Trải nghiệm khác biệt về mua sắm và ăn uống của giới nhà giàu
(Dân trí) - Thời Covid-19, từ cách ly tới mua sắm thực phẩm, ăn uống… những người siêu giàu vẫn cho thấy những trải nghiệm rất khác biệt.
Nhìn chung giới giàu có tiếp tục đối phó đại dịch theo những cách không thông dụng so với hầu hết mọi người dân. Từ cách họ “chạy” từ thành phố tới những nơi “trú ẩn”, hoặc tìm mọi cách để có được xét nghiệm Covid-19 trước công chúng, tới xu thế vẫn không từ bỏ thói quen ăn uống xa xỉ, đắt tiền.
Để tích trữ thực phẩm, nhiều nhà giàu mua thêm các tủ đông lớn đặt trong các điền sản thứ 2, thứ 3… nơi họ tự cách ly tránh dịch. Điều đó có thể làm “tê liệt” các thị trấn nhỏ vốn chỉ có các nguồn hạn chế về thực phẩm, dịch vụ y tế…
Đối với hầu hết người dân trên thế giới, đi mua sắm hàng hoá thời Covid-19 là phải đeo khẩu trang và găng tay, xếp hàng giãn cách bên ngoài các cửa hiệu hoặc siêu thị khá đông đúc, nên luôn canh cánh trong lòng nỗi lo lây nhiễm dịch bệnh.
Còn đối với nhà giàu, đặc biệt là giới siêu giàu dù chỉ chiếm 1% dân số thế giới, cuộc sống của họ nói chung và cách mua sắm thực phẩm nói riêng, cũng rất khác.
Ông David Youdovin, CEO của hãng Hire Society chuyên cung cấp nhân sự quản gia, đầu bếp và người giúp việc cho các gia đình giàu có - cho biết: khách hàng của Hire Society thường sở hữu nhiều biệt thự, máy bay riêng và có từ 15 đến 20 nhân viên giúp việc.
“Dù thị trường có biến động mạnh thì họ vẫn ổn và luôn cần có người lo việc quản lý gia đình, nấu ăn… - ông Youdovin nói - Hầu hết khách hàng của Hire Society đều có đầu bếp riêng và thường là đầu bếp hoặc quản gia lo luôn khâu mua sắm hoặc chọn nguồn cung cấp thực phẩm cho gia chủ”.
Tự cách ly có nghĩa là ở nhà nhiều hơn, nên không ít nhà giàu nhất là siêu giàu càng cần nhiều nhân viên hơn để phục vụ họ thật cẩn trọng như biện pháp phòng ngừa Covid-19, đặc biệt là với đồ ăn thức uống. Mà thời dịch bệnh, điều đó càng dễ dàng bởi số người mất việc kể cả trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn rất nhiều.
Một số gia đình giàu có nhận nguồn cung cấp thực phẩm hữu cơ miễn phí từ các trang trại tư nhân dành riêng cho cộng đồng. Số khác đặt hàng thực phẩm cao cấp, do các nhà cung cấp thực phẩm cho nhà hàng cao cấp giao tận cửa.
Cũng có những khách hàng của Hire Society sở hữu vườn hữu cơ riêng hoặc trang trạng hữu cơ hoàn chỉnh, cung cấp cả các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi.
Còn theo ông Forrest Barnett - Trưởng văn phòng Hire Society tại Southampton, cũng có nhiều khách hàng của hãng ở Hamptons chọn cách mua sắm tại quầy hàng của các trang trại. “Có rất nhiều trang trại ở đây, tại một số địa điểm chỉ cần đặt hàng hoặc gọi điện, họ sẽ mang hàng hoá ra xe của khách hoặc giao tận nhà”.
Talisker Clup là một câu lạc bộ tư nhân ở thành phố nghỉ dưỡng trượt tuyết Park City nổi tiếng thuộc bang Utah, Mỹ. Nơi đây giá nhà thường từ 1,5 triệu đến 9 triệu USD. Cư dân là thành viên câu lạc bộ này không cần tới các cửa hàng công cộng, mà họ có thể đặt hàng tạp hoá và cả các bữa ăn, rồi nhận hàng ngay bên hàng hiên câu lạc bộ.
