Tới thăm làng “dát vàng” giữa thủ đô

(Dân trí) - Chỉ cần vừa đến đầu làng là du khách sẽ cảm nhận những âm thanh của những nhát búa… đập vàng. Ở Kiêu Kỵ người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn 1m2.

Có thể nói, những di tích lịch sử và những công trình kiến trúc hoành tráng tại Hà Nội được dát vàng đều do các nghệ nhân làng Kiêu Kỵ làm nên. Làng nghề này khi xưa thuộc đất Đông Ngàn, Kinh Bắc xưa nhưng nay thuộc Gia Lâm Hà Nội. Chỉ cần vừa đến đầu làng là du khách sẽ cảm nhận những âm thanh vang khúc nhạc đập, vang qua những lũy tre vàng và trải đều trên những cánh đồng vàng xa tít tắp.

Những tác phẩm bằng vàng nguyên chất siêu đẹp

Những tác phẩm bằng vàng nguyên chất "siêu đẹp"


Ông tổ của nghề dát vàng, bạc quỳ ở Kiêu Kỵ là Nguyễn Quý Trị. Ông sinh ra và lớn lên ở làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai (Hải Dương), đỗ tiến sĩ thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786). Năm 1763, khi làm quan đến chức Binh Bộ Tả Thị Lang - Hàn lâm Viện trực học sĩ, ông được vua cử đi sứ sang Trung Quốc và đã học được nghề làm vàng, bạc quỳ để sơn thếp lên câu đối, hoành phi... Khi về nước, ông truyền lại nghề cho dân làng Kiêu Kỵ bởi nơi đây nằm cách kinh thành Thăng Long không xa, thuận tiện cho việc sơn son thếp vàng, thếp bạc các công trình kiến trúc của vua chúa và đền, chùa, miếu, điện ở kinh đô…

Nghề làm vàng quý rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều thợ, kiên trì cần mẫn lao động với những thao tác và kỹ thuật cao. Có lẽ vì lý do này, nên nghề quỳ vàng bạc ở Kiêu Kỵ là một nghề truyền thống độc nhất vô nhị của nước ta.

Từ thuở xưa, nghề làm vàng quý ở Kiêu kỵ khá phát đạt, cung cấp vàng quỳ cho hầu hết các công trình tín ngưỡng cung đình để dát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối, kiệu rước…

Trước hết là việc pha chế nguyên liệu. Vàng, bạc được cho vào nồi - làm bằng đất sét to hơn ngón chân cái, nấu trên bếp lò có bễ kéo bằng tay cho đến khi vàng bạc chảy ra. Sau đó được đổ ra rãnh nhỏ bằng nửa chiếc đũa, thành thỏi dài 10cm.

Đôi bàn tay khéo léo của những người thợ làng Kiêu Kỵ đã làm nên những kiệt tác (ảnh: Chinhphu.vn)

Đôi bàn tay khéo léo của những người thợ làng Kiêu Kỵ đã làm nên những kiệt tác (ảnh: Chinhphu.vn)
Những lá vàng đã được dát mỏng

Những lá vàng đã được dát mỏng

Từ những thỏi vàng, bạc thật 100% như thế được người dân Kiêu Kỵ đập cho mỏng - gọi là đập diệp, bề ngang 1cm, được cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2 sau đó đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4cm được kén từ loại giấy dó, loại giấy thường dùng làm tranh Đông Hồ vừa mỏng vừa dai. Giấy được "lướt" nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ rất bền chắc.

Mỗi quỳ 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ 1cm2 được người thợ dùng vải dường bâu mua từ Nam Định gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng loại búa chuyên dụng (loại búa chỉ có ở làng) đập lên tập lá quỳ cho đến khi mảnh vàng mỏng tràn lên lá quỳ.

Tiếp đó là công đoạn, cắt nhỏ lá vàng đã đập mỏng thành 12 mảnh, lấy một mảnh đặt tiếp lên lá quỳ và tiếp tục đập mỏng. Muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập liên tục trong một giờ tương đương với trên 400 nhát búa. Công đoạn cuối, khi gỡ vàng trả khách, vì vàng quá mỏng, người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang và ngồi trong màn vì chỉ cần vô ý thở mạnh, tất cả các lá vàng cũng có thể bị thổi bay.

Có lẽ vì thế, cho đến tận hôm nay, Kiêu Kỵ vẫn là làng duy nhất trong cả nước làm nghề này. Ở Kiêu Kỵ, trong một ngày những người thợ làng Kiêu Kỵ phải đập tới vài kg vàng nguyên liệu. Đó là chưa kể khi các công trình tín ngưỡng và nghệ thuật "vào mùa" trùng tu, khôi phục.

Minh Phan