Phiêu lưu tới nơi những cư dân độc, lạ của đại dương sinh sống

(Dân trí) - Các sinh vật biển kỳ lạ, hấp dẫn và những địa điểm đẹp như thiên đường thường xuất hiện trong hành trình của nhà sinh học biển Mỹ Mike Gil.

Phiêu lưu tới nơi những cư dân độc, lạ của đại dương sinh sống - 1

Đảo Moorea là nơi có phong cảnh tuyệt đẹp, được Mike coi như “văn phòng” bởi anh thường “đóng đô” tại đây.

Tiến sĩ Mike Gil, 34 tuổi, là nhà nghiên cứu tại Đại học California ở thành phố Santa Cruz, bang California. Anh cũng là nhà thám hiểm địa lý quốc gia của Mỹ.

Niềm đam mê bảo vệ hệ sinh thái biển luôn thôi thúc Mike lên đường tới những góc xa xôi nhất của thế giới tự nhiên để nghiên cứu các loài sinh vật biển, nhất là những loài “độc lạ”.

Phiêu lưu tới nơi những cư dân độc, lạ của đại dương sinh sống - 2

Các “cư dân” cá mập Vây Đen ở ngoài khơi đảo “thiên đường” Moorea.

Khoảng 3 tháng mỗi năm, Mike như hoá thân thành một Indiana Jones (nhân vật giáo sư khảo cổ học hư cấu trong loạt phim truyền hình Mỹ) đi khám phá các vùng biển xa, xem con người tác động tới kho báu hệ sinh thái đại dương như thế nào.

Phát hiện đảo “thiên đường” mới nhất của Mike là Moorea - một phần của quần đảo Société tại Polynesia - vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp.

Phiêu lưu tới nơi những cư dân độc, lạ của đại dương sinh sống - 3

Mike chộp được hình ảnh đẹp lạ: “Bộ tứ” cá voi Lưng Gù dường như đang mớm mồi cá cơm cho những chú chim bay lượn quanh đó.

Trong những chuyến đi tới Moorea, Mike ấn tượng nhất với cảnh tượng hiếm thấy là một cặp đôi cá voi lưng gù… âu yếm nhau, mà vợ chồng anh tận mắt chứng kiến từ cự ly gần. Đây là loài cá voi lớn dài từ 12-16m, nặng 30-36 tấn.

Phiêu lưu tới nơi những cư dân độc, lạ của đại dương sinh sống - 4

Mike và vợ - chị Heather Hillard, cũng là một nhà sinh học biển, chụp được hình ảnh cận cảnh cặp đôi cá voi Lưng Gù âu yếm nhau.

Không chỉ xuống biển, Mike còn kết hợp lên núi khám phá những vẻ đẹp trên cao tại các đảo “thiên đường”.

Phiêu lưu tới nơi những cư dân độc, lạ của đại dương sinh sống - 5

Mike leo lên đỉnh núi lửa Rotui - điểm cao nhất trên đảo Moorea.

Một quần đảo “thiên đường” khác là Maiao (còn gọi là Mai’ao) trên Thái Bình Dương cũng tại Polynesia thuộc Pháp, là một trong những nơi xa xôi nhất mà Mike đã tới và nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của anh.

Phiêu lưu tới nơi những cư dân độc, lạ của đại dương sinh sống - 6

Cá mập ngay phía sau! Mike lặn xuống đáy sâu và mạo hiểm chụp ảnh selfie cùng cá mập.

“Đó là một thiên đường nhiệt đới nhỏ hoang sơ chỉ có vài trăm cư dân. Du khách không thường xuyên đến đây …” - Mike nhớ lại và kể thêm về hành trình tới Thái Lan mùa hè 2019.

Phiêu lưu tới nơi những cư dân độc, lạ của đại dương sinh sống - 7

Maiao (Mai'ao) là một trong những điểm xa xôi nhất mà Mike đã tới.

Khi đó tại một hòn đảo sắp đóng cửa với du khách, vợ chồng Mike đã trải qua một cơn bão lớn ngay đêm đầu tiên tới nơi, tưởng chừng có thể lôi tuột cả ngôi nhà gỗ nhỏ họ đang lưu lại xuống biển.

