Thú vị câu chuyện ngựa làm du lịch ở Đà Lạt

Không chỉ thồ hàng như thường thấy ở các vùng miền núi hay vùng quê, nhiều chú ngựa ở TP Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng - lại được đưa vào khai thác du lịch.

Trong mắt của nhiều người, ngựa du lịch là những con ngựa thảnh thơi. Còn người đưa ngựa vào khai thác du lịch là "làm chơi ăn thật". Tuy nhiên, có tìm hiểu về ngựa du lịch mới thấy được hết những yêu cầu khó của nó.

 

Cùng tìm hiểu về những chú ngựa làm du lịch ở thung lũng Tình Yêu - một trong những khu du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt. Giống như bao thắng cảnh khác, tại đây, mỗi ngày đều có trên dưới chục con ngựa được chải chuốt sạch sẽ, luôn trong tư thế sẵn sàng phục vụ khách du lịch.

 

Nài ngựa Thông Quốc Giang - TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Ngựa thồ hàng yêu cầu phải khỏe, dai sức. Còn ngựa trong du lịch phải ngoan, sức to, dáng đẹp. Nó phải được thuần hóa rất khó để khỏi nhác trước khách du lịch".

 

Thời gian để thuần hóa một chú ngựa từ hoang dã đến ngoan ngoãn phục vụ khách du lịch phụ thuộc vào bản tính của ngựa. Ngựa làm du lịch có lúc buồn, lúc vui. Điểm đặc biệt ở loài vật này là tính đoàn kết. Đưa khách tìm hiểu cảnh vật xung quanh bằng ngựa, lúc nào cũng cần ít nhất 2 chú ngựa đi cùng.

 

Du khách thưởng ngoạn cảnh sắc Đà Lạt trên cỗ xe ngựa (Ảnh: Sổ tay du lịch)
Du khách thưởng ngoạn cảnh sắc Đà Lạt trên cỗ xe ngựa (Ảnh: Sổ tay du lịch)



"Mỗi con mỗi tính, có dữ, có hiền. Mình chăm sóc cũng thấy được buồn vui của nó, thể hiện bên ngoài. Ví như, nó buồn sẽ cáu gắt với khách..." - nài ngựa Thông Quốc Giang nói thêm.

 

Ngựa du lịch thường không được đặt tên như ngựa đua hay ngựa thồ hàng. Tùy theo màu lông của chúng mà tên gọi cũng được đặt theo. Do là biểu tượng của sự hùng dũng, oai phong nên ngựa thường được du khách chụp hình, hoặc thử một lần ngồi trên lưng ngựa.

 

"Tôi thích cưỡi bạch mã, nó tượng trưng cho sự anh hùng nhưng đẹp, trong trắng. Cảm giác lúc đầu leo lên lưng ngựa hơi sợ vì ko biết nó phản ứng như thế nào, nhưng sau đó thì rất thích" - một du khách TP Hồ Chí Minh bày tỏ.

 

Say mê ngựa từ nhỏ, ông Trần Mạnh Dũng lấy ngựa làm nghề kinh doanh cho mình. Chứng kiến bao thăng trầm trong nghề từ lúc Đà Lạt có hàng trăm chiếc xe ngựa cho đến khi chỉ còn vài chục chiếc, song ông Dũng vẫn không bỏ nghề. Với ông, du lịch bằng ngựa có những cái thú riêng. Không chỉ có được cảm giác chinh phục được con vật uy dũng mà ngắm cảnh Đà Lạt bằng xe ngựa lại thú vị hơn nhiều và phù hợp với địa hình đồi dốc nơi đây.

 

Ông Dũng cho biết: "Cưỡi ngựa có 2 dạng: cưỡi các đồi dốc và ngựa xe với số lượng người đông. Mỗi cái có thú riêng. Trước ở đây xe ngựa nhiều, nhưng từ khi có xe nhiều, cộng với nhiều tuyến đường cấm nên xe ngựa rất hạn chế. Say mê, thích thú nên giữ nghề chứ kinh tế không lớn lắm!".
 

Một ngày mới của những chú ngựa làm du lịch bắt đầu từ việc tắm rửa, chải lông. Sau đó, chúng được khoác lên chiếc áo mới, sẵn sàng đón những du khách yêu thích cảm giác mạo hiểm và chinh phục.

 

Theo Ái Linh

VTV