Tìm cửa cho du lịch hiếm

Trên thế giới, xu hướng du lịch chuyên biệt như du lịch y tế, du lịch đồng tính, du lịch văn học, du lịch phim trường… đã tồn tại từ lâu và rất phát triển, đóng góp doanh thu lớn cho ngành “công nghiệp không khói”. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những loại hình này lại được xem là “của lạ” và chỉ như đứa trẻ chập chững những bước đi đầu tiên.

Tìm cửa cho du lịch hiếm - 1

Du khách hóa thân thành gia đình Chí Phèo- Thị Nở.

Du lịch y tế

Mỗi năm có khoảng 100 nghìn người nước ngoài sang Việt Nam chữa bệnh và doanh thu mang lại từ nguồn lợi này cho bệnh viện trong nước ước hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên theo Bộ Y tế, hằng năm người Việt lại đem hơn 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Hầu hết nguồn khách đi và đến khám chữa bệnh đều do cá nhân tự tìm hiểu chứ không thông qua công ty lữ hành. Mang tiếng là có cung có cầu nhưng công nghiệp du lịch chăm sóc sức khỏe ở VN đang để thất thoát doanh số khổng lồ.

Theo ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Bộ Y tế, đối với bệnh nhân nước ngoài, ưu điểm của BVVN là chi phí rẻ, ngoài ra nhiều BV có ứng dụng kỹ thuật cao và uy tín trong phương pháp điều trị như các bệnh lý lồng ngực mạch máu, thụ tinh ống nghiệm, nha khoa.... Hai điểm thu hút nhiều nhất bệnh nhân nước ngoài là BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và BV Trung ương Huế. Hỏi về cơ chế cho du lịch y tế ông Đình Anh khẳng định Bộ không cấp phép cho dịch vụ này. Đa số khách trong và ngoài nước tự liên hệ với các bệnh viện.

Hỏi du khách nội địa khái niệm “du lịch y tế”, đa số không thể định nghĩa rõ ràng. Một số ít nghĩ ra “có tắm lá thuốc của người Dao” và “cả tắm bùn nữa”. Quả thực hai dịch vụ trên gần như là nội dung liên quan sức khỏe duy nhất đưa vào tour trong nước. Mọi loại hình khác từ massage bấm huyệt đến ghép tạng đều được khách tìm kiếm qua các trang thông tin điện tử của cơ sở chữa bệnh.

Chỉ mới nghĩ đến hình thức chăm sóc sức khỏe, cộng đồng chưa hình dung được du khách đến một thành phố (đất nước) khác để chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp ngoài chi phí khám chữa bệnh, sẽ đem lại doanh thu cho khách sạn, hãng vận chuyển, cửa hàng ăn, doanh nghiệp bán đồ tiêu dùng, đồ lưu niệm. Chưa có cơ chế cụ thể cho du lịch y tế ngoài ra còn yếu tố rủi ro vậy nên các công ty lữ hành có tâm lý ngại lấn sang loại hình hứa hẹn dày lợi nhuận này.

Tìm cửa cho du lịch hiếm - 2

Khách Hà Lan tắm bùn tại Nha Trang.

Du lịch đồng tính

Chỉ một vài năm gần đây định kiến LGBT ở ta mới có chút thay đổi nhưng chưa đáng kể. Người đồng tính vẫn phải giấu giới tính thật huống hồ nhu cầu hẹn hò, du lịch giữa ban ngày. Theo nghiên cứu “Nhu cầu tiêu dùng và khả năng phát triển sản phẩm du lịch chuyên biệt cho cộng đồng LGBT VN” của khoa Du lịch học trường Đại học KHXH và NV, 75% số người được hỏi chọn phương thức tự đi chơi. Họ sợ bị kỳ thị soi mói khi đi cùng tour”.

TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang là lựa chọn của đa số người du lịch nội địa. Thái Lan hiện đang là thiên đường lý tưởng nhất của LGBT VN. Giá vé máy bay và chi tiêu rẻ, dịch vụ chuyên nghiệp nên mỗi khách chỉ tiêu trung bình 300-500 USD cho chuyến đi 3 ngày. Trào lưu LGBT Việt đổ sang Thái Lan nở rộ hơn bao giờ hết.

Theo Ths Nguyễn Thu Thủy, người hướng dẫn để tài về nhu cầu du lịch LGBT, có hẳn thuật ngữ riêng chỉ lợi nhuận khủng từ đầu tư du lịch cho “giới tính thứ ba” là “pink-money” (tiền hồng). Các thành phố lớn trên thế giới muốn hút khách chỉ cần thân thiện với dân LGBT. Họ là một trong những đối tượng chịu khó ăn tiêu nhất. Những nơi có lễ hội hay diễu hành thường niên có doanh thu sửng sốt không chỉ từ dân LGBT mà còn từ biển khách đến xem không khí quậy tưng bừng .

Theo thống kê năm 2013, Việt Nam hiện có khoảng 1,65 triệu người đồng tính và lưỡng tính (LGBD) trong độ tuổi 15-59. Chỉ cần 1/10 số người nói trên đi du lịch nội địa . Với điều kiện VN có những địa điểm và tour riêng cho cộng đồng LGBT chắc chắn một phần doanh số trong mơ đó sẽ về tay đội nhà.

Tìm cửa cho du lịch hiếm - 3

Cặp trai đẹp Phùng Tuấn Anh-Dương Minh Đăng công khai tình yêu và ảnh những chuyến du lịch nước ngoài.

Du lịch văn học

“Làng Vũ Đại ngày ấy” là mô hình du lịch văn học đầu tiên được Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch- STDe nghiên cứu và ứng dụng tại Việt Nam. Dự án này được chuyển giao cho Công ty Du lịch “Khát Vọng Việt” thử nghiệm và đi vào hoạt động tháng 12/2014 tại xã Hòa hậu - huyện Lý Nhân (tỉnh hà Nam), nơi sinh ra nhà văn Nam Cao.

Với chi phí khá bình dân, chỉ 300.000 đồng/người, tour du lịch giúp du khách ngược về quá khứ của không gian làng quê Việt Nam cuối thế kỷ 18 để trải nghiệm với các nhân vật và sự kiện trong tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao như: Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến,…

Đánh giá hiệu quả sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, ông Nguyễn Bá Toàn (Giám đốc Công ty Du lịch Khát Vọng Việt) cho biết: “Năm qua tour du lịch này đã đón hơn 1.000 lượt khách. Họ tỏ ra thích thú khi được trải nghiệm 1 ngày làm Chí Phèo - Thị Nở, được thưởng thức và tham gia vào quá trình chế biến món đặc sản cá kho làng Vũ Đại nổi tiếng ngay tại nơi sản xuất”.

Theo TS. KTS. Nguyễn Thu Hạnh (Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch- STDe), kho tàng văn học Việt Nam là một nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Tuy nhiên, để trở thành những dự án du lịch có hình hài thì phải chọn được tác phẩm văn học độc đáo, hấp dẫn số đông độc giả. Bên cạnh đó, một số dấu ấn về tác giả, tác phẩm vẫn còn được lưu giữ, bảo tồn tương đối tốt. Ngoài ra, tác phẩm văn học phải phù hợp với nhu cầu, tâm lý và tình cảm của con người hiện đại thì mới có khả năng thương mại hoá và phát triển thành sản phẩm du lịch.

Hiện tại, STDe đã có dự định triển khai tiếp các dự án du lịch văn học khác như: thơ Nguyễn Khuyến ( Hà Nam), thơ Nguyễn Du ( Hà Tĩnh), thơ Hàn Mạc Tử (Bình Định) hoặc thơ Bút tre ( Phú Thọ)… và hứa hẹn sẽ có ý tưởng độc đáo cụ thể cho từng chương trình để thu hút khách du lịch.