Bù lại Mike nhận thấy hệ sinh thái biển nơi đây khá phong phú với nhiều rạn san hô tuyệt đẹp. Đặc biệt Mike còn có cuộc gặp gỡ bất ngờ với một sinh vật mà lúc đầu anh ngỡ là “ngoài hành tinh”.

Phiêu lưu tới nơi những cư dân độc, lạ của đại dương sinh sống - 8

Các sinh vật biển hấp dẫn, đôi lúc tuyệt đẹp, thường xuất hiện trong các hành trình dưới nước của Mike.

“Một trong những loài vật kỳ lạ nhất mà tôi từng thấy là con sứa rất lớn với thân hình rộng hơn 1, 5 feet (gần 46 cm), tôi suýt vô tình bơi đâm thẳng vào nó trong khi đang thu thập dữ liệu về các loài cá tại rạn san hô ở vùng sâu vùng xa này trên Vịnh Thái Lan. Con sứa có lẽ bị cơn bão lớn đêm qua đẩy vào gần bờ. Còn gì tuyệt vời hơn một chuyến tham quan miễn phí khám phá ‘các cấp phòng thủ’ dưới dạng những loài có xúc tu khổng lồ” - Mike chia sẻ.

Vùng này còn có nhiều loài cua nhỏ, brittlestar (loài Đuôi rắn, thường sống trong rạn san hô) và vô số cá nhỏ sặc sỡ.

Phiêu lưu tới nơi những cư dân độc, lạ của đại dương sinh sống - 9

Bữa tối dưới đáy biển của con đồi mồi này là cụm Corallimorph (loài động vật biển thuộc ngành sứa lông châm, bắt mồi bằng các lông châm) cao 80 feet (khoảng 2,4m).

Lang thang dưới biển, nhiều khi ở tận đáy sâu nên nhà sinh vật biển gan dạ Mike cũng từng vài lần “chạm trán” với cá mập.

Thậm chí có lần Mike còn buộc phải bơi trong bóng tối mịt mùng tại một vùng vịnh mà anh biết có cá mập hổ sinh sống, do thuyền chết máy khi thuỷ triều xuống giữa lúc anh và một đồng nghiệp trên đường trở về sau một ngày nghiên cứu các rạn san hô.

“Chúng tôi nhảy xuống biển, mỗi người quấn dây neo vào vai và cùng bơi kéo thuyền vào bờ. Tất cả những gì các bạn có thể thấy chỉ là bóng tối. Chúng tôi bơi chỉ khoảng 35 phút nhưng cảm giác như hàng giờ, sau đó cùng thở phào vì may mắn không trở thành món ăn nhẹ cho cá mập hổ” - Mike kể lại qua kênh “Ted talks” do anh điều hành trên YouTube, nhằm giúp người xem có thêm hiểu biết về các đại dương và hệ sinh thái biển.

Phiêu lưu tới nơi những cư dân độc, lạ của đại dương sinh sống - 10

Mike chụp selfie giữa “rừng đại dương” tại Akumal, Mexico.

Mike tiết lộ “cư dân biển” anh yêu thích nhất khi làm việc cùng là các loài cá lạ ở rạn san hô như: Cá Vẹt (còn gọi là cá Mó), cá Thỏ (thuộc chi cá Dìa), cá Đuôi gai… đều là những “động vật ăn cỏ” dưới nước.

“Chúng không chỉ đẹp, lạ mà còn có nhiệm vụ quan trọng là dọn sạch loại tảo đe doạ xâm chiếm và tiêu diệt các rạn san hô. Càng nguy hại hơn khi có thêm tác động bởi con người gây ô nhiễm và đánh bắt hải sản quá mức” - Mike nhấn mạnh.

Trong những chuyến đưa sinh viên đi hướng dẫn trực quan về cách nghiên cứu biển, Mike nói anh bị hấp dẫn nhất với “rừng đại dương” huyền ảo (còn gọi là rừng ngập mặn) tại Akumal - một cộng đồng du lịch nhỏ bên bờ biển Mexico…

Linh Lê

Theo Daily Mail