là yếu tố rất quan trọng. Đặc biệt cần phát huy tính sáng tạo của người dân trong các hoạt động du lịch tại địa phương.
Để tạo bước đột phá phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn đầu tư công, các dự án tập trung vào hạng mục công trình như đường giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng...
Bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, du lịch văn hóa... Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng vào các ngày cuối tuần và du lịch lễ hội là hai loại hình thu hút được nhiều du khách nhất.
Theo số liệu thống kê trên toàn tỉnh, trước đó đến tháng 12/2017, nhân lực ngành du lịch Vĩnh Phúc khoảng 28.900 người, chiếm 2,4% tổng số lao động toàn tỉnh, thì tới năm 2023, nhân lực toàn ngành du lịch của tỉnh tăng lên 40.500 người.
Trong đó có 11.500 người là lao động trực tiếp. Con số nhân sự ngành du lịch tăng phản ánh vai trò của ngành và tính hiệu quả trong công tác xã hội hóa hoạt động du lịch.