Phóng to bức tranh cổ Càn Long yêu thích, phát hiện bí mật ẩn nghìn năm

Huy Hoàng

(Dân trí) - Bức tranh cổ kiệt tác từ thời Bắc Tống vốn được Hoàng đế Càn Long rất yêu thích nhưng bị khuyết danh. Nhờ việc phóng to 20 lần, các chuyên gia mới vô tình tìm thấy bí mật giấu kín suốt hơn 900 năm.

Bức họa được Hoàng đế Càn Long yêu thích

Bảo tàng Cố cung Quốc gia tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) hiện đang lưu giữ những bức tranh quý. Trong đó, có bức tranh phong cảnh cổ với niên đại hơn 900 năm tuổi từ thời Bắc Tống.

Đây vốn là bức tranh nổi tiếng từng được Hoàng đế Càn Long thời nhà Thanh rất ưa thích. Theo tương truyền, ông đã để lại con dấu lớn của mình nằm ở phần đầu tranh.

Phóng to bức tranh cổ Càn Long yêu thích, phát hiện bí mật ẩn nghìn năm

Bức họa được bảo quản cẩn trọng, thậm chí hiếm khi được phép mang đi triển lãm ở nước ngoài, bởi chỉ cần một chút bất cẩn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của nó.

Phóng to bức tranh cổ Càn Long yêu thích, phát hiện bí mật ẩn nghìn năm - 1
"Khê sơn lữ hành đồ" hiện được trưng bày tại Bảo tàng Cố cung Quốc gia ở thành phố Đài Bắc (Trung Quốc) (Ảnh: News).

Đó là bức họa với tên gọi "Khê sơn hành lữ đồ" (Tạm dịch: Dạo chơi giữa suối và núi), được tô màu trên giấy lụa. Chiều cao khổ giấy hơn 2m, rộng 1m, được khắc họa từng đường nét rất tỷ mỉ. Đây được coi là một trong những bức tranh thiên nhiên tiêu biểu của thời đại lúc bấy giờ.

Phóng to bức tranh cổ Càn Long yêu thích, phát hiện bí mật ẩn nghìn năm - 2

Từng đường nét trên bức họa cổ được khắc họa rất tỷ mỷ (Ảnh: News).

Theo phân tích từ các chuyên gia, đỉnh núi khổng lồ "chiếm ưu thế" tổng thể bức họa, tạo ra bầu không khí sâu lắng và yên tĩnh. Xung quanh, cỏ dại mọc um tùm với thác nước từ trong núi đổ ra. Giữa những tảng đá là dòng nước chảy xiết. Một ngôi miếu chùa đứng sừng sững bên không gian thoáng đãng. Cách đó không xa là một nhóm bộ hành đang thong thả bước đi trên đường. Tiếp theo đó là những chú lừa lững thững nối đuôi nhau. Sự kết hợp giữa tĩnh và động, càng khiến bức tranh trở nên hoàn hảo.

Phóng to bức tranh cổ Càn Long yêu thích, phát hiện bí mật ẩn nghìn năm - 3
Cận cảnh một góc của bức họa (Ảnh: News).

Suốt thời gian dài, không có tài liệu nào ghi chép về tác giả đứng sau bức tranh này. Trên tranh không ghi rõ ngày tháng, con dấu hay lời đề từ. Sự khuyết danh này càng khiến hậu thế thêm tò mò.

"Khê sơn hành lữ đồ" được triều đại nhà Minh sưu tầm, sau đó "rơi vào" dòng chảy dân gian. Sau đó, nhà thư pháp nổi tiếng Đổng Kỳ Xương mua lại. Khi chiêm ngưỡng tỷ mỉ từng đường nét trên bức họa, nhà thư pháp này đã đề thêm bức tranh là "Bắc Tống Phạm Trung Lập Khê sơn hành lữ đồ" (Tạm dịch: Bức họa "Khê sơn hành lữ đồ" của thời Bắc Tống, tác giả: Phạm Trung Lập).

Tuy nhiên, dòng chữ này không thể coi là căn cứ để xác định tác giả gốc của bức họa cổ.

Bí ẩn hơn 900 năm nằm trong kẽ lá được "giải mã"

Suốt thời gian dài, bí ẩn về tác giả bức họa là ai vẫn chưa được xác định. Sau hơn 900 năm, cuối cùng câu trả lời mới được tìm thấy theo cách rất tình cờ.

Vào tháng 8/1958, một chuyên gia về thư pháp và hội họa tại Bảo tàng Cố cung Quốc gia ở thành phố Đài Bắc đã phát hiện thấy chi tiết quan trọng. Ông nhận thấy, trong những kẽ lá dưới bụi cây ở góc dưới bên phải của bức họa có ẩn một chữ kỹ rất nhỏ. Khi các chuyên gia dùng công nghệ phóng to 20 lần, hai chữ "Phạm Khoan" hiện ra.

Phóng to bức tranh cổ Càn Long yêu thích, phát hiện bí mật ẩn nghìn năm - 4
Chân dung minh họa danh họa Phạm Khoan thời Bắc Tống (Ảnh: Sogou).

Sau thời gian xác minh, phân tích, cuối cùng, tác giả của bức họa cổ được xác nhận là Phạm Khoan. Ông mất năm 1031, vốn là một trong những họa sỹ nổi tiếng thời Bắc Tống. Đây là cũng là thời kỳ vàng son của tranh sơn thủy Trung Quốc. Khi tham khảo những bức tranh cùng thời, nhóm chuyên gia còn phát hiện thêm đặc điểm trong phong cách hội họa thời Bắc Tống đó là "ẩn tên tác giả".

Tại thời đại này, các họa sỹ cho rằng, nếu chữ viết lên bức họa cẩu thả sẽ làm ảnh hưởng tới vẻ đẹp tổng thể của bức tranh. Bởi vậy, thay vì ghi rõ tên của mình, họa sỹ sẽ "ẩn danh" ở những góc khuất trên tranh, thường là khe núi, kẽ lá hay thậm chí trong các phiến đá. Qua đó, người xem chỉ cần tập trung chiêm ngưỡng toàn thể bức tranh.