Tinh hoa làng nghề chạm bạc gần 400 năm tuổi

(Dân trí) - Với tuổi đời tồn tại gần 4 thế kỷ, sản phẩm chạm bạc của làng Đồng Xâm, Thái Bình, nổi tiếng bởi sự tinh xảo với những họa tiết bay lượn thể hiện tay nghề điêu luyện của người nghệ nhân.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc gần 400 năm tuổi

Trên đất Bắc vốn có 3 địa danh nổi tiếng với nghề chạm bạc truyền thống, đó là làng Đồng Xâm (Thái Bình), làng nghề Định Công (Hà Nội) và làng nghề chế tác vàng bạc Châu Khê (Hải Dương). Có thể nói, mỗi làng nghề lại có bí quyết riêng để tạo nên hồn cốt tinh hoa từng sản phẩm.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc gần 400 năm tuổi - 1
Một sản phẩm chạm bạc từ làng nghề Đồng Xâm

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm nằm ở hữu ngạn sông Đồng Giang thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, cách trung tâm thành phố Thái Bình chừng 20 km về phía đông.

Khi gần tới làng, du khách sẽ nghe thấy âm thanh đục, chạm, hàn… đặc trưng giữa không gian bình yên của một làng quê đất bắc. Vào thời kỳ hưng thịnh, nghệ nhân làng Đồng Xâm từng vào tận Huế để chạm trổ đồ phục vụ cho triều đình.

Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm cùng lịch sử cho tới thời bao cấp, làng Đồng Xâm đối diện với nhiều khó khăn thách thức và phải chấp nhận những đổi mới.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc gần 400 năm tuổi - 2

Ngày nay, ảnh hưởng của thị trường nên số lượng sản phẩm chạm bạc ở đây giảm dần. Người làm nghề chỉ nhận sản xuất theo số lượng đặt, còn chủ yếu chuyển sang làm đồ đồng dạng bán công nghệp.

Sản phẩm thế mạnh của Đồng Xâm hiện tại xoay quanh chất lượng đồng với phân khúc đồ thờ cúng (đỉnh, vạc, lư hương), những con vật linh thiêng, đồ trang trí… Dù thay đổi, nhưng nét mềm mại chạm trổ tinh tế của một làng nghề gần 400 năm tuổi đời vẫn không đổi.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc gần 400 năm tuổi - 3
Với nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng, thợ thủ công có thể yên tâm gắn bó với nghề

Chú Nguyễn Văn Khoa, đến từ xã Lê Lợi, là thợ làm nghề có tuổi đời trên 20 năm, chia sẻ về quá trình tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. “Đầu tiên phải cắt đồng, làm khuôn, thúc tay rồi chạm trổ. Khi sản phẩm bóng hơn sẽ mang mài. Trong đó, khó nhất là công đoạn thúc tay để tạo hình khối. Cuối cùng sản phẩm sẽ được mạ đồng”.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc gần 400 năm tuổi - 4
Một sản phẩm đang được mài bóng

Dù có sự hỗ trợ của nhiều máy móc hiện đại nhưng vẫn có những công đoạn nhất định phải do con người tự tay thực hiện, đòi hỏi tính tỉ mỉ kỹ thuật cao cùng đôi mắt nghệ thuật, bàn tay điêu luyện lành nghề và một số kỹ thuật “bí truyền”. Đó là những nghề riêng tạo nên sự khác biệt của sản phẩm từ làng Đồng Xâm so với thị trường.

Gắn bó với nghề, kinh tế của người làng Đồng Xâm cũng khấm khá đi lên. Với chú Khoa, thu nhập trung bình thêm 7 triệu mỗi tháng đủ để nuôi dạy hai con nên người.

Cứ vào dịp 1/4 âm lịch hàng năm, người dân làng Đồng Xâm ở địa phương cũng như con cháu phương xa lại trở về quê hương để tưởng nhớ công ơn ông tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu, tổ chức Hội đền với nhiều hoạt động văn hóa thú vị. Trong đó, sôi nổi nhất là cuộc thi đua thuyền trên sông Vông, giới thiệu với du khách gần xa những sản phẩm tinh xảo của làng nghề…

Một số hình ảnh của làng nghề Đồng Xâm:

Tinh hoa làng nghề chạm bạc gần 400 năm tuổi - 5
Một sản phẩm đang chờ hoàn thiện
Tinh hoa làng nghề chạm bạc gần 400 năm tuổi - 6
Sản phẩm thế mạnh của Đồng Xâm hiện tại xoay quanh chất lượng đồng với phân khúc đồ thờ cúng
Tinh hoa làng nghề chạm bạc gần 400 năm tuổi - 7
Những sản phẩm mang đậm nét tinh xảo dưới bàn tay của thợ lành nghề
Tinh hoa làng nghề chạm bạc gần 400 năm tuổi - 8
Sản phẩm làng nghề hiện đang tiêu thụ trên khắp thị trường trong và ngoài nước
Tinh hoa làng nghề chạm bạc gần 400 năm tuổi - 9

Hoàng Hà