Trung Quốc: Lộ sự thật về cô gái 200 lần ăn phải ruồi, ốc vít ở nhà hàng

Huy Hoàng

(Dân trí) - Trong vòng khoảng một năm, Đặng đã thực hiện hành vi cho ruồi và ốc vít vào món ăn của nhà hàng rồi gọi điện "bóc phốt", đòi yêu cầu tiền bồi thường. Tổng số tiền cô thu được gần 70 triệu đồng.

"Khách hàng là thượng đế" - Câu nói này vốn được nhiều nhà hàng ở Trung Quốc áp dụng, nhưng không phải trường hợp nào cũng đúng.

Một cô gái ở thành phố Tây an, tỉnh Thiểm Tây thuộc phía tây bắc Trung Quốc, vừa bị bắt giữ vì hành vi giả vờ tìm thấy những vật thể lạ như ruồi, ốc vít trong đồ ăn được nhà hàng giao tới. Sau đó, người này chụp ảnh tống tiền các nhà hàng. Mỗi phi vụ thành công, người này thu về hơn 500 nhân dân tệ (1,7 triệu đồng).

Trung Quốc: Lộ sự thật về cô gái 200 lần ăn phải ruồi, ốc vít ở nhà hàng - 1
Đặng thả ruồi vào món bún nước rồi chụp ảnh làm bằng chứng, tố cáo nhà hàng làm ăn không đảm bảo vệ sinh (Ảnh: Sina).

Thông tin được Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kinh cho biết, cảnh sát Bắc Kinh đã theo dõi một người phụ nữ họ Đặng suốt thời gian gần một năm. Người này ở cách Bắc Kinh hơn 1.000km, liên tục đặt đồ ăn và thực phẩm của các nhà hàng qua mạng.

Sau khi nhận được đồ, Đặng gửi khiếu nại tới đường dây nóng của các nhà hàng, phản ánh về việc tìm thấy món vật lạ. Người này đe dọa để lại đánh giá tiêu cực trên nền tảng mạng xã hội hoặc nộp đơn khiếu nại tới cơ quan y tế nếu nhà hàng không chịu bồi thường.

Tại cơ quan điều tra, Đặng thú nhận hành vi và cho biết đã thực hiện hơn 200 lần. Với những lần tống tiền trót lọt, Đặng thu về tổng số tiền bồi thường là 20.000 nhân dân tệ (gần 70 triệu đồng).

Do sự cạnh tranh khốc liệt, các nhà hàng ở Trung Quốc hiện rất nhạy cảm với những lời đánh giá tiêu cực từ thực khách. Việc khách đánh giá ra sao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới điểm số của người bán trên nền tảng giao đồ ăn. Nhiều khách hàng lấy điều này làm tiêu chí chính để lựa chọn nhà hàng.

Trung Quốc: Lộ sự thật về cô gái 200 lần ăn phải ruồi, ốc vít ở nhà hàng - 2
Một lần khác, Đặng nói tìm thấy ốc vít bên trong một món ăn (Ảnh: Sina).

Luật sư Zhang Baile đến từ công ty luật Shanghai Seven Dimension cho biết, nếu nhà hàng tin việc tố cáo của Đặng và số tiền vượt mức quy định hình sự, thậm chí cô gái này sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa đảo.

Ngược lại, nếu nhà hàng cảm thấy bị cưỡng ép bồi thường do lo sợ đánh giá tiêu cực hay báo cáo với chính quyền, tội danh của Đặng là cưỡng đoạt.

Cũng theo luật sư Zhang, do số tiền liên quan khá lớn nên Đặng có thể phải đối diện với mức án 3 năm tù và phạt tiền. 

Theo truyền thông Trung Quốc, Đặng không phải là người tiên phong lợi dụng áp lực kinh doanh mà các nhà hàng phải đối mặt trong ngành công nghiệp thực phẩm cạnh tranh khốc liệt tại thị trường tỷ dân.

Trước đó vào tháng 11/2023, cảnh sát nước này đã bắt giữ 13 người vì tội tống tiền các nhà hàng và nền tảng giao đồ ăn bằng phương pháp tương tự. Cụ thể, hơn 560 trường hợp bị tống tiền với tổng thiệt hại lên tới 50.000 nhân dân tệ (gần 175 triệu đồng).