Thái tử Ả rập bối rối trước Sơn Đoòng

Chuyến đi đến Quảng Bình để khám phá Sơn Đoòng lần này, đoàn của thái tử có 4 người, gồm một trợ lí, một bảo vệ và một người bạn thân tình cờ quen nhau trong chuyến chinh phục đỉnh Everest năm 2009.

Đã quen biết nhau khá lâu, chưa bao giờ Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Oxalis lại úp mở với tôi như cuộc điện thoại vào trưa ngày 11/2/2014: “Nếu có điều kiện, cuối giờ chiều nay mời anh lên khách sạn Sài Gòn - Phong Nha gặp một du khách đặc biệt. Vì lí do an ninh, anh chỉ nên đi một mình”.

 

Đoàn thám hiểm lội suối vào Sơn Đoòng (Thái tử, người thứ 2 từ sau tới)
Đoàn thám hiểm lội suối vào Sơn Đoòng (Thái tử, người thứ 2 từ sau tới)



Vị khách đặc biệt

 

Khách sạn Sài Gòn - Phong Nha chiều ngày hôm ấy cũng không có gì đặc biệt, ngoài sự hiện diện của ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cùng một số lãnh đạo ban ngành trong tỉnh. Nhìn đi, nhìn lại chỉ thấy toàn người quen an vị trên những bàn tiệc đang được dọn ra ngay sảnh khách sạn. Riêng Nguyễn Châu Á thì tất bật như con thoi, hết chào khách, hướng dẫn khách chỗ ngồi, rồi đến chỉ đạo nhân viên bưng bê bàn tiệc. Thấy tôi có vẻ thắc mắc, Nguyễn Châu Á trấn an: “Anh chịu khó ngồi đợi một chút, vị khách đặc biệt chuẩn bị có mặt rồi”.

 

Đúng 18 giờ, 4 người đàn ông từ tầng hai của khách sạn bước xuống trong tiếng vỗ tay. Nhìn kỹ thì những vị khách này không có gì đặc biệt. Ngoài khuôn mặt đặc trưng Ả Rập, họ ăn mặc bình thường, toàn đồ thể thao, đặc trưng của những du khách ưa du lịch mạo hiểm. Những câu hỏi xì xào: “Ai là thái tử, ai là thái tử rứa hè?!”, trong lúc những vị khách luôn thường trực nụ cười thân thiện.

 
Đoàn thám hiểm lội suối vào Sơn Đoòng (Thái tử, người thứ 2 từ sau tới)

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao bằng chứng nhận chinh phục Sơn Đoòng cho thái tử

 

Thì ra đây là tiệc mừng chuyến khám phá thành công Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới của thái tử Ả Rập và đoàn tùy tùng. Ông là Sheikh Khalifa bin Zayed bin Sultan Al Nahyan (SN 1969), là thái tử của Tiểu vương quốc Ả Rập Abu Dhabi, là vương quốc rộng lớn nhất, đông dân nhất và thịnh vượng nhất trong cộng đồng các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Ông cũng là người nổi tiếng về sự giàu có với các bộ sưu tập xe hơi, du thuyền hạng sang và đam mê du lịch mạo hiểm.

 

Chuyến đi đến Quảng Bình để khám phá Sơn Đoòng lần này, đoàn của thái tử có 4 người, gồm một trợ lí, một bảo vệ và một người bạn thân tình cờ quen nhau trong chuyến chinh phục đỉnh Everest năm 2009. Thái tử là người cao lớn nhất trong đoàn (chừng 1,8m) và dường như ông cũng là người giỏi tiếng Anh nhất đoàn. Giữa họ gần như không có khoảng cách, cũng cười đùa, chụp hình cho nhau và thái tử luôn sẵn sàng phiên dịch cho những người cùng đoàn.

