1. Dòng sự kiện:
  2. Du lịch nghỉ lễ 2/9
  3. Đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ đến Việt Nam

Thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn gắn liền với phát triển du lịch

(Dân trí) - Là 1 trong 16 khu bảo tồn biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu bảo tồn biển Lý Sơn vừa được Hội đồng thẩm định tỉnh Quảng Ngãi thống nhất thành lập, trong giai đoạn vùng biển Lý Sơn đang dần cạn kiệt hệ sinh thái cỏ biển, san hô và thủy sản quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Theo tài liệu nghiên cứu, khảo sát của các nhà khoa học, vùng biển Lý Sơn có mật độ đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển và các loài thủy sinh quý hiếm. Đặc biệt, rạn san hô và cỏ biển là hai kiểu hệ sinh thái đặc trưng.

Các nhà khoa học đã xác định 157 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 18 họ; sơ bộ định loại 137 loài rong biển thuộc 40 họ, 24 bộ và 4 ngành rong khác nhau; khoảng 202 loài cá thuộc 36 họ, xếp vào những khu vực có độ đa dạng cao về cá biển, chỉ đứng sau Cù Lao Cau và vịnh Nha Trang.

Trong những năm gần đây, độ đa dạng sinh học ở vùng ven biển Lý Sơn bị suy giảm nghiêm trọng. Điển hình như hệ sinh thái cỏ biển và san hô bị suy giảm trên 50% so với năm 2005. Nhiều vùng rạn san hô, thảm cỏ biển bị tàn phá, một số loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng do quá trình khai thác thủy sản quá mức và sử dụng nhiều phương pháp hủy diệt (sử dụng chất nổ, đèn cao áp; khai thác cát trồng hành, tỏi…).

vung-ven-bien-ly-son-nhin-tu-dao-lon-den-dao-be-voi-ran-san-ho-lap-lanh-nhieu-mau-sac-neu-khong-kip-thoi-bao-ton-thi-nguy-co-he-sinh-thai-bi-pha-huy-la-deu-co-the-61f0c
Vùng ven biển Lý Sơn nhìn từ đảo Lớn đến đảo Bé, với rạn san hô lấp lánh nhiều màu sắc, nếu không kịp thời bảo tồn thì nguy cơ hệ sinh thái bị phá hủy là đều có thể

Trước thực trạng khai thác ồ ạt trên, UBND huyện Lý Sơn có văn bản trình UBND tỉnh Quảng Ngãi cấm khai thác thủy sản ven biển Lý Sơn, đặc biệt là cấm các loại tàu, thuyền có công suất lớn hoạt động. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất với huyện Lý Sơn về việc cấm các tàu công suất lớn càng quét nguồn thủy sản theo quy định.

Cùng với nguy cơ hệ sinh thái biển dần biến mất, vào ngày 7/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Trường Thọ - Chủ tịch Hội đồng thẩm định dự án Khu bảo tồn biển Lý Sơn cùng các thành viên đã thống nhất thành lập dự án, gắn liền với tính hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường biển và phát triển du lịch sinh thái biển trong tương lai.

Theo đó, Khu bảo tồn biển Lý Sơn được quy hoạch gồm có phần đảo nổi của đảo lớn, đảo bé và vùng biển xung quanh các đảo này, với tổng diện tích gần 8.000 ha; trong đó diện tích mặt nước biển là 6.924 ha.

Về phân vùng quy hoạch, khu bảo tồn Lý Sơn xác định có 3 vùng cơ bản, bao gồm vùng bảo vệ nghiêm ngặt, chủ yếu nằm ở phía Nam của đảo và một phần nằm ở phía Bắc giáp với đảo Bé với diện tích trên 700 ha; vùng phục hồi sinh thái được chia ra thành vùng phục hồi rong, cỏ biển và san hô có diện tích gần 2.000 ha và vùng phát triển với các hoạt động có kiểm soát về nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, du lịch sinh thái, đào tạo và nghiên cứu khoa học trên diện tích 4.268 ha.

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng Khu bảo tồn biển Lý Sơn dự kiến trên 36 tỷ đồng, triển khai từ năm 2016 đến 2020.

Hồng Long