Sắp mở chiếc hộp 3.000 năm tuổi chứa khối ngọc lớn có 4 con rồng canh gác

Huy Hoàng

(Dân trí) - Nhóm các nhà khảo cổ học đang chuẩn bị mở chiếc hộp với niên đại 3.000 năm tuổi chứa khối ngọc thạch lớn có hình 4 con rồng canh gác.

Khoảng 13.000 món cổ vật được phát hiện trong 6 hố cúng tế ở di chỉ Tam Tinh Đôi gần Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Di chỉ này được cho là thuộc về nước Thục cổ đại. Phát hiện mới này có thể giúp giới khảo cổ hiểu rõ hơn về vương quốc từng thống trị khu vực Tứ Xuyên nằm dọc theo thượng lưu sông Dương Tử.

Nhóm khảo cổ đến từ Viện nghiên cứu di tích văn hóa và khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên, Đại học Bắc Kinh, Đại học Tứ Xuyên cùng các cơ quan nghiên cứu đã tiến hành khai quật 6 hố cúng tế kể từ năm 2020.

Khai quật hàng nghìn cổ vật bằng vàng, bạc niên đại hơn 3.000 tuổi

Những phát hiện mới chủ yếu khai quật ở hố số 7 và số 8. Nổi bật nhất là món cổ vật với đỉnh và đáy có nắp đậy hình con rùa, hai bên thành là bản lề bằng đồng, tay cầm hình đầu rồng canh gác ở mỗi góc. Bên trong hộp có khối ngọc thạch lớn đặt chắc chắn bên trong, có khóa cài. Dường như hiện vật còn giữ nguyên vẹn.

Sắp mở chiếc hộp 3.000 năm tuổi chứa khối ngọc lớn có 4 con rồng canh gác - 1
Khối ngọc thạch lớn nằm trong chiếc hộp bằng đồng hình mai rùa (Ảnh: Xinhua).

Theo ông Li Haichao, Giáo sư khảo cổ đến từ Đại học Tứ Xuyên, đây là phát hiện khiến ông bất ngờ nhất. "Dù chúng ta chưa biết rõ món cổ vật này được dùng để làm gì, nhưng với hình dáng đặc biệt và sự chế tác khéo léo, có thể đây là thứ được người cổ đại rất trân trọng. Món đồ hiện vượt quá ngoài hiểu biết của chúng tôi", Giáo sư Li cho biết.

Cũng theo vị giáo sư này, món cổ vật có trình độ chế tác cao, thiết kế tinh xảo. Nhóm khảo cổ học còn tìm thấy một số mẩu vàng ở mặt sau khối ngọc thạch sau khi cọ sạch hộp, nhưng họ vẫn quan tâm hơn cả tới khối ngọc thạch lớn nằm bên trong. Khi chiếc hộp được mở ra, các chuyên gia hy vọng sẽ thu thập thêm nhiều manh mối quan trọng về nền văn minh cổ đại đã tạo ra nó.

Sắp mở chiếc hộp 3.000 năm tuổi chứa khối ngọc lớn có 4 con rồng canh gác - 2
Bệ thờ bằng đồng là một trong số các món cổ vật được tìm thấy ở di chỉ Tam Tinh Đôi (Ảnh: Xinhua).

Tại hố số 8, nhóm khảo cổ đã khai quật thêm các hiện vật gồm mặt nạ vàng, một tác phẩm điêu khắc bằng đồng có hình đầu người thân rắn, bàn thờ bằng đồng, một sinh vật thần thoại khổng lồ bằng đồng, một vật phẩm hình rồng bằng đồng.

"Các tác phẩm điêu khắc được thiết kế vô cùng phức tạp, giàu trí tưởng tượng, phản ánh thế giới thần tiên do con người thời điểm đó tưởng tượng nên. Qua đó, chúng còn thể hiện sự đa dạng và phong phú của nền văn minh Trung Hoa", Zhao Hao, Phó giáo sư đến từ Đại học Bắc Kinh, người đứng đầu nhóm khai quật ở hố số 8, nhận định.

Xung quanh các hố, nhóm chuyên gia còn tìm thấy các rãnh tro, nền móng kiến trúc và các hố nhỏ cúng tế. Những dấu tích còn lại như lau sậy, tre, lợn rừng và các loại gia súc có thể từng được dùng để hiến tế.  

Được phát hiện lần đầu vào cuối những năm 1920, di chỉ Tam Tinh Đôi được coi là một trong những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất thế giới vào thế kỷ 20.

Di chỉ nằm ở thành phố Quảng Sơn, cách thủ phủ Thành Đô khoảng 60km. Tàn tích có diện tích khoảng 12km2, được cho là tàn tích của Vương quốc Thục, có niên đại khoảng 4.800 năm.