Về đâu, ẩm thực vỉa hè?

Việc giành vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội đang đạt được những hiệu quả tích cực. Vỉa hè ở hai thành phố lớn nhất cả nước đã thông thoáng tương đối.

Nhưng, bên cạnh đó, những tiện ích quen có của thị dân cũng đang dần thay đổi, đặc biệt là ẩm thực. Khi những quán hàng trên vỉa hè đã không còn, thói quen ăn uống, thậm chí là nguồn vui từ những thức ăn vặt, cốc trà đá, cốc cà phê... ở không gian quen thuộc ấy rõ ràng cũng khó được như xưa.

Và, nếu lần "dẹp loạn" vỉa hè này thành công và làm thay đổi bộ mặt đô thị, chúng ta có lo về tương lai của... ẩm thực vỉa hè?

Nói về ẩm thực hè phố Hà Nội, một trong những tư liệu đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến là "Hà Nội băm sáu phố phường" của nhà văn Thạch Lam. Thạch Lam đã diễn tả tinh tế quán ăn vặt "trong các ngõ con và trên các bờ hè" từ đầu thế kỷ trước:

"Có ai buổi trưa hay buổi đêm khuya, đi qua các nhà cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rõ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình."

Rõ ràng, ẩm thực vỉa hè không chỉ là một mặt hàng dịch vụ giúp cung cấp cho các thị dân. Xa hơn, các quán hàng trong Thành phố gắn với nhiều thân phận, mảnh đời và nét văn hóa riêng có của Thủ đô.


Một quán cà phê vỉa hè nhộn nhịp ở Hà thành.

Một quán cà phê vỉa hè nhộn nhịp ở Hà thành.

Nhiều quán hàng được trao truyền qua các thế hệ người Hà Thành. Nhiều quán khác vắt qua hai thế kỷ, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Sự tồn tại lâu năm của các quán hàng trên vỉa hè là minh chứng rõ ràng nhất về chất lượng đồ ăn cũng như niềm thiết tha của người Hà Nội với những gánh quà vỉa hè.

Đó là những cuốn "sử liệu" truyền từ đời này qua đời khác "ghi lại" những biến chuyển của Thủ đô; là hương thầm sắc ẩn mà càng trải nghiệm, thực khách càng thấy thiết tha với thành phố ngàn năm văn hiến!

Không chỉ khách trong nước, du khách quốc tế cũng háo hức với kiểu ẩm thực ấy. Quan sát cảnh các "ông Tây" hào hứng ngồi tại vỉa hè, hoặc đọc các cẩm nang về du lịch Việt Nam, bạn sẽ thấy điều này.

Tôi thì không tin là ẩm thực vỉa hè sẽ đến lúc tàn cuộc.

Bản chất của văn hóa trong đời sống là cân bằng động. Nó biến chuyển để thích nghi hằng ngày. Nên, không một nét đẹp văn hóa nào dễ dàng mất đi trong ngày một, ngày hai. Đặc biệt, quán hàng vỉa hè Hà Nội là loại hình kinh doanh thích ứng linh hoạt bậc nhất của lịch sử Hà Nội. Nó đã tồn tại qua nhiều biến cố dữ dội.

Hơn thế, mỗi quán hàng gắn với kế sinh nhai của một người hoặc một gia đình. Nên, bằng cách này, cách khác, các quán hàng nổi tiếng sẽ xoay xở tới cùng để tiếp tục kinh doanh dưới những hình thức phù hợp hơn với quy định của chính quyền Thành phố.

Điển hình, trong muôn vàn ví dụ về ẩm thực vỉa hè, tôi muốn liệt kê ra một "mặt hàng" đơn giản tới mức đôi khi chúng ta quên gọi nó là ẩm thực. Đó là trà đá.

Trà đá, gắn với một bộ phận lớn những người lao động, gắn với sinh viên, và ít nhiều cũng là thói quen của rất nhiều người trong cuộc sống hàng ngày.

Loại hình này sẽ rất khó để thuê mặt bằng như các hàng ăn. Bởi, đặc thù của trà đá là chi phí đầu tư rất thấp và giá thành sản phẩm của thấp. Nhưng, ngược lại, "cơ ngơi" của các quán trà rất nhỏ và cơ động.

Những ngày gần đây, dù các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, nhưng nhiều quán trà đá vẫn tồn tại. Họ tận dụng bậc tam cấp thụt vào của một căn hộ. Họ tranh thủ vài mét vuông trống giữa các căn nhà. Và vẫn có khách.

Tất nhiên, để văn hóa ẩm thực vỉa hè tồn tại, người Hà Nội phải chấp bỏ đi những thói quen ngồi la liệt khắp vỉa hè như xưa. Thực khách có thể phải đi bộ xa hơn để có bữa ăn ngon. Hoặc thực khách phải chui vào những ngõ sâu, nơi các quán hàng thuê mặt bằng giá rẻ...

Có thể, điều đó ít nhiều gây sự khó chịu, bất tiện so với những thói quen xưa cũ. Nhưng, chúng ta hãy chấp nhận sự bất tiện ấy, để vừa giữ văn hóa ẩm thực vỉa hè, vừa đảm bảo những tiện ích của nó trong giao thông đô thị.

Theo Mỹ Mỹ

Thể thao & Văn hóa