Trong khi nhiều người dân phải chờ đợi hàng tuần để được nhận hàng đã đặt được giao qua mạng lưới của Instacart hoặc Peapod, thì vẫn có các dịch vụ khác phục vụ riêng cho giới giàu có.
Trước khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ, hãng Regalis Food đã giao hàng caviar (trứng cá muối), nấm cục, cua Hoàng đế tươi sống và thịt bò Mỹ Wagyu cho các nhà hàng được gắn sao Michelin danh giá hàng đầu của Mỹ, bao gồm cả Eleven Madison Park và Le Bernadin ở New York.
Bây giờ Regalis Food xoay vòng để cung cấp sản phẩm cho những người sành ăn trực tiếp tới tận nhà. Khách hàng có thể nhận được cua Hoàng đế tươi sống giá 395 USD/con, thịt thăn bò Mỹ Wagyu giá 17 USD 1 pound (0,45kg), nấm cục đen mọc tự nhiên giá 130 USD 1/4 pound… Với các đơn hàng từ 275 USD trở nên, Regalis Food tặng thêm một ounce (0,028kg) caviar.
Tại một số cộng đồng riêng, chỉ các thành viên mới được nhận miễn phí những sản phẩm từ nông trại. Tại một số cộng đồng riêng khác, các câu lạc bộ dân cư và câu lạc bộ đồng quê, nhà giàu có quyền tiếp cận các khu chợ tư nhân tại chỗ và trang trại hữu cơ - là những nơi mức độ rủi ro thấp hơn nhiều trong đại dịch so với các siêu thị đông đúc.
Ví dụ như tại cộng đồng riêng Kohanaiki, nơi các ngôi nhà sang trọng có giá từ 3 triệu đến 20 triệu USD, cư dân có thể tiếp cận một trang trại cộng đồng tư nhân chỉ dành cho các thành viên cộng đồng để nhận những sản phẩm hữu cơ như chanh dây, xoài, cà tím… miễn phí.
Ngân sách chi cho việc mua sắm thực phẩm của các khách hàng giàu có, theo ước tính của 2 ông Youdovin và Barnett, tuy hàng tháng có thay đổi và tuỳ theo từng gia đình nhưng trước hết cần nhìn vào mức lương chung cho các đầu bếp riêng thường từ 120 ngàn USD, hoặc cũng có thể lên tới 400 ngàn USD/năm.
“Từ đó có thể suy ra chi phí thực phẩm cho các gia đình giàu đó vốn luôn được đặt ưu tiên cao nhất, rất có thể là khoảng 1 triệu USD mỗi năm tuỳ thuộc vào mức độ ‘giải trí’ (ăn và chơi) của mỗi nhà” - ông Youdovin dự đoán.
Báo New York Post dẫn lời bà Tiana Tenet – đồng sáng lập hãng The Culinistas chuyên cung cấp đầu bếp tư nhân làm việc tại New York, Hamptons và Los Angeles - cho hay: Nhu cầu thuê đầu bếp riêng thậm chí còn tăng lên trong giới siêu giàu thời đại dịch.
Các đầu bếp được thuê để mua thực phẩm và mang đến nấu ăn tại bếp của khách hàng. Họ thường đề nghị khách hàng ở trong phòng khác hoặc rời khỏi nhà khi đầu bếp tới nấu ăn, để vẫn đảm bảo quy định giãn cách xã hội.
Nữ doanh nhân nổi tiếng Martha Stewart chia sẻ trong chương trình Talkshow của MC Seth Meyers qua videoclip rằng: Tài xế, quản gia và người làm vườn hiện vẫn đang cách ly cùng cô, nhưng trong các ngôi nhà tách biệt tại khu biệt thự của Meyers ở Bedford, New York.
Said Dabbagh - Giám đốc tiếp thị của nhãn hiệu chăm sóc tóc Fekkai, sống tại Chelsea kể rằng đến tuần thứ 2 giãn cách xã hội, anh vẫn tự nấu ăn được cho bản thân.
Nhưng vì thích ăn ngon nên khi nghe nói ông Edouard Massih - người cung cấp đồ ăn tuyệt vời - chuyển sang làm đầu bếp riêng từ xa và nhận đơn đặt hàng tuỳ chỉnh, anh rất mừng và thuê luôn ông Massih lo chuyện ăn uống cho mình.
Linh Lê
Theo Business Insider, New York Post