Sức hút của sản phẩm du lịch độc đáo tại các điểm đến hút khách hàng đầu

Toàn Thịnh
Đà nẵng

(Dân trí) - Sầm Sơn, Hạ Long đông nghịt du khách tắm biển, Đà Nẵng nô nức khách check-in cầu Vàng - Bà Nà Hills… Bức tranh du lịch cả nước 6 tháng đầu năm được tô điểm với nhiều gam màu sáng, tại những điểm đến có đa dạng sản phẩm du lịch độc đáo.

Những con số biết nói

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước. Con số này chỉ bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19 nhưng vẫn là con số lạc quan, bởi chỉ trong nửa năm, du lịch Việt Nam đã đạt 70% mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế của cả năm 2023.

Sức hút của sản phẩm du lịch độc đáo tại các điểm đến hút khách hàng đầu - 1
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam nửa đầu năm (Ảnh: Sun Group).

Trong số các nhóm khách quốc tế đến Việt Nam, Hàn Quốc đang dẫn đầu với hơn 1,6 triệu lượt, tăng 1.485,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Đà Nẵng đang là điểm đến được khách Hàn lựa chọn hàng đầu, nhờ sở hữu các sản phẩm du lịch độc đáo.

Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Destination Insights của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng. Việt Nam nằm trong top đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 và trở thành điểm đến duy nhất ở khu vực Đông Nam Á nằm ở nhóm này.

Với nỗ lực phát triển du lịch theo chiều sâu, bài toán tăng doanh thu của du lịch Việt Nam đã thu được một số kết quả tích cực.

Theo dữ liệu trong vòng 10 năm (2010-2019) của Tổng cục Du lịch và World Tourism Organization, doanh thu du lịch từ khách quốc tế đã tăng từ 4,4 tỷ USD năm 2010 lên gần 18 tỷ USD năm 2019.

Mức chi tiêu trung bình một khách quốc tế năm 2010 đạt hơn 880 USD đã tăng lên 1.200 USD vào năm 2019. Sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn được đầu tư đồng bộ tại nhiều điểm đến là chìa khóa thu hút du khách, đồng thời tăng doanh thu từ du lịch.

Sức hút của sản phẩm du lịch độc đáo tại các điểm đến hút khách hàng đầu - 2
Du khách vui chơi tại khu vườn Nhật trên đồi Ba Đèo, Hạ Long (Ảnh: Sun Group).

Bí quyết để khách ở lâu, tiêu tiền nhiều

Nhìn vào danh sách 9 điểm đến có doanh thu du lịch đạt trên 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, có thể thấy đó đều là những điểm đến giàu trải nghiệm và đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng mọi nhu cầu: nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí - mua sắm của du khách.

Không tính 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM, Quảng Ninh xếp thứ 3 với tổng doanh thu đạt 16.660 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh đón 8,86 triệu lượt khách, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn vào chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng của tỉnh này, dễ hiểu vì sao Quảng Ninh lại hút du khách như vậy.

Tại Hạ Long, du khách có thể nghỉ dưỡng tại các resort tiện nghi như Premier Village Ha Long Bay, vui chơi cả ngày không chán trong tổ hợp Sun World, khám phá Nhật Bản thu nhỏ trên đồi Ba Đèo… Tắm khoáng nóng tại Yoko Onsen Quang Hanh (Cẩm Phả) cũng là trải nghiệm không thể bỏ qua. Với các sản phẩm du lịch hấp dẫn cùng hạ tầng giao thông đồng bộ do Sun Group đầu tư, du lịch Quảng Ninh không ngừng thăng hạng.

Sức hút của sản phẩm du lịch độc đáo tại các điểm đến hút khách hàng đầu - 3
Bãi biển Sầm Sơn đông nghịt du khách hè 2023 (Ảnh: Sun Group).

Đứng sau Quảng Ninh, Thanh Hóa đón hơn 8,3 triệu lượt khách trong 6 tháng qua, trong đó, riêng Sầm Sơn đã đón tới 5,3 triệu lượt khách. Sự tăng trưởng này có phần đóng góp không nhỏ của những sản phẩm mới như quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội cùng show nhạc nước do Sun Group đầu tư.

Không kém phần sôi động trong các điểm đến có doanh thu du lịch trên 10.000 tỷ đồng là Lào Cai, Đà Nẵng. Đây là những nơi có dày đặc các sự kiện, lễ hội quy mô lớn được tổ chức liên tục.

Sức hút của sản phẩm du lịch độc đáo tại các điểm đến hút khách hàng đầu - 4
Con đường ngắm hoa đỗ quyên tại Sun World Fansipan Legend (Ảnh: Sun Group).

Nếu như Sa Pa (Lào Cai) hút khách với lễ hội hoa hồng quy mô lớn nhất từ trước đến nay, các sự kiện mang đậm bản sắc vùng cao như vó ngựa trên mây hay những sản phẩm độc đáo như không gian văn hóa các dân tộc... thì Đà Nẵng lại bùng nổ du lịch nhờ sự kiện lễ hội pháo hoa quốc tế kéo dài suốt hơn 1 tháng hè.

Theo thống kê, chỉ riêng trong thời gian tổ chức lễ hội pháo hoa quốc tế, lượng khách lưu trú ước đạt khoảng hơn 942.000 lượt, tăng 29% so với dịp lễ hội pháo hoa năm 2019 - thời điểm du lịch Đà Nẵng đạt đỉnh cao. Tất cả các lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, hàng không… đều hưởng lợi từ sự kiện này.

Sức hút của sản phẩm du lịch độc đáo tại các điểm đến hút khách hàng đầu - 5
Tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn trên núi Bà Đen (Ảnh: Minh Tú).

Tây Ninh có thể nói là một điển hình của tăng trưởng du lịch nhờ đầu tư sản phẩm, trải nghiệm mới. Năm 2019, lượng khách đến với tỉnh đạt hơn 2 triệu người. Kể từ 2020, khi hệ thống cáp treo hiện đại do Sun Group đầu tư khai trương, sau đó là loạt công trình và trải nghiệm trên khu vực đỉnh núi Bà Đen, du lịch Tây Ninh tăng trưởng không ngừng. 6 tháng đầu năm 2023, Tây Ninh đón 3,5 triệu lượt khách và tổng doanh thu đạt gần 1.450 tỷ đồng.

Bí quyết để khách ở lâu, tiêu tiền nhiều, vẫn nằm ở câu chuyện điểm đến có thêm những sản phẩm mới, trải nghiệm mới chất lượng, khác biệt. Và để có được những điều mới đó, rõ ràng vai trò của các nhà đầu tư có tầm là rất quan trọng.