Thứ mì siêu mỏng có từ 300 năm trước, cả thế giới chỉ 10 người biết làm
(Dân trí) - Trên thế giới hiện chỉ còn rất ít người nắm được công thức bí mật để làm ra thứ mì siêu mỏng này.
Trong hơn 300 năm qua, công thức làm nên sợi mì mỏng nhất thế giới với kỹ thuật tạo hình phức tạp được các thế hệ phụ nữ của dòng họ Abriani truyền lại cho nhau. Những người này sống ở vùng Sardinia (Italia).
Đây vốn là khu vực như một mê cung xoắn với vực sâu thăm thẳm và những dãy núi bất khả xâm phạm, qua đó giúp bảo vệ hầu hết những truyền thống cổ xưa không bị "lọt ra ngoài".
Thứ mì siêu mỏng này được gọi với cái tên "su filindeu" có nghĩa là "Sợi chỉ của Chúa". Những sợi mì siêu mỏng và mảnh tới mức "không thể tưởng tượng nổi".
Theo khảo sát của BBC, hiện nay trên thế giới chỉ còn vài phụ nữ nắm được bí mật để tạo ra món mì pasta này, đó là bà Paola Abraini, cháu gái, chị dâu của bà. Tất cả họ đều sống trong vùng Sardinia. Và tính đến năm 2017, trên khắp thế giới chỉ 10 người có thể làm ra "su filindeu".
Theo người trong cuộc, để làm được sợi mì su filindeu thực ra không có bí mật nghề nghiệp nào cả, tất cả nằm ở đôi tay người tạo ra. Nguyên liệu để làm nó cũng đơn giản không kém, gồm nước, bột mì và một chút muối.
Sự độc đáo lớn nhất của những sợi mì siêu mỏng này là được làm hoàn toàn thủ công. Bởi vậy, các công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tính kiên nhẫn của người thợ. Đặc biệt, công đoạn tạo nên sợi mì siêu mỏng, siêu mảnh tới mức không thể nhỏ hơn được nữa cũng rất công phu.
Đoạn video ghi cảnh bà Paola thực hiện các động tác thuần thục nhào bột để làm mì, khiến người xem kinh ngạc. Bà kéo, gấp bột, bằng những ngón tay nhanh nhẹn. Phần khó nhất để tạo ra sợi mì hoàn hảo chính là hiểu biết giữa đôi tay người thợ nhào nặn và bột mì. Đây chính là kinh nghiệm không ai có được, chỉ có thể tích lũy nhờ luyện tập qua thời gian.
Hình ảnh từ video cho thấy, bà Paola nhồi bột với nước và muối, rồi kéo giãn bột, gấp đôi liên tục để tạo ra chính xác 256 sợi mì nhỏ tách rời nhau.
Sau khi tạo ra những sợi mì siêu mảnh, người thợ trải đều chúng lên một miếng gỗ hình tròn. Những sợi mì không chỉ được trải theo một chiều, đan chéo nhau nhiều lớp liên tục rồi mang đi phơi nắng cho khô.
Khi các sợi mì pasta đã khô, bà Paola tháo rời ra khỏi khung gỗ. Do đã phơi nắng nên "tảng mì" lớn rất giòn. Khi cần chế biến, người nấu bếp chỉ việc dùng tay bẻ gãy theo miếng vừa ăn là được.
Không ai còn nhớ tại sao phụ nữ vùng này lại biết làm món mì "su filindeu" này. Chỉ biết rằng, suốt hơn 300 năm qua, công thức và bí quyết chỉ lưu truyền cho phụ nữ trong dòng họ nhà Abriani. Những người này giữ bí mật rất chặt chẽ và truyền lại cho con gái.
Nhìn có vẻ đơn giản nhưng hương vị của sợi mì đều được công chúng ở nhiều nơi công nhận. "Chúng tôi rất coi trọng truyền thống này và luôn cố gắng giữ gìn trong gia đình. Không loại mì pasta nào trên thế giới giống như vậy", bà Paola khẳng định.