TPHCM nâng mức phí thăm quan địa đạo Củ Chi và căn cứ Rừng Sác

Quốc Anh

(Dân trí) - Ngày 9/12, HĐND TPHCM thông qua tờ trình của UBND TPHCM về tăng mức phí tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi và Di tích lịch sử căn cứ Rừng Sác, huyện Cần Giờ.

Theo đó, từ đầu năm 2021, khách tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi sẽ phải trả mức phí 35.000 đồng, thay vì chỉ phải trả mức phí 20.000 đồng như hiện nay.

Người khuyết tật, người cao tuổi, lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng, Hội cựu chiến binh, hộ nghèo, trẻ em dưới 7 tuổi được miễn phí. 

Trẻ em từ 7 đến 16 tuổi, học sinh và sinh viên được giảm 50% giá vé.

TPHCM nâng mức phí thăm quan địa đạo Củ Chi và căn cứ Rừng Sác - 1

TPHCM tăng mức phí tham quan căn cứ Rừng Sác và địa đạo Củ Chi

Trong khi đó, mức thu phí đối với người lớn khi đến căn cứ Rừng Sác là 35.000 đồng/lần/người. Đối tượng miễn, giảm giá vé được áp dụng như ở địa đạo Củ Chi.

Theo UBND TPHCM, tăng phí vì nguồn kinh phí thu được hàng năm từ phí tham quan vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu và nội dung công việc.

Vì vậy, việc điều chỉnh mức phí sẽ góp phần làm tăng nguồn thu để phục vụ công tác phát huy giá trị di tích được tốt hơn. Việc điều chỉnh phí cũng nhằm phù hợp với bối cảnh hiện tại của nền kinh tế và giá cả chung của toàn xã hội.

Trước khi trình mức phí này, UBND TPHCM đã được tham khảo mức phí các di tích trong nước như Khu di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị), di tích Đền Ngọc Sơn (Hà Nội), di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội)… Những nơi này đều có mức phí tham quan cao hơn so với phí tham quan hiện nay tại địa đạo Củ Chi.

TPHCM nâng mức phí thăm quan địa đạo Củ Chi và căn cứ Rừng Sác - 2

Địa đạo Củ Chi với hệ thống đường hầm nhân tạo trong lòng đất cấu trúc 2 đến 3 tầng thông nhau, với chiều dài khoảng hơn 200km (ảnh: Địa đạo Củ Chi)

Trong một diễn biến liên quan, UBND TPHCM vừa có công văn gửi Bộ Quốc phòng xin ý kiến chủ trương lập hồ sơ Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi trình UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới.

Theo đó, Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (thuộc huyện Củ Chi, TPHCM) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2015 với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và tính sáng tạo.

Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là một trong những căn cứ cách mạng điển hình và có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Nơi đây, các lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Hồng Đào, Trần Hải Phụng... đã sống và làm việc, trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng Sài Gòn - Gia Định. 

Địa đạo Củ Chi cũng là nơi các lực lượng vũ trang và nhân dân sinh sống, trú ẩn, tổ chức trận địa chiến đấu đánh địch giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1961-1975.

Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là một công trình khoa học quân sự còn được bảo tồn tốt, với hệ thống đường hầm nhân tạo trong lòng đất có cấu trúc 2 đến 3 tầng thông nhau, với chiều dài khoảng hơn 200km.

Theo UBND TPHCM, với những giá trị nổi bật như trên, di tích này đáp ứng một số tiêu chí có "Giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực" theo hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

Trước đó, ngày 25/5, UBND TPHCM đã có công văn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn lập hồ sơ Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đệ trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới. 

Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phúc đáp việc lập hồ sơ trên phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng về chủ trương.