Quỳnh Nhai mùa nước nổi
(Dân trí) - Quỳnh Nhai, một vùng đất không chỉ nổi tiếng với nhiều điệu múa của các cô gái Thái xinh đẹp, duyên dáng mà còn ấn tượng bởi làn điệu dân ca Thái, tiếng đàn tính tẩu ngân cả làm say đắm biết bao lòng người.
Quỳnh Nhai là huyện cuối cùng của tỉnh Sơn La, giáp với huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu, cách thành phố Sơn La hơn 60 km. Đây là địa bàn nằm ở khu vực trung tâm của lòng hồ thủy điện Sơn La nên từng có rất nhiều hộ dân phải di chuyển, tái định cư ở những quê hương mới.
Quỳnh Nhai là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái Trắng, sinh sống lâu đời ở nơi đây. Mảnh đất này nổi tiếng với các điệu múa của các cô gái Thái xinh đẹp, duyên dáng, những làn điệu dân ca Thái cùng tiếng đàn tính tẩu ngân cả làm say đắm lòng người.
Khi công trình thủy điện Sơn La được khởi công xây dựng, nước sông Đà được ngăn lại tràn về các thung lũng, khe núi của Quỳnh Nhai tạo thành một vùng lòng hồ thủy điện mênh mông, rộng lớn. Quanh năm, làn nước giữ một màu xanh trong như ngọc, khung cảnh yên bình, tuyệt đẹp, đủ sức hấp dẫn, níu chân bất cứ du khách nào đến với Quỳnh Nhai.
Nước vùng hồ Quỳnh Nhai luôn giữ một màu trong xanh như ngọc.
Cầu Pá Uôn bắc qua một đoạn của vùng hồ là cây cầu cao nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Khung cảnh thanh bình lúc chiều về ở bến Pắc Ma, Quỳnh Nhai.
Phần lớn dân cư ở đây là người dân tộc Thái Trắng với những nét văn hóa đặc trưng.
Người dân nơi đây tận dụng nước vùng lòng hồ để nuôi cá lồng.
Quỳnh Nhai là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, đàn tính tẩu cùng các làn điệu dân ca là một phần không thể thiếu của người Thái Trắng nơi đây.
Quỳnh Nhai thu hút du khách đến vào mỗi dịp tháng Giêng hàng năm bởi lễ hội đua thuyền và viếng đền thờ Nàng Han
Tặng Đào