Phượt thủ nhỏ bé nhất Việt Nam

Dù chỉ cao có 1,2m nhưng Cao Ngọc Cảnh đã có hành trình đi phượt hơn 7 năm, qua hàng trăm điểm trong và ngoài nước, điều mà ít người nào làm được ở cùng tuổi.

Từ thí sinh tí hon...

Ở cái tuổi ngấp nghé 30 nhưng hình dáng, khuôn mặt, giọng nói của Cao Ngọc Cảnh vẫn như một cậu bé tiểu học. Sinh năm 1986 trong một gia đình trung lưu tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tuổi thơ của Cảnh lớn lên như bao đứa trẻ vùng biển khác.

Từ năm 8 tuổi, bỗng nhiên gia đình phát hiện cậu không phát triển nữa. Chiều cao, ngoại hình vẫn giữ nguyên hình hài một cậu bé 8 tuổi trong khi đầu óc anh vẫn phát triển bình thường theo năm tháng. Lo cho con, cha mẹ đưa Cảnh đi chạy chữa khắp nơi. Bác sĩ cho biết, anh không vướng vào căn bệnh nào, cả mà chỉ là thiếu hooc-mon tuyến yên gây chậm phát triển cơ thể. Thế là từ đó cậu bé ở cái tuổi chưa biết lo nghĩ đã tập dần sống quen với hình hài nhỏ bé của mình.

 
Phượt thủ nhỏ bé nhất Việt Nam - 1
Với phượt thủ tí hon, mỗi chuyến đi là một lần trưởng thành.

Cảnh vẫn đi học như bao bạn bè cùng trang lứa. Trong sinh hoạt hằng ngày, có nhiều lúc anh cần sự hỗ trợ của người lớn. Trong bức ảnh tập thể chụp chung cả lớp cuối cấp ba, bạn bè dễ dàng nhận ra ngay anh giữa hàng chục bạn học bởi thân hình nhỏ thó.

Hết cấp ba, anh cũng khăn gói vào đất liền để đi thi. Mùa thi đại học năm 2004, Ngọc Cảnh là thí sinh "nhí" nhất của Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Chiều cao khi đó của anh chỉ đúng 1m. Học xong đại học, anh vào làm việc ở bộ phận khách hàng cho một công ty máy tính trên đường Cao Thắng, quận 3.

Sau gần 10 năm kể từ lần rời quê nhà, Cảnh nói vui: "Chiều cao của mình vẫn phát triển nhưng chậm, theo thời gian nhích lên tận... 2cm, giờ đã là 1,2m rồi nhé". Anh kể, có vô số lần mình bị ngộ nhận là trẻ em đi lạc khi đi trên xe bus hay đi một mình ngoài phố, được nhiều người ngỏ ý đưa giúp về nhà. Phải đến khi cất tiếng nói thì vẻ chín chắn của anh mới làm người ta ồ lên ngạc nhiên, có khi anh chàng này còn lớn tuổi hơn cả mình.

Cảnh nói, đã quá quen với những tình huống oái oăm như thế nên nhiều khi anh biến nó thành niềm vui trong cuộc sống, mang thành tiếng cười để chia sẻ với bạn bè.

Đến một phượt thủ "lão làng"

Chưa bao giờ bạn bè hay người thân thấy sự mặc cảm ở chàng trai này. Ngược lại, tính cách sôi nổi, tếu táo của anh là tâm điểm cho bạn bè trong mỗi cuộc vui. Không lấy khiếm khuyết cơ thể làm rào cản ngăn cách mình hoà nhập với cuộc sống, anh còn dám mạnh dạn trải nghiệm những thú vui mà ít người dám tham gia, đó là đi "phượt" ("phượt" là một từ lóng của giới trẻ ám chỉ việc xê dịch khám phá hoặc đi du lịch bụi).

 
Phượt thủ nhỏ bé nhất Việt Nam - 2
Nghỉ ngơi giữa một cung đường “bão táp”.

Vốn yêu thích những chuyến du lịch "bụi", anh đã từng đi qua các nẻo đường Tây Bắc, Bằng Tường (Trung Quốc) nhưng đó chỉ đơn giản là những cuộc vui giải khuây. Ý thức phải thay đổi cuộc sống văn phòng chỉ quanh quẩn với bàn giấy, năm 2008, trong một dịp tình cờ phát hiện ra diễn đàn Phuot.vn dành cho dân "phượt", anh lân la làm quen rồi bắt đầu chuyến đi "ráp nối" đầu tiên với những người bạn hoàn toàn xa lạ. "Ban đầu chỉ vì muốn xa lánh không khí ngột ngạt của Sài Gòn, nhưng đi mãi rồi quen, đâm ghiền, dù là đi "hành xác" hay trải nghiệm thú vị", Cảnh nhớ lại.