Du lịch phim trường

Sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” bá chủ phòng chiếu trong nhiều tuần, lượng khách du lịch đến với tỉnh Phú Yên tăng vọt, ước tính riêng tháng 10/2015 đã tăng 30 % so với cùng kỳ năm trước.

Trong phim, hình ảnh các miền quê của tỉnh Phú Yên đẹp đến mê hồn, có sức hút kỳ lạ cho bất cứ ai xem qua. Nắm bắt được tâm lý của du khách, một số đơn vị lữ hành ở TP HCM và tỉnh Phú Yên đã bán tour cùng tên với bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Sau sự kiện đoàn phim Hollywood sang Việt Nam quay phim Kong: Skull Island hồi đầu năm nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh này sẽ giữ lại phim trường hồ Yên Phú và hang Chuột, nơi bộ phim Kong: Skull Island bấm máy, để hình thành sản phẩm du lịch. Đồng thời, có thể sẽ dựng cả tượng King Kong.

Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cũng tuyên bố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để “trải thảm đỏ” đón các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam quay phim.

Tuy nhiên, điều làm các đơn vị du lịch dè dặt vẫn là độ “hot” của phim khi ra rạp. “Với tài năng, công nghệ hiện đại của các đoàn phim nước ngoài, tôi nghĩ hình ảnh của Việt Nam lên phim sẽ rất đẹp, mà phim của Hollywood hầu như cả thế giới xem, đây là cơ hội lớn của ngành du lịch. Nhưng chúng ta phải chọn được phim hay để đầu tư, tránh trường hợp đầu tư nhầm “bom xịt” thì nguy cơ ế khách là rất cao”- Ông Nguyễn Công Hoan (Phó TGĐ Hanoi Red Tours, Trưởng ban thị trường của Hiệp hội lữ hành Việt Nam) phân tích.

Giữa năm 2014, tỉnh Quảng Ninh triển khai dự án phim trường Yên Tử, trường quay cổ trang lớn nhất cả nước với 14,6 ha, được kỳ vọng là “Hoành Điếm của Việt Nam” và được định hướng trở thành một Công viên Văn hóa - Lịch sử, khu du lịch chuyên đề dành cho du khách trong và ngoài nước tìm hiểu văn hóa Việt.

Vẫn còn hơn 1 năm nữa, công trình mới hoàn thiện. Tuy nhiên, nó sẽ đóng góp như thế nào cho ngành du lịch thì vẫn là dấu hỏi lớn bởi sự thất bại của phim trường Cổ Loa (Đông Anh- Hà Nội) là một bài học không hề nhỏ.

Được đầu tư 108 tỷ đồng để cải tạo, cũng đã từng được kỳ vọng trở thành điểm sáng du lịch của Việt Nam, tuy nhiên, chỉ sau 1 năm hoạt động, phim trường đã trở nên hoang tàn, đổ nát. Những bối cảnh trường quay phần nhiều làm bằng xốp, gỗ dán… nên chỉ sau 1-2 phim đã xuống cấp thảm hại. Đến các đoàn phim còn không thèm ngó ngàng đến thì lấy đâu ra khách du lịch!

Tìm cửa cho du lịch hiếm - 4

Bà Nguyễn Thu Thủy, Ths. giảng viên khoa Du lịch học Trường Đại học KHXH và NV: 10% khách du lịch trên thế giới là “giới tính thứ ba”. Ở Mỹ mỗi 1 USD được đầu tư cho xúc tiến quảng bá du lịch dành cho LGBT, ngay lập tức họ thu về được 153 USD đến trực tiếp từ các dịch vụ mua sắm, lưu trú, nhà hàng và thăm quan.

Tìm cửa cho du lịch hiếm - 5

GS Phong Lê (Nguyên Viện trưởng Viện Văn học): Việc kết hợp văn học và du lịch là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, phải làm cho khéo, phải giữ được linh hồn của tác phẩm văn học, không vì câu khách mà bịa đặt, làm sai lệch thông tin nguyên tác.

Theo Hoàng Hoa - Thanh Hương

Tiền Phong