"Thiên đường hạ giới" Cửu Trại Câu sống động cuối Thu
(Dân trí) - Đã cuối Thu rồi mà khu danh thắng nổi tiếng vào bậc nhất này vẫn chưa lạnh lắm, sắc lá vẫn chủ đạo màu xanh như còn quá lưu luyến mùa hạ xen lẫn những dải cây rừng lá mới đổ vàng chạy dài từ đỉnh núi xuống sát mép các hồ nước trong vắt, phản chiếu ánh nắng và sắc lá từ núi cao soi bóng tạo nên một thế giới vô cùng sống động các sắc màu...
Căng mắt sục sạo khắp các triền núi chúng tôi mới bắt gặp le lói đó đây vài vạt cây lá đỏ xen lá vàng, lá xanh.
Còn các gam màu tím, bạc, cam, hồng phấn, hồng đậm như có phép màu biến các rặng núi quanh khu danh thắng Cửu Trại Câu thành những bức tranh tuyệt mỹ về sắc màu cách đây 8 năm, khiến nhóm du lịch ta balô Việt Nam chúng tôi từng ngất ngây trên từng cây số tại nơi được coi như một trong những thiên đường hạ giới này, xem ra vẫn chờ tuyết rơi mới chịu xuất hiện.
Dẫu năm nay Cửu Trại Câu chưa kịp hội tụ đủ vẻ đẹp 10 phân vẹn 10 vào mùa cao điểm du lịch, nhưng vẻ đẹp độc đáo của cảnh sắc nơi đây vẫn vô cùng quyến rũ. Chẳng thế mà dù nhóm chúng tôi tới vào ngày thường thì vẫn phải chen vai thích cánh như thường trong biển người xếp hàng dài dằng dặc trước cổng...
Nghe nói trung bình vào ngày thường Cửu Trại Câu đón từ 4 vạn đến 5 vạn du khách, ngày lễ luôn quá tải với lượng người đổ về đây đông gấp hàng chục lần.
Có thể thấy rõ thực tế đó không chỉ qua lượng người đông nghịt cả ngoài cổng và tại các điểm dừng xe bus chuyên chở khách liên hoàn tới từng điểm dừng chân vãn cảnh, mà còn cả tại khu nhà ăn rộng mênh mông tại điểm xuất phát đưa khách đi tham quan và qua lượng người xem đổ tới khu liên hợp Thiên đường Cửu Trại Câu với điểm nhấn là nhà hát rực rỡ ánh đèn màu mỗi tối, với công suất khoảng 2.000 ghế và 4 suất trình diễn mỗi tối mà vẫn luôn kín chỗ. Đặc biệt trong 2 năm nay gần đây màn tạp kỹ nổi tiếng “Cửu Trại thiên cổ tình” được đưa vào chương trình mới càng hấp dẫn du khách.
Cửu Trại Câu là vùng bảo tồn thiên nhiên ở độ cao dao động từ 2.000 cho đến 4.500 m so với mực nước biển, thuộc châu tự trị của người Khương, người Tạng A Bá, ở phía tây tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Năm 1992 Cửu Trại Câu được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, tới năm 1997 được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Khu danh thắng này được hình thành trên dãy núi đá vôi trầm tích, rất nổi tiếng với hệ thống nghe nói tới hơn 100 hồ nước tuyệt đẹp (nhưng mới chỉ hơn 10 hồ được đưa vào khai thác đón du khách); các đỉnh núi tuyết phủ quanh năm bắt ánh nắng mặt trời chói lóa như gương; các thác nước nhiều tầng phô trương vẻ hùng vĩ ào ạt đổ từ trên cao xuống, rồi uốn lượn xuyên rừng, xuyên núi, lách qua đôi bờ cỏ lau khô nỏ vẫn bừng lên vẻ đẹp hoang sơ khiến du khách sững sờ bởi những sự kết hợp vô cùng phong phú với cảnh sắc trời mây non nước...
Cảnh núi non và những thác nước hùng vĩ, tuyệt đẹp. Thác Nặc Nhật Lãng Bộc Bố (Nuorilang Falls) là điểm hội tụ các khe núi cao 20m, rộng 320m, được coi là thác nước hoang dã nhất khu cao nguyên Trung Hoa.
Chặng cuối hành trình du khách có thể kết hợp tham quan Kim Đỉnh (Vạn Phật đỉnh) là ngọn núi chính của 1 khu danh thắng Nga My Sơn - một trong Tứ đại Phật giáo danh sơn. Chiêm bái tượng Phổ Hiền Bồ Tát đúc bằng đồng mạ vàng nhìn khắp bốn phương tám hướng, nổi bật giữa thiên nhiên hoang sơ và thung lũng mờ sương.
Hoặc đi du thuyền tham quan Lạc Sơn Đại Phật - bức tượng Phật ngồi tạc vào núi đá lớn nhất thế giới, được chạm khắc từ đời nhà Đường (616-907)...
Bài: Kiều Anh
Chùm ảnh: Yến Bạch, Nam Nguyễn, Hương Kiều…