Trong mắt bạn bè, Cảnh là chàng trai dám nói, dám làm, đi như con thoi từ Nam chí Bắc, người nhỏ con mà sức chịu đựng thì vô cùng đáng nể. Vừa thấy anh du ngoạn ở Tây Bắc, thoắt đó đã thấy xuôi làng hoa Tân Quy Đông (Sa Đéc, Đồng Tháp). Trang mạng xã hội của anh như một "bản đồ" hữu ích để bạn bè tham khảo trước những chuyến đi.

Bảy năm kinh nghiệm đi phượt, Cảnh đã có dịp kinh qua "4 cực 1 đỉnh" trứ danh của dân du lịch bụi, bao gồm: cực Bắc Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây A Pa Chải (Điện Biên), cực Đông Vạn Ninh (Khánh Hoà), cực Nam Đất Mũi (Cà Mau), và trên hết, chinh phục đỉnh Fansipan. Anh hào hứng, không chỉ là "4 cực 1 đỉnh", người đi phượt thích nhất là những hòn đảo trải dọc theo chiều dài đất nước, có những đảo nhỏ, hoang vu mà cảnh vật tuyệt đẹp, cũng có những đảo vô cùng nguy hiểm trên đường đi. Với anh, "chinh phục được những đảo đó kích thích thêm sự háo hức, thỏa mãn đôi chân và cảm thấy thêm yêu những vùng đất chưa được khám phá của đất nước mình".

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trên đường đi phượt của Ngọc Cảnh là lần đầu tiên khám phá cực Đông, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc. "Vì tranh thủ thời gian và đảm bảo sức khỏe nên phải men theo đường ra Mũi Đôi vào ban đêm. Trong đêm, đoàn phải lội qua những trảng cát, trời tối mù mịt. Cả đoàn dắt nhau đi, băng qua những cánh rừng bụi, những đồi cát, lội qua con suối mới đến được Bãi Na - nơi dừng chân cắm trại để sáng hôm sau đi thuyền ra mũi Đôi", anh nhớ lại.

Nhưng, "chưa chạm được vào đích cuối là chóp inox đánh dấu tọa độ của Mũi Đôi thì coi như chưa chưa tới cực Đông", phượt thủ nói. "Trải qua bao nhiêu gian nan mới đến được nhưng không trèo nổi lên tảng đá dựng đứng có chóp inox. Một vài bạn chân dài hơn và có sức khỏe đã leo lên được, còn mình thì đứng dưới mé biển nhìn sợi dây thừng mà muốn khóc. Không lẽ bao gian nan tới đây để ngắm từ xa thôi sao? Thế là nhờ được sự trợ giúp của bạn đồng hành ở trên, mình cố bám các gờ đá và leo lên trong tiếng hò reo của mọi người. Cuối cùng cũng "bò" lên được điểm cực Đông "thần thánh", cảm xúc như vỡ òa”, anh bồi hồi nhớ lại. "Có lẽ từ trước đến giờ mình là người nhỏ bé nhất chinh phục được cực Đông thiêng liêng", anh cười.

Thể trạng nhỏ bé nên Ngọc Cảnh không thể chạy được xe máy, khi mà hầu như trong tất cả các chuyến đi đều phải rong ruổi bằng phương tiện này để luồn lách vào sâu trong rừng, băng đồi cát, men theo đường đất. Các đoàn đi phượt thường đi chia cặp, hai người một xe, người nam thường cầm lái, còn người nữ ngồi sau, trong giới gọi vui bằng các từ là "xế" và "ôm". Trong các chuyến đi, ngoài "xế" và "ôm", bạn bè đã quen với việc một cặp "đèo" thêm một "cậu bé" ngồi vắt vẻo trước ba-ga xe máy, cười vang dội cả đoàn. "Còn đi hai người thì mình chỉ toàn làm "ôm" thôi. Mà "ôm" có cái hay là nhờ rảnh tay nên mình dò GPS rất cừ, nhiều bạn thích làm "xế" cho mình lắm vì nhẹ và gọn", anh cười hào hứng.