 

Nói chuyện bằng tiếng Anh khá lưu loát, thái tử Sultan Al Nahyan cho biết: Ông tình cờ biết đến Sơn Đoòng vào tháng 9/2013, qua các báo lớn thế giới như Huffington Post, Daily Mail, The New York Times. Ông cũng là chủ của tờ tạp chí du lịch ở Ả Rập nên rất quan tâm đến Sơn Đoòng và quyết tâm thực hiện chuyến đi. Ông cho rằng, khám phá Sơn Đoòng là chuyến đi ý nghĩa nhất trong các chuyến du lịch trên toàn thế giới của ông. Trước đó, ông không thể tưởng tượng trên trái đất này lại có một hang động to lớn và huyền bí đến thế.

 

Sơn Đoòng không chỉ đáp ứng tối đa sở thích thám hiểm của ông mà còn khiến đoàn thám hiểm bối rối để miêu tả về vẻ đẹp và sự kỳ bí của hang động lớn nhất thế giới này. Ông có ý tưởng giới thiệu hang động này lên các tờ báo danh tiếng của quê hương Ả Rập cũng như bạn bè của ông trên thế giới. Đồng thời, ông mong muốn sẽ sớm đưa cả gia đình và thật nhiều bạn bè sang thăm Sơn Đoòng trong một ngày gần nhất.

 

Chuyến đi đặc biệt

 

Mặc dù chuyến khám phá của thái tử Ả Rập đã thành công mỹ mãn, không xảy ra bất kỳ một sự cố nào đáng tiếc và Nguyễn Châu Á tâm sự, không ngờ chỉ mới đi vào hoạt động thử nghiệm, nhưng công ty của mình lại đón một thái tử Ả Rập đến thăm Sơn Đoòng.

 

Ông Nguyễn Châu Á cho biết: Vào cuối tháng 9/2013, công ty ông nhân được email đăng ký khám phá Sơn Đoòng cho 4 người thông qua thư ký của thái tử và Đại sứ quán Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất từ Hà Nội. Ông đã rất băn khoăn, vì khám phá Sơn Đoòng rất mạo hiểm, không dành cho những người thiếu rèn luyện, luôn sống trong “lầu son, gác tía”. Tuy nhiên, ông cũng trả lời mail và kèm theo những điều kiện cũng như quy định nghiêm ngặt của chuyến đi.

 

Thật bất ngờ, ông đã nhận được hồi đáp, chấp nhận tất cả những gì mà công ty ông đề ra, chỉ kèm theo điều kiện, rằng chuyến đi của thái tử phải được bảo đảm bí mật, không thông tin rộng rãi trên báo chí.

 

Thái tử thăm hỏi các hộ dân tộc bản địa. Ảnh: H.N
Thái tử thăm hỏi các hộ dân tộc bản địa. Ảnh: H.N



Đúng lịch hẹn, đoàn của thái tử đến Đồng Hới. Ông Nguyễn Châu Á có mặt ở sân bay để đón đoàn và gợi ý ưu tiên đoàn ở khách sạn hạng sang để đảm bảo điều kiện sinh hoạt. Tuy nhiên, thái tử không đồng ý, mà nói mình muốn tuân thủ các quy định, cũng như lịch trình của tour du lịch đã đề ra như những người bình thường khác. Có như vậy ông mới cảm nhận hết ý nghĩa của chuyến đi. Và ông lên xe, đi thẳng về Phong Nha - Kẻ Bàng, nghỉ ngơi trong một khách sạn nhỏ nằm nép mình bên dòng sông Son hiền hòa, bao quanh là những khối núi đá vôi sừng sững.

Trong chuyến đi, đoàn của thái tử tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của tour du lịch mà công ty đề ra. Thái tử rất dân dã, hòa đồng với mọi người. Ông đặc biệt thích nói chuyện, tìm hiểu cuộc sống của tộc người A Rem sống ở bản Đoòng. Ông đã dừng lại khá lâu so với quy định, đi từng nhà hỏi chuyện, say sưa nhìn người dân đánh bắt cá hay nấu những món ăn bản địa.

