Vì sao du khách vẫn đổ về “Núi ăn thịt người”?
(Dân trí) - Khoảng 8 triệu người đã bị thiệt mạng ở ngọn núi Cerro Rico của Blovia. Nhưng bất chấp mọi nguy cơ tử vong, người lao động nghèo vẫn lao về đây để kiếm kế sinh nhai.
Cerro Rico thuộc Potosi – một trong những thành phố cao nhất thế giới, nằm ở phía tây nam của Blovia. Tên của ngọn núi do người Tây Ban Nha đặt bởi họ nghĩ toàn bộ ngọn núi này làm từ quặng bạc. Bên trong hầm mỏ hàng trăm năm tuổi của núi Cerro Rico là nơi từng để khai thác bạc. Thứ kim loại này từng mang tới sự thịnh vượng cho người Tây Ban Nha. Nhưng cũng vì thế, Cerro Rico còn là mồ chôn của hàng triệu người lao động Bolivia.
Năm 1545, một thị trấn khai thác mỏ được lập nên ngay dưới chân núi Cerro Rico. Khoảng 3 triệu người dân bản địa buộc phải làm việc trong hầm mỏ. Hàng trăm ngàn người đã chết vì tai nạn, làm việc quá sức hoặc đói và bệnh tật. Qua hàng trăm năm khai thác mỏ để lại trong ngọn núi hàng nghìn lỗ hổng và sự mất ổn định. Thật vậy, Cerro Rico đã bị giảm vài trăm mét chiều cao trong giai đoạn khai thác mỏ thời kỳ người Tây Ban Nha đô hộ ở đây.
Theo nhà sử gia Eduardo Galeano, khảng 8 triệu người đã chết ở Cerro Rico kể từ thế kỷ 16. Dù các nhà phê bình cho rằng, con số này có phần phóng đại, bao gồm cả những người từng sống rồi di rời khỏi khu vực, và những người chết khi làm việc trong mỏ. Dù đến nay, người ta vẫn chưa thống kê chính xác con số cụ thể, nhưng cũng vì lẽ đó, Cerro Rico được mệnh danh là “Ngọn núi ăn thịt người”.
Với những người từng bỏ mạng ở đây, phần lớn chết vì bệnh phổi do hít quá nhiều bụi và khí độc. Thông thường, trong những khu mỏ hiện đại ngày nay, lớp bụi sẽ được ngăn chặn bởi một hệ thống nước xối thẳng vào các mũi khoan. Nhưng trong hầm mỏ ở núi Cerro Rico không được trang bị đầy đủ như vậy. Tại đây, bụi trôi thẳng xuống hầm mỏ và những người lao động hít trực tiếp vào phổi. Lâu ngày, bụi gây sẹo ở mô phổi kèm theo các triệu chứng viêm phế quản mãn tính, sốt, đau ngực, sụt cân, suy nhược cơ thể và cuối cùng là cái chết. Rất ít những người đàn ông từng làm ở đây sống quá độ tuổi 40. Theo số liệu thống kê từ Hội phụ nữ địa phương, mỗi tháng quanh nơi này có tới 14 phụ nữ góa chồng.
Ngày nay, các khu hầm mỏ không còn hoạt động mạnh mẽ như trước. Thành phố Potosi cũng suy thoái kinh tế từ đó. Nhưng bù lại, ngọn núi Cerro Rico lại trở thành cứu cánh cho nền kinh tế thành phố. Năm 1987, UNESCO đã công nhận Cerro Rico là Di sản Thế giới, đưa lượng khách du lịch đến với thành phố.
Potosi là thành phố và là thủ phủ vùng Potosi ở Bolivia. Đây là thành phố lớn thứ 8 của quốc gia này, đồng thời là thành phố cao nhất thế giới, nằm ở độ cao hơn 4000m. Nó từng là vị trí của nhà máy đúc tiền thời kỳ thực dân Tây Ban Nha. Ngọn núi Cerro Rico ở đây chứa nhiều quặng bạc nên từng là nguồn cung cấp bạc chính cho Tây Ban Nha trong thời gian đô hộ. Nguồn bạc khai thác từng được chở bằng tàu về bổ sung kho báu của Tây Ban Nha.
Hoàng Hà
Theo Apt, WK