"Đi phượt" với Ngọc Cảnh không chỉ đơn thuần là những chuyến đi mạo hiểm, chông gai bất định, mà đó còn là những chuyến đi để thiện nguyện, để đi không còn là đem niềm vui chỉ cho riêng mình. Anh vẫn còn nhớ chuyến đi hơn một năm trước về đất Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, nơi "một bộ phận bà con người Việt đang sống "lưu vong" trên chính đất mẹ của mình", không giấy tờ, không đất đai, không thân thích, không việc làm, không biết chữ. Vùng đất "5 không" đó khiến anh nhớ hoài về "ánh nhìn khắc khoải buổi đầu hôm trên chiếc ghe còm cõi chỉ có vài con cá, con tôm". "Nó khiến chúng tôi biết rằng mình sẽ phải trở lại để làm một cái gì đó cho nơi này", anh nói.

 
Phượt thủ nhỏ bé nhất Việt Nam - 3
Ngọc Cảnh trên “nóc nhà Đông Dương” sau khi vượt qua 3.143m đáng nhớ.

Từ trước đến giờ ít khi nào gặp tai nạn trên đường phượt, Ngọc Cảnh nói, chỉ thỉnh thoảng đi vào vùng sâu, vùng xa hay vùng đất đỏ Tây Nguyên vẫn bị "xoè". Cả "xế" lẫn "ôm" đều nhào lăn xuống vũng sình nhưng đều nhìn nhau cười. Tự nhận mình là "con nít sống lâu năm", phượt thủ đặc biệt đã chia sẻ: "Chưa đủ già để đi đây đi đó cho biết với đời, đủ để biết mình nhỏ bé trước thế giới rộng lớn". Cột mốc sang tuổi 30 được anh nhắc gắn liền với cột mốc chinh phục 3.143m của đỉnh Fansipan, mà anh coi đó như hai chặng dừng quan trọng của đời mình.

Dự định ấp ủ cho quê nhà

Gần chục năm lăn lộn đất Sài Gòn, giữa năm 2015, bỗng nhiên liên lạc với anh rất khó khăn. Bạn bè nháo nhào đi tìm thì anh nói tỉnh bơ: "Cảnh về lại quê rồi".

Nặng một niềm yêu cho quê nhà Lý Sơn, hòn đảo miền Trung đã nuôi dưỡng "máu" phiêu lưu mạo hiểm của mình, anh quyết định bỏ lại hết lo toan, nắng nóng Sài Gòn để về nhà, ấp ủ một dự định cho hòn đảo này.

Trước đây, bạn bè ra Lý Sơn du lịch, anh đều tình nguyện làm người hướng dẫn, nhiệt tình tìm khách sạn, nhà home-stay. Bây giờ về đảo ở hẳn, bạn bè thấy anh sống tự tại, bận rộn hơn khi hằng ngày lặn biển, hái rong nho, tự do đi thăm thú các đảo xung quanh, khám quá phá quán xá và tiết lộ đang chuẩn bị để mở một nhà hàng cho khách du lịch.

Nhìn cuộc sống của Ngọc Cảnh những ngày trở về quê lập nghiệp, anh không tiếc nuối nhiều vì đã bỏ thành phố, bỏ lại các "chiến hữu" đã cùng lăn lộn trên các chuyến đi. Anh nói, mỗi cung đường có mỗi trải nghiệm khác nhau, coi như về nhà là đi lại một cung đường cũ nhưng đích đến thì khác.

"Mỗi vùng miền như một tấm gương phản chiếu để nhìn nhận lại bản thân mình", anh đúc kết. "Đi để biết nhiều nơi trên nước mình còn đẹp và hoang sơ lắm mà mình chưa khám phá ra hết. Đi mới biết được bản sắc văn hóa vùng miền, văn hóa ẩm thực thực sự phong phú. Có những vùng, người dân còn nghèo, học sinh phải thức dậy từ 5h sáng, lội qua mấy quả đồi mới đến được trường. Có những nơi đồng bào cả tuần mới đi chợ một lần, có những hòn đảo không có nguồn sống. Việt Nam mình đẹp hơn người ta tưởng tượng nhiều, đâu cần phải ở nước ngoài mới là đẹp", chàng phượt thủ nói đứt quãng rồi từ biệt, hẹn khi nào lo cho "đứa con tinh thần" xong xuôi sẽ "tái ngộ" bạn bè ở Lý Sơn một ngày không xa.

Theo Huỳnh Duyên

CSTC/Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm