Nghệ An:
Tưng bừng ngày hội “Huyền thoại miền đất cổ”
(Dân trí) - Trong các ngày từ 28-29/2/2016, tại huyện miền núi cao Quỳ Châu, Nghệ An long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Hang Bua năm 2016 với chủ đề “Huyền thoại miền đất cổ”. Lễ hội được tổ chức trong 2 ngày, từ 21 đến 22 tháng Giêng.
Trong phần khai mạc, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Ngô Đức Thuận đã ôn lại lịch sử “Huyền thoại miền đất cổ” rằng: Từ xa xưa những người dân địa phương còn nhặt được trong hang hai chiếc rìu đá - loại công cụ đặc trưng của con người thời kỳ đồ đá mới hậu kỳ.
Hang Bua là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, là vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho con người. Trong hang còn lưu giữ nhiều hình khối kỳ thú, tượng trưng những huyền thoại đặc sắc như Thần Núi (Phí - Nu - Phá - Hủng) và thần nước (Phí - Nặm - Huồi - Hạ) giao tranh. Chuyện tình Tạo Khủn - Tinh và nàng Ni (nàng Ni vào hang tìm và chờ đợi người yêu cho đến khi hóa đá)…
Đến hang Bua, chúng ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi sông, cỏ cây xanh ngát một màu. Cửa chính hang Bua quay mặt về hướng Nam, phía trước là thung lũng Chiềng Ngam rộng lớn, với những bản làng của người Thái sầm uất, yên vui.
Đây cũng là nơi gặp nhau của 3 con sông: Sông Quàng, sông Việt và sông Hạt để rồi hợp lưu thành sông Hiếu thơ mộng uốn mình chảy qua các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn đổ về song Lam cùng xuôi ra biển Đông. Khí hậu nơi đây mát mẻ, cây cối tốt tươi muôn sắc, muôn loài muông thú tụ họp về đây. Hang Bua có 3 cửa: Cửa chính, cửa phụ và cửa sau. Cửa chính và cửa phụ có hình bông hoa sen nên còn được gọi là “Boọc Bua”.
Hang Bua (tiếng thái gọi là Thẳm Bua) nằm trên dãy núi đá vôi “Phà én” thuộc hệ thống dãy Trường Sơn bắc huyện Quỳ Châu, cách TP. Vinh khoảng gần 200km.
Hang Bua được hình thành trong quá trình kiến tạo địa tầng cách đây hàng triệu năm, là một danh thắng tự nhiên, gắn liền với truyền thuyết lịch sử, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Đây là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, là vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng con người ở nơi đây.
Về với lễ hội Hang Bua du khách cũng sẽ được biết đến những huyền thoại về sự tích: Thần Núi (Phí Nu Phá hủng) và thần nước (Phí Nặm huồi hạ) giao tranh; chuyện tình Tạo Khủn Tinh và Nàng Ni… còn để lại dấu tích nơi Hang Bua bằng các khối hình kỳ thú.
Lễ hội Hang Bua mang nét độc đáo chứa đựng các yếu tố văn hoá dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, là nơi hội tụ, bảo lưu những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như: ném còn, nhảy sạp, khắc luống, cồng chiêng, hát nhuôn, suối, on, ổi, giao duyên, thi người đẹp vùng sơn cước…
Lễ hội Hang Bua là điểm hẹn của tình yêu đôi lứa. Cùng với các môn thể thao đặc trưng, các Phần lễ tổ chức tại đền thờ thành hoàng Mường Chiềng Ngam để ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân có công khai bản lập mường như Xiêu Bọ, Xiêu Ké, Xiêu Luông.
Đây là lễ hội truyền thống mang đậm bản chất văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Miền tây Nghệ An. Các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống của người dân tộc Thái ở đã diễn ra tưng bừng, với các diễn viên, vận động viên đến từ 12 xã thị trấn của huyện miền núi Qùy Châu.
Lễ hội năm nay, với các lễ nghi và hoạt động văn hóa thể thao truyền thống đã thu hút hàng ngàn du khác thập phương, các nghi lễ tâm linh nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào Thái ở Qùy Châu như: Giao lưu văn nghệ, thi bắn nỏ, thi đẩy gậy, thi văn hóa ẩm thực, văn hóa rượu cần, thi thêu váy, kéo sợi, viết chữ thái…
Đặc biệt, lễ hội Hang Bua có nhiều gian trưng bày và giới thiệu những sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Phần thi được nhiều người chờ đợi nhiều nhất là thi người đẹp Hang Bua, thu hút rất nhiều du khách sẽ được diễn ra vào đêm 28-29/2.
Trước khi khai hội, thầy mo làm lễ cầu xin thần núi, thần hang cho phép mở cửa hang để “trai gái được vào chơi, cầu cho thành đôi hạnh phúc, lúa tốt như rừng gianh đầu bản”, rồi mọi người vào hang quét dọn. Sau này, khi có đền thờ mường Chiềng Ngam, còn có các lễ yết cáo, lễ đại tế và lễ tạ diễn ra tại đền nhằm tưởng nhớ công ơn những người có công khai bản lập mường.
Được biết, ngoài những hoạt động văn hóa nêu trên, Lễ hội Hang Bua năm nay có thêm nét mới, đó là thi kể chuyện dân gian Thái, thi trình diễn kỹ thuật chế biến rượu cần, thi viết chữ Thái, quấn hương trầm… Nếu chưa một lần đến thì bạn hãy về hội Hang Bua xuân này để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của hang động, được say trong những điệu khèn, những khúc nhuôn, xuối, lăm tha thiết… bên bãi cỏ, trong lều trại, bên ánh lửa bập bùng của nhà sàn…, và nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc khác.
Dưới đây là một số hình ảnh Tưng bừng ngày hội “Huyền thoại miền đất cổ” do PV Dân trí ghi lại:
Nguyễn Duy