 

Đoàn của thái tử được nghỉ ngơi một ngày, thêm một ngày học cách leo núi, lội suối dưới sự hướng dẫn của chuyên gia hang động Howard Limbert. Chuyến đi đến Sơn Đoòng của đoàn thái tử Ả Rập được Nguyễn Châu Á bố trí những người phục vụ giỏi nhất công ty như: Chuyên gia hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert, người tìm ra hang Sơn Đoòng Hồ Khanh và 15 porter phục vụ.

 

Ông Hồ Khanh kể: Một điều ngoài dự kiến trong chuyến đi đã khiến đoàn hướng dẫn rất bối rối. Các thành viên trong đoàn của thái tử chỉ ăn cơm với rau chứ không đụng đến những thực phẩm khác. Thấy mọi người lo lắng, thái tử cười, giải thích: Những người theo đạo Hồi, trước khi giết thịt một con vật nào đó để ăn, đều phải cầu xin thánh Ala và dùng dây thắt cổ chứ không giết bằng cách chọc tiết. Thái tử khẳng định, mình đủ sức để khám phá Sơn Đoòng vì ông có một loại trà đặc biệt, uống vào sẽ bù lại năng lượng đã mất, phục hồi sức khỏe rất tốt, dù thiếu thịt.

 

Và cứ thế, trong suốt chuyến đi, người trợ lí của thái tử liên tục pha trà để thái tử uống. Trà được pha trong bộ ấm chén làm bằng gốm, có viền vàng rất đẹp. Mọi người trong đoàn cũng được thái tử mời thưởng thức loại trà đặc biệt này. “Tui thì cũng không am hiểu về trà, nhưng khi uống vào rất ngon. Có vị ngọt, béo, chát và một mùi thơm rất lạ. Uống vào một lúc là thấy người sảng khoái, đi không biết mệt”- ông Hồ Khanh kể lại.

 

Thái tử cũng là người sùng đạo, dù chuyến đi rất vất vả, nhưng tối nào những người trong đoàn của thái tử cũng đọc kinh cầu nguyện trước khi đi ngủ. Khi đến trước cửa động Sơn Đoòng, thái tử ra hiệu cho đoàn dừng lại cách đó chừng 30m, một mình ông đến trước cửa hang động chắp tay đọc kinh rồi quỳ lạy, phủ phục sát đất, sau đó ra hiệu cho mọi người đến.

 

Thái tử rất thông thạo leo núi, thòng dây để xuống động và đi qua các con suối. Ông lặng lẽ cảm nhận mọi thứ trong chuyến đi, rất ít nói chuyện khi vào trong lòng động. Khi đi đến khu vực lòng hang rộng và lớn nhất, cùng với những đại thạch nhũ, ông hỏi đoạn đường của tour khám phá còn bao nhiêu nữa. Khi nghe mọi người nói mới được nửa đường, ông quay sang những người bạn của mình nói. “Chỉ đến đây thôi cũng đã đáng giá 3.000 đô rồi”.

 

Thái tử đã rất ngỡ ngàng khi chạm đến rừng cây trong lòng hang. Ông ngẩn ngơ ngắm nhìn, lắng nghe tiếng chim hót và đặc biệt thích thú khi những màn sương mờ ảo lúc ẩn, lúc hiện kéo qua khu rừng. Ông đã dừng ở đây rất lâu để được nhìn thấy ánh mặt trời lướt qua khu rừng vào giữa buổi trưa. Thái tử tâm sự: Đã có lúc dường như ông cảm thấy mình đã chạm tới tận cùng giới hạn của tự nhiên.

 

Kết thúc chuyến đi, thái tử đã không về TP. Đồng Hới nghỉ ngơi như lịch trình mà quyết định ở lại để cùng giao lưu với mọi người trong chuyến đi. Ông đã cùng với những người bạn tự mình cầu kinh, dùng dây thắt cổ một con dê để làm thịt cùng mọi người ăn mừng.

 

Theo Hoàng Nam

TPO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm