Tây Nguyên hơn nửa thế kỷ trước dưới ống kính người Pháp
(Dân trí) - Đây là một trưng bày nghệ thuật với chất liệu ảnh dân tộc học. 34 bức ảnh khổ lớn, hình vuông, in tại Pháp trên chất liệu trong suốt, cho phép chiêm ngưỡng hình ảnh từ hai mặt.
Với mong muốn chia sẻ các giá trị nghệ thuật và khoa học của bộ ảnh với công chúng, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giaoViệt Nam - Pháp, ngày 10/7 Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức trưng bày “Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ XX”.
Chất liệu để tổ chức cuộc trưng bày là bộ ảnh tư liệu Dân tộc học gồm 200 bức về cuộc sống ở Tây Nguyên, do Jean-Marie Duchange (người Pháp) chụp vào những năm 1952 - 1955. Bộ ảnh được thực hiện bằng máy Rolleiflex và Samflex chụp phim âm bản khổ 6 x 6, là các loại máy ảnh tiến tiến thời bấy giờ.
Theo đánh giá của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (BTDTHVN), những tác phẩm được ông Jean-Marie Duchange và gia đình đã bảo quản rất cẩn thận bộ sưu tập, nên đến nay các hình ảnh vẫn có chất lượng rất tốt.
Đây là một trưng bày nghệ thuật với chất liệu ảnh dân tộc học. 34 bức ảnh khổ lớn, hình vuông (tái hiện hình dáng của các phim âm bản gốc của bộ sưu tập), in tại Pháp trên chất liệu trong suốt, cho phép chiêm ngưỡng hình ảnh từ 2 mặt. Các tác phẩm tuyệt vời này được bài trí sống động trong không gian rộng mở tạo cảm giác thân thiện với người xem và sự gần gũi với đời sống dân dã thời bấy giờ.
Jean – Marie Duchange từng bộc bạch, ông “không phải là nhà dân tộc học, cũng không phải là nhiếp ảnh gia” nhưng với cảnh đẹp và con người ở vùng đất này đã khiến ông cầm máy để ghi lại.
Hơn 60 năm đã trôi qua, những bức ảnh của ông về vùng đất và con người Tây Nguyên vẫn gây ấn tượng mạnh đối với người xem. Đó là những hình ảnh của các tộc người bản địa với tập quán cư trú đặc trưng, những ngôi nhà sàn, nhà rông, nhà mồ.
Đó là hình ảnh lễ đâm trâu, cảnh uống rượu cần, tấu cồng chiêng, những bức chân dung thiếu nữ trong trang phục dân tộc đặc sắc, cảnh các thiếu nữ làm đẹp, giã gạo, dệt thổ cẩm,… tất cả tái hiện một Tây Nguyên trong một giai đoạn lịch sử thật sống động.
Để giúp công chúng có cái nhìn toàn cảnh, toàn bộ 200 bức ảnh được xếp đặt thành một bức khảm, đồng thời được dựng thành một Video clip tạo điều kiện cho công chúng thưởng ngoạn bộ sưu tập dưới nhiều hình thức.
Bộ ảnh cung cấp cho người xem một bức chân dung sống động với các cụ ông, cụ bà, bé trai, bé gái, thanh niên, thiếu nữ… trong trang phục sức hết sức độc đáo ở Tây Nguyên giữa thế kỷ XX mà nay hầu như không còn tồn tại.
Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển bằng voi, các hoạt động thường ngày (làm rẫy, giã gạo, dệt vải, cán bông...), hoạt động nghi lễ (tang ma, đâm trâu, cầu mùa...) và nhất là các kiến trúc tạo nên bản sắc Tây Nguyên (nhà dài, nhà rông, kho thóc, chòi rẫy, nhà mồ...) cũng được tác giả ghi hình một cách tỷ mỷ
Một công cụ “tác nghịêp” của tác giả, chiếc máy ảnh Rolleiflex, cũng có mặt trong phòng trưng bày. Một “buồng tối” (camera obscura) - tiền thân của máy ảnh ngày nay - được tái dựng ở trung tâm phòng trưng bày, tặng cho công chúng những khám phá thú vị về kỹ nghệ hình ảnh. Với “công cụ” khổng lồ này, du khách yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh có thể nhận thấy nguyên tắc hiện hình (lộn ngược) của đối tượng cần ghi hình trong hộp đen.
Những tác phẩm này do Bà Évelyne Duchange và bà Nadège Bourgoin, con gái và cháu ngoại của nhà nhiếp ảnh cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Cuộc trưng bày dự kiến sẽ kéo dài trong 6 tháng. Dự kiến, sau trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bộ ảnh sẽ được giới thiệu tại Tây Nguyên, nơi cội nguồn của các tác phẩm này.Minh Phan